"Từ độ chia tay anh phiêu bạt muôn phương"
Văn hóa - Thể thao 20/11/2022 08:32
Nhà thơ Nguyên Khắc Tú có hàng trăm bài thơ được các nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyển thể phổ nhạc, ngâm thơ, với số lượng tác phẩm đồ sộ viết về nhiều thể loại trữ tình bôlero, dân ca xứ Nghệ, ví dặm, ngâm khúc... nhưng nhiều khi hỏi lại nhà thơ cũng không nhớ chính xác lời từng bài thơ và câu thơ do mình viết đã được phổ nhạc, diễn ngâm.
Nhà thơ Nguyễn Khắc Tú tâm sự, ông rất bất ngờ vì bài hát "Lỡ hẹn với dòng Lam" lại được nhiều người nghe mến mộ và ngân nga trong cuộc sống thường ngày đến vậy, bài hát này được nhiều người thích có lẽ vì lời bài hát gần gũi với tất cả người nghe, ai cũng soi thấy hình bóng của chính mình trong đó. Núi Hồng, sông, Lam không còn của người xứ Nghệ mà là hình ảnh biểu tượng của mỗi người khi nghe bài hát.
Nhà thơ nguyễn Khắc Tú, tác giả phần lời ca khúc "Lỡ hẹn với dòng Lam" |
Cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của nhà thơ Nguyễn Khắc Tú là cảm hứng về quê hương và con ngườu xứ Nghệ, nơi có núi Hồng, sông Lam thơ mộng. Nghệ Tĩnh là đất thơ nên chính tác giả cũng được tắm mình trên dòng sông thơ đó từ thuở thiếu thời qua câu hát ru của bà, của mẹ, qua mỗi đêm đi nghe hát ví phường vải, nghe hát lẩy Kiều nên mỗi câu thơ đều được nhà thơ vẽ nên một khuông nhạc về tình quê tình đời, có hình ảnh chiếc áo tơi của mẹ, có đường cày của cha, có sợi rơm vàng mùa gặt, có nỗi nhớ nhung sầu vợi giữa hai bờ sông Lam, có mây phủ non Hồng vời vợi mắt ai buồn tái tê...
Nhiều người thường hay ngân nga câu hát: "Từ độ chia tay anh phiêu bạt muôn phương, nay trở về quê đò gác bến rồi" nhưng lại ít người biết tác giả sáng tác lời cho ca khúc đó là nhà thơ Nguyễn Khắc Tú quê huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bên dòng Lam soi bóng núi Hồng thơ mộng.
Trò chuyện với chính tác giả, tôi hiểu hơn hoàn cảnh ra đời cũng như nhân vật trong bài hát "Lỡ hẹn với dòng Lam". Tác giả kể rằng, bên bờ sông Lam có hai người yêu nhau, đó là một mối tình rất đẹp nhưng vì một lý do nào đó mà chàng trai phải cất bước ra đi phiêu bạt muôn phương trên khắp mọi miền quê, sau một thời gian chàng trai trở về quê một cách vội vã trên chiếc thuyền nan trên dòng sông Lam thuở nào. Dòng sông chứng kiến mối tình đẹp đẽ nhưng khi về cập bến xưa thì hay tin người yêu đã lấy chồng, đò đã gác bến. Hối tiếc, hụt hẫng, đau buồn! Trách ai bây giờ? Có lẽ người con gái đó cũng có lý do chính đáng để đi lấy chồng. "Đò đầy đò phải sang sông, hoa đến thì thì hoa phải nở, đến duyên em đi lấy chồng". Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa ùa về, sống dậy trong lòng chàng trai như đôi mắt người thương nghiêng vành nón, nước mắt nhạt nhòa theo mái chèo buông.
Chàng trai có lẽ đang tự thầm trách mình lỡ hẹn chuyến đò sang ngang, lỡ hẹn với người anh thương. Một câu chuyện tình đẹp mà đượm buồn! Cả hai đang còn luyến thương và yêu mến nhau vậy mà phải lỡ chuyến đò cuộc đời! Bài hát như lời tự ru của tác giả, khúc hát ru cho cuộc đời lãng du của chính mình. Câu từ, giai điệu tiết tấu của bài hát "Lỡ hẹn với dòng Lam" thấm đẫm tình quê xứ Nghệ, chân chất mộc mạc mà sâu lắng trữ tình. Bài hát là hành trang của mỗi người con xứ Nghệ tha hương khi nhớ về quê cũ, nhớ về thanh xuân một thời nơi có dòng Lam, núi Hồng thơ mộng. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khắc Tú và nhạc sĩ Lê Xuân Hòa đã hòa điệu cảm xúc để đưa đến cho mọi người một ca khúc hay về tình quê, tình đời sâu lắng.