Tổ tôm điếm - Sân chơi trí tuệ cho NCT
Nhịp sống văn hóa 04/03/2023 10:39
Trao Bằng khen của Hội NCT tỉnh Bắc Ninh cho các CLB có nhiều đóng góp khôi phục bộ môn Tổ tôm điếm |
Thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, Hội NCT tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc các CLB Tổ tôm điếm tỉnh xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, thành lập Ban tổ chức, Tổ trọng tài, các bộ phận giúp việc; trang trí, chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần… để Hội thi được diễn ra chu đáo, an toàn, đúng kế hoạch. Sau 2 ngày thi đấu sôi nổi, chặt chẽ, đúng thể lệ, Hội thi Tổ tôm điếm năm 2023 đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức trao 17 giải Nhất, 17 giải Nhì cho các CLB xuất sắc. Nhân dịp này, 88 cá nhân có thành tích xây dựng và phát triển CLB Tổ tôm điếm giai đoạn 1993 - 2023 đã được Hội NCT tỉnh khen thưởng.
Việc Hội NCT tỉnh chủ trì tổ chức hội thi và hội nghị kỉ niệm 30 năm khôi phục, phát triển bộ môn Tổ tôm điếm, khen thưởng các cá nhân có nhiều đóng góp đã thể hiện tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, trách nhiệm cao của Hội NCT tỉnh Bắc Ninh đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, cụ thể là bộ môn thể thao tao nhã, trí tuệ vốn chỉ dành cho vua quan và giới thượng lưu xưa… Đồng thời tạo sân chơi bổ ích để NCT giao lưu, trao đổi, học tập trao đổi kinh nghiệm; lan tỏa tinh thần rèn luyện sức khỏe, trí tuệ cho NCT. Thông qua sự kiện này cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt, tin tưởng của lãnh đạo tỉnh với Hội NCT nhằm bảo tồn và phát triển bền vững bộ môn văn hóa dân gian đặc sắc này.
Màn biểu diễn trống hội tại Lễ khai mạc Tổ tôm điếm NCT tỉnh Bắc Ninh 2023 |
Ông Vũ Bá Rồng, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh chia sẻ: Nói đến Bộ môn Tổ tôm điếm, có lẽ chưa có tài liệu nào nghiên cứu cặn kẽ nguồn gốc và sự phát triển ở nước ta như thế nào. Chỉ biết rằng Tổ tôm điếm đã trở thành trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các dịp hội, hè làm đắm say biết bao thế hệ người Việt Nam. Đây là trò chơi trí tuệ, đam mê, cuốn hút các bậc hiền nhân quân tử, làm thước đo giá trị tinh thần của những người mê bộ môn này. Đến nay đã có hơn 1.200 hội viên tham gia các CLB Tổ tôm điếm, trong đó hầu hết là NCT và có gần 200 cụ từ 80 tuổi trở lên.
Theo các cụ cao niên, Tổ tôm điếm được phát triển mạnh nhất ở vùng Kinh Bắc xưa. Vào dịp lễ hội đầu năm, tại các lễ hội như Hội Kinh Dương Vương (huyện Thuận Thành), Hội Lim (huyện Tiên Du), Hội Đền Đô (thị xã Từ Sơn), v.v, những chòi Tổ tôm điếm được dựng lên công phu tại vị trí trang trọng. Âm thanh của tiếng trống cùng giọng thơ trầm bổng cất lên cuốn hút, mời gọi và làm say đắm không biết bao nhiêu du khách gần xa. Cuộc thi Tổ tôm điếm là nét văn hóa dân gian, thể hiện sự văn minh, tính nghiêm túc trong việc thưởng phạt, không mang tính chất cờ bạc, sát phạt nhau.
