Đầu năm chiêm bái Đền Trần
Nhịp sống văn hóa 15/02/2022 13:28
Hưng Đạo Đại vương tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1228 và mất năm 1300, là con An Sinh vương Trần Liễu, là cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột; Mẹ ông là Lê Thị Nguyệt. Khi lớn lên ông có dung mạo hùng dũng, thông minh hơn người, học rộng các sách, tài kiêm văn võ.
Đông đảo người dân đến dự lễ phát ấn trền Trần nhân ngày Rằm Tháng Giêng |
Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Quốc Tuấn gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông và những chiến công vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XIII. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất (1258), ông được cử chỉ huy các tướng giữ biên cương phía bắc. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc. Ở cương vị này, ông vừa là nhà chiến lược hoạch định đường lối tiến hành chiến tranh giữ nước, vừa là người trực tiếp tổ chức thực hiện cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành thắng lợi lẫy lừng.
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã đi vào lịch sử dân tộc, vào thế giới tâm linh huyền thoại, trở thành vị "Thánh" được nhân dân tôn kính. Từ Trần Hưng Ðạo đến Ðức Thánh Trần rồi Ðức Thánh Cha, từ một nhân vật lịch sử "bằng xương bằng thịt" đã trở thành đức thánh thiêng liêng được thờ phụng rộng rãi trong cả nước, trong đó có đền Thổ Khối.
Cầu mong may mắn bình an |
Thổ Khối (thuộc trang Phú Dương xưa) là nơi có vị trí trọng yếu cả về thế công lẫn thế thủ, được Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lựa chọn làm địa điểm lui binh chiến lược trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta lần thứ 2 (1285). Ông đã đã mưu trí, quyền biến tổ chức cuộc rút lui tài tình từ Thiên Trường vào Thanh Hoá, bảo vệ và đưa hai vua cùng bộ chỉ huy quân sự nhà Trần về ẩn náu tại Thổ Khối. Trong thời gian tại đây, ông chiêu mộ quân lương, ngày đêm tập luyện binh sĩ, chờ đợi thời cơ. Đến tháng 5/1285, nhận thấy thời cơ phản công đã đến, ông cùng các tướng lĩnh kéo quân ra bắc, làm nên chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương... đưa cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai toàn thắng.
Đền thờ Hưng Đạo Đại vương nằm bên bờ phía bắc sông Tống Giang, ngoảnh mặt về hướng Nam. Tính đến nay, ngôi đền đã có lịch sử xây dựng gần bảy trăm năm và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, đền thờ gồm có các hạng mục sau: Nghi môn, Giếng nước, Bình phong, Bái đường (sân), Tiền đường, Giải vũ, Sân Thiên tỉnh, Trung đường, Hậu cung, Nhà Mẫu và nơi làm việc của Ban Quản lý di tích.
Nghi môn được thiết kế kiểu tứ trụ, tượng trưng cho 4 phương đông, tây, nam, bắc, cho sự vững chắc trường tồn theo thời gian. Nghi môn ở đây chỉ mở một cửa với ý nghĩa mọi nẻo đường đã quy về cửa Thánh thì không phân biệt sang hèn, cao thấp.
Hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đền tự bao giờ đã trở nên quen thuộc trong kí ức người Việt khi nghĩ về quê hương xứ sở của mình. Đồng thời Giếng nước cũng là nơi gột rửa bụi trần trước khi vào hành hương viếng đức Thánh. Tiếp đến là bình phong – yếu tố phong thủy, làm nên một vũ trụ thu nhỏ theo quan niệm hướng nội. Bình phong tạo thành các yếu tố “triều”, “án”, có chức năng chủ yếu là ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi vào ngôi đền.
Qua Bái đường (sân đền) là đến nhà Tiền đường, một ngôi nhà gồm 3 gian hai chái, mái lợp ngói, có diện tích 78m2 . Tiền đường được xây dựng vào năm 2005 bằng chất liệu gạch, vữa và bê tông giả gỗ. Đây là nơi đặt các ban thờ công đồng.
Từ Tiền đường vào Trung đường và Hậu cung khép kín thông qua hai Giải vũ, ở giữa có sân Thiên tỉnh đón nắng gió trời, điều hòa âm dương. Trung đường và Hậu cung là ngôi nhà hình chữ Nhị nối với nhau bằng máng nước. Đây là công trình được tôn tạo vào những năm 2015 -2017, bằng các vật liệu gỗ và gạch vữa. Toàn bộ vì kèo gỗ được làm theo kiến trúc truyền thống với các mảng chạm khắc tinh xảo. Trung đường là nơi thờ Tứ vị Vương tử và Nhị vị Vương cô; Hậu cung là nơi thờ vị thần chủ, đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Phía đông của ngôi đền là nhà Mẫu, công trình này được xây dựng vào năm 2014. Đây là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn ông và Phật bà Quan Âm Bồ Tát. Công trình này mới được đưa vào phối thờ theo tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Hiện nay, đền thờ còn lưu giữ được những hiện vật cũ như: long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm đặc biệt là con dấu (ấn triện) là những bằng chứng có giá trị về sự tồn tại của ngôi đền trong lịch sử. Chính vì vậy mà đền Thổ Khối xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá đã được Nhà nước cấp Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1996.
Sau 12 giờ đêm người dân sẽ được phát ấn |
Cùng với lễ khai ấn đầu năm, lễ hội chính vào tháng 8 được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng, hoành tráng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Lễ hội có sức thu hút một lực lượng đông đảo bà con nhân dân trong vùng và du khách gần xa, vì lẽ đó mà nhân dân ta đúc kết ra nên câu thành ngữ: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”.
Những năm gần đây, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chính quyền địa phương chỉ tổ chức Lễ và phát ấn, không tổ chức phần hội. người dân khi tham gia dự lễ đề phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt những người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà, có dấu hiệu ho sốt, khó thở thì không tham gia tín ngưỡng tại khu di tích này. Sự chung tay góp sức của chính quyền, nhân dân và du khách thập phương làm cho di tích ngày càng khang trang, sạch đẹp. Và đó cũng là cách để chúng ta tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn đối với vị anh hùng dân tộc.