Tình đồng đội - Bức tượng đài kim cương trong tập thơ “Ký ức Trường Sơn”
Văn hóa - Thể thao 21/09/2022 10:21
Tập thơ dày trên 500 trang với 328 bài thơ của 217 tác giả đến từ 38 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam và gần 20 bài thơ, bài viết của nữ tác giả Bạch Liên và một số bạn đọc Bắc Ninh gửi tặng các chiến sĩ Trường Sơn.
Có đọc “Ký ức Trường Sơn” mới biết nhà giáo, nhà thơ Bạch Liên đã dành biết bao tâm huyết, trí lực cho tuyển tập thơ này. Nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng yêu quý, niềm trân trọng vô bờ bến mà nhà giáo Bạch Liên đã dành cho các chiến sĩ đã trải qua tháng năm gian khổ chiến đấu giải phóng miền Nam. Chỉ với số lượng tác phẩm, tác giả của gần 40 tỉnh, thành cả nước đã thấy nhà giáo Bạch Liên tuổi ngót 80 đã phải đi bao nhiêu nơi, đọc biết bao nhiêu tập thơ, gặp gỡ bao nhiêu nhân chứng để có được “Ký ức Trường Sơn”.
Là người lính đã từng vượt Trường Sơn, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, từng đứng trên bục giảng, nay đọc “Ký ức Trường Sơn”, tôi vô cùng cảm phục chị. Cảm ơn chị đã cho tôi thêm niềm tự hào về một thế hệ trẻ kiên cường và một thời đại hào hùng oanh liệt mà tôi may mắn được chút góp phần.
“Ký ức Trường Sơn” phản ánh toàn diện cuộc sống, chiến đấu đầy khó khăn gian khổ, hi sinh, mất mát của quân và dân ta, đặc biệt là các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong trên các tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng chống My, cứu nước. Những bài thơ trong “Ký ức Trường Sơn” là những cảm xúc chân thành, những phản ánh trung thực của những người lính chiến về những gì họ đã chứng kiến, đã kinh qua. Đó là sự khốc liệt của chiến tranh, là sự chết chóc, đau thương, là tinh thần anh dũng, ngoan cường, là niềm lạc quan yêu đời, là tình yêu quê hương đất nước, là nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến, là kí ức tuổi thơ, là mái trường… Là cái giá của độc lập tự do, của hạnh phúc hôm nay.
Những bài thơ trong “Ký ức Trường Sơn” được các tác giả viết bằng máu và nước mắt nên thiêng liêng lắm, phong phú lắm, có giấy bút nào diễn tả xiết? Với tôi, tôi chỉ xin có đôi lời cảm nhận về tình đồng chí đồng đội trong đó.
Tình đồng chí đồng đội luôn là tình cảm keo sơn gắn bó, trong “Ký ức Trường Sơn”, tình đồng đội đã hiện lên như một bức tượng đài làm bằng kim cương thiêng liêng và vĩnh cửu. Họ đều là những chàng trai vừa rời khỏi mái trường phổ thông, tạm chia xa giảng đường đại học, từ bỏ những ước mơ của tuổi trẻ, xa gia đình, quê hương, nghe theo tiếng gọi cứu nước, cùng gia nhập đoàn quân đi giải phóng miền Nam. Họ từ các miền quê khác nhau với những phong tục tập quán khác nhau nhưng đều chung màu áo lính, chung một lí tưởng, một con đường chống Mỹ cứu nước: Anh tạm biệt mái nhà tranh/ Tôi chia tay mái trường xinh lên đường (Nhớ người chung một chiến hào - Nguyễn Trọng Bân). Hay là: Mỗi người ở một miền quê/ Mà sao chân chất tràn trề yêu thương (Nhớ một thời hoa lửa - Phùng Văn Hải).
Nhà thơ Chính Hữu từng viết về những người chiến sĩ: Tôi với anh đôi người xa lạ, chẳng hề quen nhau, Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ. Tình đồng chí keo sơn là thế. Bởi họ có cùng lí tưởng, chung một niềm tin: Nắm tay dưới lá cờ sao/ Lời thề danh dự tạc vào trong tim (Nhớ người chung một chiến hào - Nguyễn Trọng Bân). Máu xương bồi đắp đất lành/ Sống làm ngọn lửa thác thành nước non (Hồn liệt sĩ - Trần Đức Trí)… Hầu như bài thơ nào trong “Ký ức Trường Sơn” cũng đề cập đến tình đồng chí đồng đội. Bởi họ là những đồng đội kể lại chuyện đồng đội của mình.
Cảm ơn nhà giáo, nhà thơ Bạch Liên đã có công sưu tầm tuyển chọn gần 350 bài thơ của hơn 200 người lính từ gần 40 tỉnh, thành mà tôi tin chắc rằng hầu hết những tác giả kia đều đã từng xẻ dọc Trường Sơn. Những câu chuyện của họ, những cảm xúc của họ cũng là những câu chuyện, những cảm xúc của triệu triệu người lính đã từng kinh qua mấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Cảm ơn các tác giả (có nhiều người chưa phải nhà thơ) đã phác hoạ hình tượng người chiến sĩ Quân đội Nhân dân, những người lính Cụ Hồ dũng cảm, ngoan cường, sắt son tình đồng đội.
“Ký ức Trường Sơn” là một tuyển tập thơ lay động lòng người. Có thể nói không quá lời rằng: “Ký ức Trường Sơn” là bản hùng ca, là khúc tráng ca, là biên niên sử, để các thế hệ mai sau soi rọi, tự hào về một thời đại hào hùng và một thế hệ hùng anh. Tình đồng đội trong “Ký ức Trường Sơn” là mối tình thiêng liêng cao cả, là bức tượng đài bằng kim cương. Bức tượng đài ấy sẽ trường tồn và lấp lánh hào quang cho đến mãi mai sau.