TP. Hồ Chí Minh: Kinh tế cảng biển và đô thị biển du lịch
Du lịch 30/04/2021 11:07
Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ |
Một góc Khu Du lịch Vàm Sác |
Nếu TP.Hồ Chí Minh không có huyện Cần Giờ được phủ bởi màu xanh của sông rạch và rừng cây thì mức độ ô nhiễm không khí sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Và nếu TP.Hồ Chí Minh không có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ thì sẽ đơn điệu biết bao. Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ đóng góp vào việc nghiên cứu, bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền, nó còn thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bền vững môi trường, bởi vậy, nhiều nhà khoa học đã ngợi ca việc phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ là một đóng góp vô giá của nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho đất nước.
Cần Giờ còn có tên là Rừng Sác. Sác là tên chung để chỉ một nhóm loại cây chỉ mọc ở những bờ biển phù sa mới bồi. Nhưng ở miền Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long, khi nói đến rừng sác là người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ, như là một địa danh.
Cần Giờ là một phần đồng bồi Đồng Nai mà các nhà địa chất đặt tên là Rừng Sác Gia Định, từng rộng đến 170.000ha, chiếm một phần ba rừng ngập mặn của cả nước. Cần Giờ là một quần đảo với hơn 60 hòn đảo bị chia cắt bởi sông rạch chằng chịt và ba cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Thị Vải tàu có trọng tải 50.000 tấn dễ dàng vào ra.
Nói đến Cần Giờ là nói đến hệ sinh thái rừng ngập mặn trên là tán cây ken dày, dưới là sự sống phong phú của các loài động vật, cả động vật không ở dưới nước. Trong Phủ biên tạp lục, hai thế kỷ trước, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi: “Từ cửa Cần Giờ, cửa Soài Rạp đi vào toàn là những đám rừng hoang vu, mỗi đám rừng có thể rộng hơn ngàn dặm”. Trước năm 1954, thảm thực vật hơn 50.000ha của Cần Giờ gần như nguyên vẹn, rất nhiều cây đước cao 25 -30 mét, đường kính 40 - 50cm, nhưng dần dần bị chặt phá để hầm than, làm củi, làm nhà, nhất là sau khi phải chịu đựng 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc hóa học của quân Mỹ, chỉ còn lại cây bụi lúp xúp. Rừng ngập mặn Cần Giờ trước đây hầu như hội đủ các loài chim (130 loài) và thú của miền Đông Nam bộ, từ nai, mễn, chồn, lợn, trăn, rắn, khỉ đến cọp, báo, gấu. Vài chục năm trước, cá sấu vẫn còn là mối đe dọa đối với cư dân sông nước Cần Giờ. Năm 1978, tôi ngủ đêm trong lán một nông trường chuyên trồng đước ở Cần Giờ, khuya cá sấu vào bắt chó dưới sạp tre. Do nằm trong vùng nóng ẩm gió mùa với lượng mưa trung bình hằng năm trên dưới 1.100mm, chế độ bán nhật triều, và nhất là nằm trong vùng cửa ngõ các con sông lớn đã tạo ra đới phù sa phong phú cộng với thảm thực vật phân hủy tại chỗ (mỗi năm khoảng 10.000 - 14.000kg/ha) khiến cho thủy sản tự nhiên ở Cần Giờ đạt mức cao nhất trong các rừng ngập mặn của Việt Nam với khu hệ động vật thủy sinh không xương sống trên 700 loài, khu hệ trên 130 loài, lưỡng thê 9 loài.
Có một điều thú vị nữa, nhân nói về quá khứ, là tại sao Cần Giờ có lúc mang tên Duyên Hải. Cái tên Duyên Hải được dùng từ ngày 5/7/1968, do thời chiến tranh, chính quyền cách mạng sáp nhập vào để tiện việc bố trí lực lượng đánh giặc. Hòa bình rồi, Duyên Hải vẫn là một huyện của Biên Hòa, đến tháng 3/1978, Chính phủ mới quyết định trả phần đất mang tên Cần Giờ trước đây về TP.Hồ Chí Minh, vẫn mang tên Duyên Hải. Nhưng cái tên Duyên Hải - vùng ven biển - nghe “chung chung” quá, nên theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân từng gắn bó với mảnh đất này, ngày 18/12/1991, Duyên Hải được trở lại tên có từ mấy trăm năm trước, là Cần Giờ.
Cần Giờ có hai đổi thay quan trọng nhất từ ngày đất nước thống nhất đến nay.
