Nghĩ về người thầy thời hiện đại
Nghiên cứu - Trao đổi 08/11/2022 09:44
Thấm nhuần đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) trở thành ngày hội “Tôn vinh người thầy” của toàn dân. Vào ngày này, trên khắp mọi miền từ Bắc đến Nam, các em học sinh, sinh viên lại cùng nhau mang hoa, quà đến chúc mừng các thầy cô giáo, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công dạy dỗ mình nên người.
Quan hệ thầy trò vốn là mối quan hệ cao cả, thiêng liêng. Người xưa đã nói “trọng thầy mới được làm thầy”, “không thầy đố mày làm nên”. Đầu năm có ba ngày Tết, đã dành một ngày là Tết thầy. Người thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn định hướng về đạo đức, lối sống, do vậy cả những bậc phụ huynh cao tuổi cũng đến tìm thầy để tri ân. Quan hệ thầy trò ở Việt Nam dù có những nét quan niệm khác biệt giữa thời kì phong kiến và thời hiện đại ngày nay, song nói chung quan hệ thầy trò là quan hệ tốt đẹp; truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trở thành một trong những nét đáng quý của dân tộc.
Ngày 20/11, ai cũng dành chút tấm lòng nhớ lại những gương mặt thầy, cô thân thương và những kí ức đẹp hiện về: Nhớ lắm thầy cô, nhớ một thuở đèn sách, nhớ lắm… để thấy cổ nhân nói đúng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tức là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Hòa cùng với những niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi đón nhận những tình cảm biết ơn trân trọng của các thế hệ học trò, các nhà giáo không thể không nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, lớp người sẽ gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
Phát huy truyền thống cao đẹp, những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục trong cả nước đã dấy lên phong trào thi đua Hai tốt là dạy tốt và học tốt; khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Vì lợi ích trăm năm trồng người” mà Ðảng và Nhân dân tin yêu giao phó. Nhiều nhà giáo đã tâm huyết, tận tụy với nghề, nhất là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đã không ngại khó khăn; thậm chí hi sinh cả tính mạng để bám trường, bám lớp; duy trì việc giảng dạy và học tập. Xã hội mãi mãi tôn vinh và ghi ơn các thầy giáo, cô giáo, những người đã suốt đời cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình; góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Song, một trong nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay mà xã hội băn khoăn là số lượng thầy, cô giáo chuyển việc, nghỉ việc lại rất lớn. Nguyên nhân có thể do thu nhập thấp, áp lực công việc và môi trường công tác. Đồng thời, những bất cập về cải cách, thay đổi chương trình; chương trình giáo dục còn khá nặng; cách truyền tải kiến thức mặc dù đã có nhiều cải tiến, đổi mới, nhưng nhìn chung chưa khơi dậy ý thức tự chủ, sáng tạo và bồi đắp trí thông minh cho người học; áp lực cho trẻ từ nhiều phía và có thể thấy giáo dục nước ta chỉ có học, học và học mà thiếu những mô hình trải nghiệm, thiếu những lớp học ngoại khóa gần gũi với thiên nhiên; về điều chỉnh các mức học phí của các bậc học. Mặt khác, nhiều người đã đẩy mối quan hệ thầy trò thiêng liêng vốn không thể đo đếm được vào những nấc thang tính toán. Không ít lời than phiền về trình độ và phẩm chất của một số thầy, cô giáo và cán bộ quản lí giáo dục. Đúng là có những trường hợp người được phân công đứng trên bục giảng hoặc công tác trong ngành giáo dục chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo. Các lớp học thêm mở tràn lan, đồng thời, do tác động của kinh tế thị trường, do sự xuống cấp về đạo đức nói chung, đạo thầy trò gần đây bị sút giảm, không còn thiêng liêng như trước. Ðó đây có những hiện tượng đau lòng về quan hệ thầy trò, trong đó có người không giữ được đạo làm thầy, dẫn đến sự gia tăng những biểu hiện suy thoái đạo đức, vi phạm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trong thư nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (tháng 9/1945), Bác viết: “Non sông Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, điều đó phụ thuộc vào công lao học tập của các cháu”. Những lời tâm huyết ấy càng nhắc nhở các thầy cô phải luôn nêu cao trách nhiệm, tất cả vì học sinh thân yêu.
Trước yêu cầu đổi mới, Đảng ta, Nhân dân ta gửi gắm tin yêu và hi vọng vào đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục các cấp cần nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nỗ lực phấn đấu cùng với toàn xã hội, góp sức tích cực và hiệu quả vào mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân tài, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh