Thay tiền lì xì bằng các món quà thiết thực
Nghiên cứu - Trao đổi 17/01/2024 08:39
Theo tục lệ truyền thống là ngày Tết lì xì bằng tiền mặt, nhưng thiết nghĩ đâu nhất thiết cứ phải dùng tiền mà không thay thế bằng các vật phẩm, vật dụng để dùng thiết thực trong cuộc sống hằng ngày để làm quà tặng(?!).
Thông thường, khi lo tiền lì xì luôn phải chuẩn bị tiền mới, mà muốn đổi được một khoản tiền mới để lì xì không ít người bị “chặt chém” bởi lệ phí đổi từ tiền đã lưu hành sang tiền mới ở “chợ mạng” rất đắt đỏ. Ví dụ muốn sở hữu 100.000 đồng tiền mới mệnh giá 10.000 đồng sẽ bị “mất” từ 20-25.000 đồng lệ phí. Có nhiều năm, các loại tiền mới mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng… còn bị những người làm dịch vụ đổi tiền “chém” tới trên, dưới 30%, vì thế nếu như cần khoảng 1.000.000 đồng tiền mới mệnh giá nhỏ, khi đổi đương nhiên mất phí trung bình khoảng 300.000 đồng. Đó là chưa nói tới một số người họ hàng đông, quan hệ rộng, mùa Tết cần tới cả chục triệu đồng để lì xì và đi lễ chùa, số tiền phí bỏ ra là không ít…
Khi không dùng tiền để lì xì, mọi người có thể mua các vật phẩm, vật dụng thiết yếu để làm quà tặng nhân dịp năm mới. Theo tôi , đây là một cách rất hay, vừa văn minh lại thiết thực, mọi người, mọi gia đình nên áp dụng. Ví dụ, đối với trẻ nhỏ - đối tượng này thường chưa biết tiêu tiền, hay nói chính xác hơn là chưa được bố mẹ cho phép tự do tiêu tiền, thì các món quà dùng để “lì xì” cho các em trong năm mới có vô vàn thứ n các loại dụng cụ, trang thiết bị phục vụ học tập bao gồm sách, bút, sổ ghi chép, cặp túi, áo quần, giày dép...; cũng có thể là các món quà “ảo” khi bố mẹ, hoặc người tặng lì xì viết vào một tờ giấy nhỏ mà trong đó có nội dung đại loại như: Tặng trẻ một khóa học ngoại ngữ 3 tháng, hay lì xì cho trẻ một chuyến du lịch trong thành phố, hay du lịch nội địa khoảng dăm ba ngày, tùy theo điều kiện kinh tế của người ban tặng. Tất nhiên, khi đã hứa lì xì và ghi trên phiếu như vậy phải tuyệt đối giữ lời hứa, nhất định thực hiện vào một dịp nào đó theo thỏa thuận miệng với trẻ... Việc lì xì cho trẻ nhỏ theo kiểu trên là rất ý nghĩa, thậm chí không “tiếp tay” cho trẻ tham gia vào những trò chơi vô bổ như cờ bạc nơi vỉa hè, góc phố, ở hội Xuân… hoặc mua sắm những thứ không cần thiết.
Đối với người cao tuổi là những người không còn phải lo toan nhiều thứ, bởi đại đa số các cụ đã có con cháu lo, nên việc lì xì tiền để chúc thọ cho các cụ cũng không thật sự quá cần thiết, mà chúng ta có thể thay đổi thói quen bấy lâu nay bằng cách mua quần áo, giày dép, sâm nhung, các vật dụng gắn liền với sinh hoạt hằng ngày… của các cụ để tặng. Ví dụ như có thể mua lụa, bộ áo dài nhung, khăn vấn, dép... để các cụ diện Tết cũng như đi lễ hội, đi ăn cỗ bàn... Hay như các cụ còn giữ tục ăn trầu, món quà Tết là chiếc cối giã, ống nhổ, chày đâm... bằng đồng cũng mang nhiều ý nghĩa! Nếu con cháu giàu có thì việc mua một bộ trang sức thay mừng tiền lì xì, tôi tin các cụ bà sẽ rất thích... Còn các cụ ông, cũng không thiếu các vật dụng làm quà thay tặng mừng tiền mặt, đó có thể là các bộ trà kiểu cách vì các cụ ông thường nghiện thú thưởng trà cùng các bạn già đồng môn. Với những cụ ông có thú vui đánh cờ tướng thì món quà Tết là một bộ bàn cờ có các quân cờ làm bằng sừng rất bền đẹp cũng là một ý tưởng hay... Ngoài ra, quần áo, giày dép, mũ phớt, ba-tong, cà vạt... cũng là những thứ gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của các cụ cũng là những gợi ý hay.
Trên đây là một số gợi ý đã được không ít các gia đình ở địa phương tôi từng áp dụng, hi vọng nhiều người, nhiều nhà ở các địa phương khác trên cả nước cùng tham khảo để đưa vào thực tiễn cuộc sống, bởi lì xì ngày Tết đâu cứ nhất thiết phải bằng tiền mới hay, mới có ý nghĩa...