Tìm hiểu đền đá cổ thời nhà Trần ở Tràng An
Nghiên cứu - Trao đổi 01/03/2024 09:10
Đền đá cổ thời Trần ở khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình. |
Đền Nội Lâm thờ Đức Thánh Quý Minh Đại vương và phu nhân của Ngài là Hoàng phi Quý nương với mong muốn nương nhờ uy danh của Đức Thánh để trấn trạch theo 4 hướng huyết mạch Đông-Tây-Nam-Bắc bảo vệ vùng đất Cố đô. Đức Thánh Quý Minh Đại vương là một trong 3 anh em đều có công giúp Vua Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) chống giặc ngoại xâm, chống lại sự tàn phá của thiên nhiên, mang lại ấm no hạnh phúc cho muôn dân và đều được dân phong Thánh, phong Thần là Đức Tản Viên Sơn Thánh (một trong tứ vị Thánh bất tử theo truyền thuyết của dân tộc ta) và Đức Thánh Cao Sơn Đại vương. Đức Thánh Quý Minh Đại vương được Vua Hùng Duệ vương giao trấn ải vùng đất Sơn Nam và được các triều vua qua nhiều triều đại sắc phong Thượng Đẳng Thần, được dân khắp nơi dựng miếu, đền thờ phụng.
Đến đời Trần, ngôi đền đã bị đổ nát theo thời gian nên vào khoảng năm 1228, vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại hoàn toàn bằng chất liệu đá xanh nguyên khối lấy từ Núi Nhị ở tỉnh Thanh Hóa để có chỗ tiếp tục phụng thờ Đức Thánh Quý Minh Đại vương, tạo điều kiện cho dân trong vùng thực hiện các hoạt động tín ngưỡng trong những năm tháng nhà Trần lui về hành cung Vũ Lâm ở xã Ninh Hải chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt. Trải qua gần 800 năm, ngôi đền vẫn còn gần như nguyên vẹn đến ngày nay nên đền có tên gọi là Đền Trần hoặc gọi đầy đủ là Đền đá cổ thời nhà Trần ở Tràng An.
Quy mô đền thờ không lớn và có kiến trúc kiểu chữ “Nhị”- chữ Hán. Tòa ngoài (tiền bái) gồm 3 gian, 2 dĩ. Mái nhà uốn vòm cong, bên trong là các phiến đá xanh làm trần. Tòa tiền bái có 2 hàng cột đá còn nguyên bản từ thời xây dựng. Hàng thứ nhất gồm 4 cột đá xanh nguyên khối có kích thước 20x16 cm, cao 1,47m. Mặt ngoài 4 cột đều chạm lộng, chạm thông phong theo tích “Tứ linh” Long-Li-Quy-Phượng. Long (Rồng) đại diện cho quyền lực, quyền uy; Li (Lân) đại diện cho sự may mắn, cát tường; Quy (Rùa) đại diện cho sự trường tồn, vĩnh cửu; Phượng là loài chim hiện còn xuất hiện ở vùng đất này - thể hiện cho sự quyền quý, thanh tao, thoát tục. Ngoài hình Tứ linh còn có hình mây, sóng nước, cá chép hóa Long, sư tử chầu cùng các hình chim muông hoa lá. Những hình chạm rất sắc nét, tinh xảo và đều là hình chạm nổi cao từ 3-10 phân. Hai mặt bên của cột đá chạm khắc các đôi câu đối cũng rất sắc nét, bay bổng có tính nghệ thuật điêu luyện.
Các nhà nghiên cứu sử học nước ta cho rằng, những hình Tứ linh, chim thú cỏ cây hoa lá cùng câu đối chạm khắc trên ban thờ, trên các cột đá, xà ngang, mái hiên, bậc cửa… không chỉ sắc nét mà còn rất thanh thoát, bay bổng và đó chính là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật độc đáo rất đặc sắc thể hiện trình độ điêu luyện của các nghệ nhân dân gian chạm khắc đá thuở ấy.
Tòa hậu cung có ban thờ bằng đá xanh nguyên khối tam cấp, bên trên có hai Long cung, bên trong Long cung đặt tượng Quý Minh Đại vương và phu nhân của Ngài là Hoàng phi Quý nương. Tượng Quý Minh Đại vương ở tư thế ngồi trên bệ, tay phải cầm chùy, tay trái đặt trên đùi. Tượng phu nhân Hoàng phi Quý nương cũng ở tư thế ngồi với gương mặt hiền hậu, tay phải cầm quạt chéo qua bụng, tay trái úp xuống đầu gối. Bên phải Đền Trần có ban thờ lộ thiên thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn.
Lễ hội đền Trần vào ngày 18/3 âm lịch hằng năm. Vào ngày lễ hội, từng đoàn thuyền rước nối đuôi nhau trên sông Sào Khê, đoàn kiệu lễ lộng lẫy nghi trượng rước dài men theo vách núi trong tiếng chiêng, tiếng trống vang lừng và nghi lễ trang nghiêm tại Đền Trần tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Quý Minh Đại vương, cầu mong Đức Thánh phù hộ độ trì cho Quốc thái - Dân an, mùa màng tươi tốt bội thu, muôn dân ấm no hạnh phúc. Lễ hội cũng nhằm giáo dục sâu sắc truyền thống đấu tranh giữ nước, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ dân tộc Việt Nam đoàn kết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất muôn đời ông cha để lại.