Thanh Hoá: Lễ hội Đền Bà Triệu đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
Nhịp sống văn hóa 12/03/2023 09:28
Dự lễ hội về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy…
Lễ hội Đền Bà Triệu đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Khu di tích Bà Triệu tọa lạc tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng Triệu Thị Trinh. Hằng năm, từ ngày 19 đến 24/2 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về dự lễ hội với bà con xã Triệu Lộc để tưởng nhớ Bà Triệu. Cũng như mọi năm, lễ hội Bà Triệu năm 2019 được tổ chức trang trọng, thành kính thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta.
Bà Triệu là nữ anh hùng quê ở thôn Cẩm Trướng, xã Định Công, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có câu nói nổi tiếng, thể hiện khí phách quật cường của người dân nước Việt: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta".
Bí Thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng đánh trống khai hội |
Nữ tướng Triệu Thị Trinh đã có công lao lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ III. Trong một trận quyết chiến với quân thù, trước thế mạnh và mưu kế hiểm độc, đê hèn của giặc, bà đã tuẫn tiết tại núi Tùng năm 248. Để tưởng nhớ và tôn vinh vị nữ tướng anh hùng, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai thuộc xã Triệu Lộc. Ngay gần khu vực đền là lăng Bà Triệu trên núi Tùng, nơi bà hy sinh và đình Bà Triệu ở làng Phú Điền. Ba di tích này đã tạo thành một quần thể tam giác vững chắc: đình - lăng - đền.
Lăng tháp là công trình được xây dựng trên đỉnh núi Tùng, đây là nơi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh - người con gái trinh trắng, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước. Dù chưa một ngày được làm vua, nhưng trong lòng người dân luôn tôn sùng Triệu Thị Trinh là “Vua Bà” của nhân dân.
Đền thờ nữ anh hùng nằm đối diện với khu lăng phía bên kia quốc lộ 1A về hướng Đông Bắc. Đây là ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Thời xưa, theo lời kể dân gian truyền lại, lúc ban đầu đền Bà Triệu được làm bằng tre, nứa, cột kèo gỗ luồng đơn sơ, trát vách đất, mãi đến thời Lý Nam Đế mới xây dựng lại bằng gạch, có đá làm móng. Ngày nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đền Bà Triệu đã được tôn tạo phục dựng khang trang theo hình thức thời đó và đang là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với du khách gần xa. Bên cạnh những vẻ đẹp giản dị cổ kính ngôi đền còn có những nét kiến trúc độc đáo và là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, là một kho tàng các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ… của dân tộc.
Đình làng Phú Điền thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc cũng nằm trong khu di tích Bà Triệu. Đây là ngôi đình cổ được dân làng Phú Điền xây dựng để thờ thành hoàng làng. Điều đặc biệt, thành hoàng làng của làng cũng chính là nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Ngôi đình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của làng quê Bắc bộ xưa khi có cây đa, giếng nước, sân đình.
Đông đảo người dân tham gia lễ rước kiệu |
Sau các nghi thức phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh – rạng ngời trang sử vàng dân tộc”. Chương trình được dàn dựng công phu, giàu tính biểu tượng và nghệ thuật, được chia thành 2 phần: Phần 1 là trích đoạn tuồng “Triệu Trinh Nương đề cờ” tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc cùng công lao to lớn của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh, các tướng sĩ và Nhân dân ta trong công cuộc đánh đuổi quân Ngô xâm lược. Phần 2 là các ca khúc: “Ca ngợi nữ tướng Triệu Thị Trinh”, “Tự hào miền đất xứ Thanh”, “Đường về Thanh Hóa” và “Thanh Hóa vào xuân”. Các tiết mục ca ngợi công lao của nữ tướng Triệu Thị Trinh và khẳng định sự đổi mới, phát triển của tỉnh Thanh Hóa ngày nay.
Tiếp sau chương trình nghệ thuật là nghi thức rước kiệu thần (rước bóng). Đây là nghi thức đặc sắc, quan trọng và linh thiêng nhất Lễ hội đền Bà Triệu. Việc rước bóng trong ngày hội là một thể thức hết sức quan trọng. Người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang, đĩa trầu cau và chọn tám chàng trai đức độ, mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng mầu đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất để khênh kiệu. Đoàn rước đông người tham dự sẽ rước từ đền chính đến lăng rồi về đình làng. Đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức bà, nhân ngày húy kỵ, để tưởng nhớ công ơn của bà với dân, với nước.
Lễ hội đền Bà Triệu ngày càng được hoàn thiện, vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa tạo ra sức hấp dẫn về văn hóa cũng như tâm linh hướng thiện. Là dịp để con cháu nhớ về công lao của bậc thánh nhân, hướng về nguồn cội.