“Tôn sự trọng đạo” và sứ mệnh cao cả của người thầy
Nghiên cứu - Trao đổi 17/11/2022 09:09
“Tôn sư trọng đạo” là nền tảng đạo đức xã hội
Từ xa xưa, dẫu dưới thời phong kiến, ông cha ta đã đúc kết phạm trù mối quan hệ nhà giáo với học trò: “Không thầy đố mày làm nên”, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “Tam nhân đồng hành tất hữu vi sư” (ba người cùng đi đường sẽ có một người làm thầy), ca dao nhắc nhở: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”…
Nhà giáo có vai trò và vị thế đặc biệt trong đời sống xã hội, người chịu trách nhiệm về sự tồn tại và phát triển của văn minh nhân loại. Thầy giáo giỏi chính là người nghệ sĩ đa tài, là nghề vĩ đại nhất do tài năng kết hợp giữa lí trí, tinh thần và tình cảm con người để làm nên sứ mệnh vẻ vang của ngành giáo dục. Mọi nỗ lực của nghề dạy học ảnh hưởng sâu sắc tới số phận của cả thế giới.
Từ đó, đòi hỏi người thầy phải là chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo. Người thầy là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước. Có triết gia nói, một công nhân “tồi” có thể làm hỏng vài sản phẩm, một kĩ sư “tồi” có thể làm đổ công trình xây dựng, nhưng một thầy giáo “tồi” có thể làm hỏng một thế hệ. Trong giáo dục, chất lượng giảng dạy và kết quả học tập của học sinh, sinh viên tỉ lệ thuận với nhau, có mối quan hệ biện chứng, trong đó trình độ, năng lực người thầy là yếu tố quyết định. Thời đại công nghiệp 4.0 đi vào kỉ nguyên số, xã hội số, trí thức nhân loại gia tăng nhanh chóng, vai trò người thầy đòi hỏi ở tầm cao hơn.
Đội ngũ các thầy, cô giáo, các cán bộ quản lí giáo dục và đào tạo của nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều lần cải cách giáo dục, tôi luyện và trưởng thành trong quà trình giảng dạy ngày càng vững vàng về năng lực, chuyên môn được nâng cao và không ngừng đổi mới. Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận nhà giáo có biểu hiện tha hoá về đạo đức, nhân cách, chạy theo lối sống thực dụng, lo kiếm tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm xấu đi hình ảnh người giáo viên Nhân dân, bộc lộ hành vi bạo hành, xúc phạm, lạm dụng tình dục học sinh, vòi quà, tổ chức quỹ lớp, quỹ phụ huynh sai trái, gây tiêu cực trong nhà trường, gây bất bình trong xã hội.
Nhân dân, các thế hệ học sinh tôn kính thầy, cô giáo, song để có được niềm tin và lòng ngưỡng mộ cao cả ấy, đội ngũ giáo viên phải luôn là tấm gương sáng để người đời soi vào học theo, làm theo, sống theo.
Người thầy phải là tấm gương sáng trong sự nghiệp “Trồng người”
Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đặt ra nhiệm vụ tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo đáp ứng ngày càng tốt công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân. Thực hiện quyết sách này, cả hệ thống chính trị, toàn dân phải vào cuộc; trong đó người thầy đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế phải có chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên ngang tầm thời đại. Tầng lớp này phải là các nhà giáo chuyên nghiệp, giữ vai trò là tấm gương học tập suốt đời, là nhà nghiên cứu ứng dụng thực hành, là nhà canh tân trường học, nói không với vi phạm đạo đức... Mỗi giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, ngày đêm trau dồi kiến thức, kinh nghiệm bản thân để truyền lửa cho các thế hệ học trò trong sự nghiệp “trồng người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Có thầy giỏi thì sẽ có phương pháp hay, do đó sẽ có trò giỏi. Còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi”. Người còn nói: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ thành người tốt thì trước hết các cô, các chú là người tốt”. Nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21/10/1964, Bác chỉ rõ: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất - người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Thực hiện chương trình giáo dục năm 2018, chuyển hướng từ dạy học theo cách tiếp cận nội dung (sách giáo khoa) là chủ yếu sang tiếp cận năng lực đòi hỏi người thầy phải thay đổi cả nhận thức và hành động. Từ chương trình, phương pháp dạy học mới, sách giáo khoa mới, nhà giáo phải có tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, biết giải quyết vấn đề cần tháo gỡ, cách tân và học tập suốt đời. Đồng thời, đòi hỏi nâng cao kĩ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, sử dụng các công cụ thực hành, giáo cụ trực quan, các kĩ năng mềm. Cần biến các kĩ năng thành việc làm thực tế trong hoạt động giáo dục nhằm định hướng đúng, phát triển năng lực học sinh. Tạo cho học sinh có nhiều cơ hội tìm tòi, khám phá, trải nghiệm và kiểm tra, củng cố kiến thức. Giáo viên cần trang bị kĩ năng trong phương pháp đánh giá tích cực, khách quan theo hướng mở nhằm kích thích sự phát triển năng lực học sinh chủ động, độc lập sáng tạo.
Một người thầy tâm huyết yêu nghề, yêu học trò và sáng tạo là người biết tận dụng thời gian, điều kiện để “thu nhỏ thế giới, lồng ghép trí thức của nhân loại” dựa vào tâm trí, thế giới quan của học trò. Cần lan toả hiệu ứng tích cực khi đứng lớp và cả bên ngoài lớp học, trong không gian vui chơi, khám phá của học sinh.
Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội. Đổi mới là chuyển mạnh quá trình giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học theo phương châm học đi đôi với hành, lí luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp, bền vững, hiệu quả.
Trong quá trình ấy, vai trò người thầy là chủ yếu, là nhân tố quyết định.