Thanh Hoá: Sắp đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu
Nhịp sống văn hóa 16/02/2023 09:06
Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho biết: Lễ hội đền Bà Triệu có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và cả khoa học. Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội đền Bà Triệu được thực hiện theo các nghi thức truyền thống; đồng thời có bổ sung phần hội với kịch bản sân khấu hóa 45 phút, gồm ba chương. Ngoài ra, các sự kiện bên lề sẽ diễn ra trong suốt lễ hội từ ngày mùng 9 đến ngày 13/3, gồm các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu di tích lịch sử tiêu biểu; Các hoạt động liên quan đến trò chơi trò diễn dân gian; các môn thi thể thao truyền thống, giao lưu hát chèo văn…
Lễ hội đền Bà Triệu |
Khu di tích Bà Triệu tọa lạc trên diện tích hơn 4ha cách thành phố Thanh Hóa 17 km về phía Bắc và thủ đô Hà Nội hơn 140 km về phía Nam, thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Quần thể khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu bao gồm: Đền thờ, Lăng tháp và đình làng Phú Điền. Lăng tháp được xây trên đỉnh núi Tùng, là mảnh đất thiêng nơi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh ngã xuống khi chiến đấu với quân xâm lược.
Đền thờ Bà Triệu có lịch sử đã lâu đời; lúc mới khởi dựng chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong là một bệ thờ Bà Triệu. Đến thời tiền Lý (549 – 602) trong một lần kéo quân vào Nam diệt trừ phong kiến Lâm Ấp nghỉ tại làng Bình Lâm (nay thuộc xã Hà Lân, huyện Hà Trung), Vua Lý Nam Đế đã đến thăm đền và cầu xin giúp đánh thắng giặc. Khải hoàn trở về, Lý Nam Đế đã phong Bà làm thần và cho quân tạ lễ , đồng thời lệnh cho bản dân sửa sang ngôi đề. Mặc dù sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đền Bà Triệu vẫn giữ được kiểu kiến trúc truyền thống của đồng bằng Bắc Trung Bộ.
Theo sử sách, Bà Triệu sinh ngày 2/10, năm Bính Ngọ (226) ở vùng miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt. Lớn lên, bà là người giỏi võ nghệ, chí lớn chẳng kém nam nhi. Khi 19 tuổi, bà đã có câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta".
Vào năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô - Trung Quốc tàn ác, làm hại dân lành, Bà Triệu cùng anh trai chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ dấy binh khởi nghĩa. Nhưng chẳng bao lâu Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy Triệu Thị Trinh giỏi giang, can đảm, bèn tôn làm chủ tướng. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi rất uy nghi, mạnh mẽ. Do lực lượng quá chênh lệch cùng nhiều mưu mô thâm hiểm của quân địch khiến nghĩa quân của nữ tướng thất bại. Bà Triệu tuẫn tiết tại núi Tùng (Hậu Lộc) vào ngày 22/2, năm Mậu Thìn (248).
Lễ dâng hương tại đền Bà Triệu |
Những chiến công và hình ảnh thật đẹp của nữ anh hùng Triệu Trinh Nương năm xưa thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường không chịu khuất phục trước kẻ thù, tiếp bước tinh thần của Hai Bà Trưng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, dám vượt lên trên quan niệm xã hội lúc bấy giờ để đứng lên đánh đuổi kẻ thù. Để tri ân nữ anh hùng kiệt xuất Triệu Thị Trinh và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, nhân dân đã xây dựng lăng mộ và lập đền thờ Bà Triệu. Để chiến công ấy, hình ảnh ấy mãi mãi in đậm trong lòng bao thế hệ mai sau.
Khu di tích Bà Triệu không chỉ là nơi ghi dấu ấn lịch sử, văn hóa mà còn lưu giữ nhiều cổ vật mang giá trị nguyên bản như: 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán; 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam; tượng Bà Triệu bằng đồng; quạt ngà; lược đồi mồi; trâm ngà; long cung sơn son thếp vàng… Mỗi khi về đây bà con không chỉ cầu mong sự an lành từ đấng thần linh mà còn vãn cảnh, tìm kiếm những giây phút thư thái, thanh tịnh, trút bỏ mọi ưu phiền, lo toan trong cuộc sống đời thường.