Người cầm trịch giao bài |
Cụ Nguyễn Văn Chuyền, Trưởng ban Liên lạc các CLB Tổ tôm điếm tỉnh Bắc Ninh nhớ lại: Năm 1993 CLB Tổ tôm điếm thôn Đình Cả (Nội Duệ) đầu tiên được thành lập. Từ đó tại Hội Lim năm nào cũng tổ chức chơi giao lưu. Đến năm 2003, sau khi tách tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang, 3 CLB mới được thành lập ở thôn Duệ Đông, thị trấn Lim; thôn Bất Lự, xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du) và thôn Cẩm Giang xã Đồng Nguyên (huyện Từ Sơn). Sau đó nhiều CLB Tổ tôm điếm ra đời và lan ra tỉnh Bắc Giang, TP Hà Nội. Đến nay, đã thành lập 75 CLB; trong đó Bắc Ninh 62 CLB, Việt Yên (Bắc Giang) 7 CLB, Gia Lâm (Hà Nội) 6 CLB và 10 Ban liên lạc các CLB Tổ tôm điếm, trong đó Ban liên lạc các CLB tổ tôm điểm tỉnh Bắc Ninh và 9 Ban liên lạc các CLB tổ tôm điếm huyện, thành phố.
Mỗi CLB là một đơn vị hoạt động vừa độc lập vừa liên kết chặt chẽ với các CLB khác; kinh phí duy trì hoạt động có thể do hội viên đóng góp và vận động xã hội hóa, khoảng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Ngoài số lượng hội viên CLB phải có cơ sở vật chất bao gồm bộ điếm gồm 5 điếm, 1 trống cái, 5 trống con, 5 bàn đặt bài và nhiều cờ màu các loại theo quy định. Để chơi tổ tôm điếm cần có không gian phù hợp (khoảng 50m2 trở lên), thường là ở đình làng, nhà văn hóa. Trang phục khi giao lưu phải lịch sự, đứng đắn, tại những lễ hội lớn còn quy định lễ phục truyền thống như áo the, khăn xếp…
Tại một ván chơi |
Để nâng cao chất lượng phong trào và nhân rộng các CLB, Ban Liên lạc các CLB Tổ tôm điếm tỉnh Bắc Ninh còn quan tâm tổ chức nhiều buổi tập huấn công tác trọng tài để giữ nghiêm minh, công bằng, tạo sân chơi bình đằng, lành mạnh. Đồng thời thảo luận, thống nhất chỉnh sửa các câu thơ giao bài phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ.
Nhận thức được ý nghĩa văn hóa dân gian đặc sắc của Bộ môn Tổ tôm điếm, ngày 9/2/2010, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Văn bản số 283, “đồng ý đưa môn Tổ tôm điếm vào Hội thi Hát Quan họ truyền thống dịp đầu xuân hằng năm”. Đồng thời chỉ đạo các cấp các ngành phối hợp với Hội NCT địa phương lãnh đạo, định hướng, tạo điều kiện; xây dựng quy chế hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở liên quan đến Tổ tôm điếm; thành lập mới nhiều CLB Tổ tôm điếm các thôn làng để quy tụ những nghệ nhân giỏi và dạy nghề cho lớp trẻ, tổ chức các giải thi đấu để giao lưu, học hỏi giữa các thế hệ.
Khung cảnh Hội thi năm 2020 |
Tổ tôm điếm ngày nay không chỉ ở Bắc Ninh mà đang lan rộng ra nhiều vùng trong cả nước như Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa… Bộ môn tổ tôm điếm đã quay trở lại, tạo ra nét văn hóa mới, khiến con người thân thiện, gần gũi hơn, góp phần mở rộng giao lưu giữa các địa phương, trao đổi nét đẹp thuần phong mĩ tục, đẩy lùi các thói hư tật xấu. Hội viên các CLB tổ tôm điếm hầu hết đều là NCT nên được rèn luyện sức khỏe, trí thông minh để tuổi già khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
Hiện Ban Liên lạc các CLB Tổ tôm điếm và Hội NCT tỉnh đang tham mưu các cơ quan chức năng xem xét, công nhận bộ môn Tổ tôm điếm là di sản văn hóa phi vật thể…