Trước tiên là phục hồi rừng sác. Dẫu không thể phục hồi nguyên trạng như xưa, nhưng từ năm 1978, từng năm một, rừng Cần Giờ đã xanh tốt trở lại với gần 40.000ha, trong đó có 220 loài thực vật, chủ yếu là cây đước, kế đến là mắm, bần, chà là, sú, vẹt. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết hầu hết rừng đước Cần Giờ hôm nay được lấy giống từ rừng đước Cà Mau. Những trái đước dài, thon, nhọn theo đường biển từ Đất Mũi về Sài Gòn, được người dân Cần Giờ và Thanh niên xung phong TP.HCM cắm xuống sình lầy lẫn lộn mảnh bom pháo, bật mầm lên xanh, phủ tán hơn một nửa diện tích cả một huyện rộng bằng nước Singapore, được nhiều chuyên gia môi trường nước ngoài đánh giá là khu rừng được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và thế giới, là địa điểm lý tưởng phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Vì thế mà ngày 21/1/2000, UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Cần Giờ có hai khu du lịch sinh thái được đánh giá là phát triển bền vững nhất nước, đó là Lâm viên 2.000ha (thường gọi là Đảo Khỉ) và Vàm Sát hơn 1.800ha. Hai khu du lịch này có cảnh quan điển hình của rừng ngập mặn với vườn chim, vườn dơi, vườn thú bản địa giữa mênh mang sông rạch.
Khôi phục được rừng ngập mặn Cần Giờ còn có ý nghĩa đặc biệt khác, đó là phục dựng nơi trú đóng của lực lượng kháng chiến trong 30 năm giữ nước. Trung đoàn 300 trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất rồi Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác trong cuộc kháng chiến lần thứ hai đã bám trụ nơi đây, vừa đánh giặc tại chỗ, vừa thọc sâu vào Sài Gòn đánh tàu chiến, đánh kho xăng của đối phương. Thời giặc dã ấy, dân số Cần Giờ chưa bao giờ vượt quá 5.000 người mà đã có 600 liệt sĩ, 25 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng! Cách Đảo Khỉ mươi phút chạy xuồng cao tốc, căn cứ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác được phục dựng 20 năm trước dưới tầng lá một cụm rừng đước cao mấy chục mét. Để án ngữ đường thủy trên sông Lòng Tàu, phá hủy kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu Quân sự Rừng Sác (mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác cho đến ngày giải phóng miền Nam). Nếu địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì Đặc khu Quân sự Rừng Sác là “căn cứ nổi” – từ lán trại đến hầm hào chiến đấu, trú ẩn đều phải nổi trên mặt nước.
Bia tưởng niệm trong di tích căn cứ ghi:
860 anh hùng liệt sĩ Rừng Sác đã ra đi
Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó
Khói lửa ngút trời sử sách ghi
Cho thấy sự hy sinh lớn đến mức nào của lính đặc công trên đất Cần Giờ!
Bắt đầu từ tháng 4/1985, đường Rừng Sác được khởi công xây dựng trên nền đất sình lầy, sông rạch chằng chịt, chỉ có hai làn xe, qua bảy cây và hai . Tháng 5/2002, UBND TP.Hồ Chí Minh cho nâng cấp đường Rừng Sác lên sáu làn xe, dài 36km, không còn phà, là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm thành phố với Khu Du lịch 30 tháng Tư, cách thị trấn huyện lỵ Cần Thạnh không xa.
Huyện Cần Giờ với lợi thế tiếp cận trực tiếp với biển tại vịnh Cần Giờ 42.000km2 nên TP.HCM có định hướng đột phá là thành phố có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí. Như vậy Cần Giờ sẽ trở thành khu đô thị sinh thái cộng sinh với điều kiện tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển, đồng thời tạo liên kết vùng, từng bước liên kết khu vực và quốc tế, tất nhiên phải lưu ý đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu do địa hình Cần Giờ thấp hơn mực nước thủy triều, lại nhiều cửa sông.
Để thực hiện định hướng ấy, Cần Giờ đã được đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2 dài 1.080 mét nhằm phát triển khu vực phía tây huyện, trong đó có Khu Du lịch Vàm Sác. Một cây cầu khác, quan trọng hơn là cầu dây văng Cần Giờ một trụ tháp hình tượng cây đước vượt sông Soài Rạp thay thế phà Bình Khánh đang được xây dựng với chiều dài 2.764 mét, mặt cắt 21,75 mét, bốn làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 mét, chi phí ước tính 5.300 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ là một phần của đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc tuyến đường cao tốc Bắc Nam.
Quan trọng nữa, Cần Giờ phải có cây cầu trên cao (không thể mở rộng đường Rừng Sác vì sẽ mất hàng ngàn hécta rừng đước) nối từ cầu Cần Giờ đến Cần Thạnh
Trong các bản thiết kế trước đây, một số chuyên gia quy hoạch đã đề xuất xây cầu vượt biển hoặc tuyến đường ngầm nối Cần Giờ - Vũng Tàu dài khoảng 15km. Trong khi chờ có cây cầu vượt biển trong mơ ấy, đầu tháng 1 vừa qua, bến phà Cần Giờ - Vũng Tàu đã được đưa vào hoạt động với những tàu cao tốc hiện đại, thời gian nối hai bờ biển chỉ 30 phút.