Thơ và nhạc về đường Trường Sơn
Văn hóa - Thể thao 10/05/2024 09:02
Từng tấc đất nơi đây đã thấm máu của các anh hùng, liệt sĩ. Gần 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hi sinh; hơn 30.000 người bị thương trên tuyến đường huyền thoại này. Đó là nguồn cảm xúc dạt dào của văn học nghệ thuật, trong đó có thơ ca, âm nhạc…
Xin nêu một số nhà thơ và tên tác phẩm của các tác giả: Đó là Sóng Hồng với “Tặng bộ đội Trường Sơn”; Tố Hữu với “Nước non ngàn dặm”; Chế Lan Viên với “Pháo binh”; Huy Cận với “Trường Sơn chấm phá”; Nguyễn Đình Thi với “Lá đỏ”; Chính Hữu với “Ngọn đèn đứng gác”; Nguyễn Đức Mậu với “Hành quân thần tốc”; Lâm Thị Mỹ Dạ với “Khoảng trời hố bom”; Xuân Quỳnh với “Viết trên đường 20”;…
Hiện thực cuộc sống đậm chất huyền thoại với anh hùng ca., Là mảnh đất tốt cho thơ ca tỏa sáng. Tố Hữu ca ngợi: Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.
Đường Trường Sơn |
Khi lí tưởng cao đẹp thấm nhuần và trở thành sức mạnh tinh thần thì tâm hồn con người trong sáng hơn. Họ nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa nên sự dấn thân quả cảm của người lính là tấm gương soi phẩm hạnh con người: Con suối gặp bom/ Con suối đục ngầu/ Con người gặp bom/ Con người trong suốt.
(Trọng Khoát - Niềm vui bám trụ)
Đường Trường Sơn tỏa sáng với những hình ảnh đẹp, sinh động, thân thương của các cô giáo viên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến: Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường.
(Nguyễn Đình Thi - Lá đỏ)
Lâm Thị Mỹ Dạ với bài thơ “Khoảng trời hố bom” đã nâng hình tượng cô thanh niên xung phong lên tầm cao mới, lung linh ánh sáng nhân văn: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm, tâm hồn em toả sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh
Cuộc sống chiến đấu thể hiện trong thi ca thật giản dị, tự nhiên. Sự tự tin, định đạt, đàng hoàng của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn được Phạm Tiến Duật đưa vào thơ rất sinh động: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Bài thơ “Nhớ” của tác giả thịt ấn tượng, thể hiện khí phách, bản lĩnh, tâm hồn người lính Trường Sơn: Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo…
Phạm Tiến Duật còn có những thi phẩm xuất sắc như: “Gửi em, cô gái thanh niên xung phong”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”... Phạm Tiến Duật là hiện tượng thơ Trường Sơn chống Mỹ, cứu nước. Nếu không có những bài thơ về Trường Sơn nêu trên, chắc chắn thơ chống Mỹ sẽ thiếu đỉnh cao; không tạo được tiếng vang mới mẻ. Phạm Tiến Duật nổi lên như người lính xướng trong dàn đồng ca; có sức hút kì lạ với Nhân dân và đồng nghiệp.
Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh cũng trở thành đề tài mang tính thời sự, tạo rung cảm mạnh mẽ, sức sáng tạo với các nhạc sĩ. Ngay từ ngày đầu mở đường, đã có những bài hát sống mãi với thời gian như: “Bước chân trên dãy Trường Sơn”, sáng tác 1967 của Vũ Trọng Hối, thơ Đăng Thục; hừng hực khí thế với niềm tin mãnh liệt: Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn/ Ta đi nhằm phương Nam, gió ngàn đưa chân ta về quê hương/ Quân về trong gió đang dâng triều lên/ Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết/ Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.
Bài hát được coi như bạn quân ca của người lính trên đường mang tên Bác.
Bài ca Trường Sơn của Trần Trung, thơ Gia Dũng cũng tràn đầy khí thế như vậy: Đêm nay ta đi trường sơn lộng gió/ Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa/ Đi ta đi tung cánh đại bàng/ Hát khúc nhạc hùng giải phóng miền Nam…
Nỗi vất vả gian lao của những người chiến sĩ trèo đèo lội suối, vượt thác băng hình được thể hiện sinh động ý thơ tiến công quân thù, giữ vững lời hứa sắt son với quê hương qua ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” của Phạm Tuyên: Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui.
Nhạc phẩm về đề tài tình yêu người lính trong chiến tranh trên đường Trường Sơn cũng được thể hiện qua ca khúc “Kỉ niệm mối tình đầu” của nhạc sĩ Vũ Hùng. Cuối năm 1980, trở lại thăm chiến trường xưa, nơi anh cùng đồng đội từng chiến đấu và nhiều người đã không trở về. Lòng anh thấy trống trải vô cùng. Đúng như lời ca: “Chỉ thấy một màn xanh cao nguyên; chỉ thấy một màn xanh bình yên”.
Trường Sơn một thời và mãi mãi là những cung bậc bi tráng của lòng yêu nước cao cả, của tình yêu thương không quên trong bão đạn. Đó là những vần sáng anh hùng và nhân văn trong thơ ca và âm nhạc, đồng chất lính, chất đời; sẽ còn mãi mãi.