Thanh Thủy, vùng đất huyền thoại
Văn hóa - Thể thao 22/11/2023 10:42
Để giúp quý khách nghiên cứu, khám phá vùng đất đầy huyền thoại này, Chi hội Văn nghệ dân gian huyện Thanh Thủy đã biên soạn, giới thiệu những địa danh gắn với những huyền thoại và những công trình kiến trúc như đình, chùa đền, miếu linh thiêng ở Thanh Thủy.
Những địa danh lịch sử gắn với những huyền thoại hấp dẫn
Địa danh thứ nhất là động Lăng Sương (xã Trung Nghĩa). Tương truyền, nơi đây Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, sau gặp gỡ, kết duyên với Lạc Long Quân, đưa nhau về Bạch Hạc sinh sống, sau bà sinh ra bọc trăm trứng và nở thành một trăm người con trai, khởi nguồn của nòi giống Lạc Hồng. Tạị đây còn có truyền thuyết về bà Đinh Thị Đen và ông Nguyễn Cao Hành kết duyên với nhau đã lâu mà không có con, một hôm bà đi thăm đồng, trời oi bức bà vào giếng Thiên Thanh tắm, được rồng vàng phun nước thơm về bà thụ thai 12 tháng và sinh ra Tản Viên Sơn Thánh, vị Tổ của Bách thần, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt.
Lễ rước kiệu trong Lễ hội đền Lăng Sương ở Xã Đồng Trung. |
Làng Đào và Đầm Đào thuộc xã Đào Xá. Tương truyền, vào thời Hùng Vương, Hùng Hải em thứ 19 của Vua Hùng, được anh cử về cai quản vùng Tam Giang, ông kết duyên với bà Trang Hoa đã lâu mà không có con. Năm ấy ông bà cho hạ thuyền Rồng qua đầm Đào vào Đào Xá du Xuân, về bà thụ thai 12 tháng mà chưa sinh con được. Nghe các quan khuyên, ông bà lại cho hạ thuyền về Đào Xá nghỉ và bà trở dạ, sinh ra một bọc gồm 3 quả trứng, nở ra 3 con rắn, sau hóa thành 3 người con trai khôi ngô tuấn tú. Các con cất tiếng khóc chào đời thì bà hóa thân về trời. Ba con có tên là: Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Cũng tại đây, vào thời Lý Nhân Tông, nhà Tống sang xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt đã cho quân thủy về đầm Đào luyện tập. Hôm xuất quân đi đánh Tống, Lý Thường kiệt vào đền Tam Công, nơi thờ 3 vị Thần nói trên lễ tạ, vừa khấn xong thì thần hiển linh đọc thơ khích lệ nghĩa quân lên đường đánh giặc. Ông đã dựa vào tứ thơ trên và làm bài thơ: “Nam Quốc Sơn Hà” đọc trước ba quân, Bài thơ đã cổ vũ tinh thần yêu nước của tướng sĩ, phá tan giặc Tống trên sông Như Nguyệt, bình yên đất nước.
Dòng Đà giang, nơi diễn ra trận chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, hai chàng cùng chanh giành nàng công chúa Ngọc Hoa xinh đẹp con vua Hùng Vương thứ 18. Nhờ tài cao đức trọng Sơn Tinh đã thắng và rước Ngọc Hoa về làm vợ.
Tượng đài Chiến thắng Tu Vũ, ở xã Tu Vũ. Nơi diễn ra trận đánh không cân sức giữa quân ta và thực dân Pháp. Quân ta gồm bộ đội kết hợp với dân quân du kích, vũ khí thô sơ, phía địch là quân tinh nhuệ, thiện chiến, vũ khí hiện đại, bốt đồn kiên cố, lại có pháo tầm xa của các bốt xung quanh yểm trợ, lực lượng ta và địch như “trứng trọi đá” nhưng với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường quân và dân ta chỉ một đêm đã san phẳng đồn thù, làm nên chiến thắng huyền thoại, mở màn cho chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên chấn động địa cầu”.
Những công trình kiến trúc cổ gắn với những nhân vật huyền thoại
Đền Lăng Sương được xây dựng vào thời An Dương Vương, nơi thờ cúng cả gia đình Tản Viên Sơn Thánh. Lễ Hội truyền thống hàng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng (ngày sinh Tản Viên Sơn Thánh). Lễ hội đền Lăng Sương đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đình Đào Xá nơi thờ Hùng Hải, em thứ 19 của Vua Hùng. Tương truyền, nhờ có công lớn, Hùng Hải được Vua Hùng thưởng cho đôi voi chiến và cử về miền sông Nhuệ nhậm chức mới, ông đã dẫn đôi voi về Đào Xá làm lễ tạ và bàn giao cho các con cai quản vùng đất này. Tưởng nhớ tới công đức của ông nhân dân làng Đào xã Đào Xá đã lập đình thờ và hàng năm tổ chức Lễ hội rước voi truyền thống diễn ra vào ngày 28 tháng Giêng thu hút nhiều khách thập phương về dự, Lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đền Tam Công, xã Đào Xá thờ ba vị Thủy Thần (con Hùng Hải), thay cha cai quản cả vùng đất rộng lớn từ Đào Xá lên Ngọc Tháp, thị xã Phú Thọ. Gắn liền với ngôi đền thờ là Lễ hội mùa Xuân Ngưu, đươc tổ chức hàng năm vào sáng mồng 3 Tết, kỉ niệm ngày sinh của 3 vị Thủy Thần. Ngoài ra còn rất nhiều công trình kiến trúc khác như: Đình Hạ Bì Trung, xã Xuân Lộc; đình La Phù (thị trấn Thanh Thủy); đình Hữu Khánh, Phú An (xã Tân Phương); đình Sơn Vi (xã Sơn Thủy) đều thờ Tản Viên Sơn và tổ chức lễ hội vào mùa Xuân hàng năm rất vui.
Về Thanh Thủy du lịch, ngoài việc nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn phong cảnh quý khách còn khám phá, tìm tòi, sưu tầm trải nghiệm, mở mang thêm hiểu biết tường tận về lịch sử văn hóa, phong tục tập quán nơi vùng đất Thanh Thủy huyền thoại, làm cho chuyến đi của quý khách thêm đầy ý nghĩa, thú vị, bổ ích và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.