Tết đến lại bàn chuyện “văn hóa lì xì”
Đời sống 29/12/2023 10:49
Tất cả những điều này đã tạo dựng nên một thói quen và nhu cầu có thực trong đời sống xã hội chúng ta, nếu nhu cầu này được điều chỉnh một cách tích cực và có ý nghĩa văn hóa thì đây còn là một nét đẹp ứng xử ngày Tết cần được duy trì và gìn giữ.
Con cái mừng tuổi bố mẹ, ông bà và bố mẹ mừng tuổi con trẻ cần được hiểu như một cách giao tiếp của nét đẹp văn hóa gia đình. Người ta rất ít thấy bạn bè mừng tuổi nhau, mặc dù nhiều khi việc mừng tuổi có thể diễn ra với cả trẻ em đến chơi gia đình mình khi đi cùng người lớn. Tiền mừng tuổi được đựng trong “bao lì xì” và tờ tiền chắc chắn phải là tờ mới và mệnh giá thì mang tính tượng trưng, nghĩa là giá trị của chúng cũng chỉ tương đương như mỗi lần con trẻ hoặc người già dùng ăn quà vặt. Đây là nét đẹp nguyên sơ của thuở trước và được duy trì qua nhiều năm như thế. Bây giờ, việc mừng tuổi có vẻ tiến lên một mục tiêu khác. Trước hết, nó vượt ra ngoài danh giới gia đình, đến bạn bè, cơ quan, công sở, đồng nghiệp... và mệnh giá cũng thường lớn hơn rất nhiều, nhằm tạo ra áp lực nào đó, khiến cho đôi bên, người đưa và nhận đáng phải đắn đo, suy nghĩ. Còn nếu là trẻ con thì đây là kiểu “mừng tuổi” dễ làm trẻ hư và hiểu lầm nhiều nhất về thước đo giá trị tiền bạc. Chúng thường sẽ tiêu pha phí phạm do không biết công sức của nguồn “của cải” không phải do mình lao động làm ra.
Việc mừng tuổi ít (hay tượng trưng) còn có ý nghĩa lớn khác, đó là tạo dựng cho trẻ con luôn biết tiết kiệm, dành dụm, tích nhỏ thành lớn để thỏa mãn ước muốn của mình. Đây chính là một trong các cách rèn luyện tiết độ mà nhiều bậc phụ huynh đang áp dụng với con cái của mình. Biết giữ gìn và quý trọng đồng tiền chân chính, như chính ông bà ngày trước đã truyền lại cho họ.
Trẻ em ở Âu - Mỹ cũng thường nhận được quà trong dịp lễ Giáng sinh từ ông già Noel (thực chất là từ cha mẹ). Đây cũng là hình thức “lì xì”, chỉ khác là không phải bằng tiền. Một điều ước bình dị được gói trong chiếc tất treo lên lò sưởi để ngày hôm sau, chúng nhận được một món quà nhỏ, không có giá trị nhiều lắm nhưng ý nghĩa thì thường được các bậc phụ huynh rất cân nhắc. Vì chỉ có ý nghĩa mới thôi thúc ước muốn lần sau của trẻ nhỏ ở năm sau.
Hiểu sai cách mừng tuổi vô tình chúng ta lại góp phần làm tăng đột biến về nhu cầu tiền lẻ, tiền mới vào dịp trước Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, dịch vụ đổi tiền lẻ không chỉ dừng lại ở cách thức truyền thống như chợ đổi tiền lẻ ở các khu phố đã thành “mặc định” với nghề kinh doanh tiền, mà còn được công khai trên các trang mạng, những lời mời chào đổi tiền mới, tiền lẻ được đăng tải ngày càng nhiều trên các trang mạng rao vặt... điều này cho thấy, nhu cầu xã hội về vấn đề tiền lẻ, tiền mới vào dịp trước Tết Nguyên đán đang có nguy cơ trở nên quá tải, bất chấp sự gia tăng của các loại dịch vụ. Mặc dù người có trách nhiệm của ngành Ngân hàng năm nào cũng phải lo điều phối và cân đối lượng tiền lẻ, tiền mới trên toàn hệ thống vào dịp Tết trên khắp cả nước, nhưng chắc chắn cách làm đó cũng còn căn cứ trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cơ cấu mệnh giá theo cách tính của cơ quan quản lí tiền tệ.
Do vậy, để góp phần tích cực cho việc quản lí lưu thông tiền tệ, rất cần mỗi chúng ta nên cân nhắc, có ý thức và trách nhiệm chung về vấn đề tiền lẻ, tiền mới.
Hiểu về giá trị văn hóa của nét đẹp mừng tuổi ngày Tết cũng chính là việc góp phần ngăn chặn, làm giảm nạn buôn bán tiền bất hợp pháp, giữ được nhu cầu tiền lẻ, tiền mới ngày Tết ở mức độ hợp lí, giúp cơ quan quản lí tiền tệ như ngành Ngân hàng có thể đáp ứng và cân đối được lượng tiền lẻ, tiền mới trên phạm vi cả nước tốt hơn vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.