Tên vần đá, người tìm vần gieo thơ
Văn hóa - Thể thao 09/07/2019 08:58
Ở đây, gần như ai cũng có thể làm thơ và trở thành nhà thơ. Thạch Quỳ kể: Có lần, anh trưởng họ, là bộ đội xuất ngũ về làm ruộng, nghe tin chú em họ là nhà thơ Vương Trọng về chơi bèn sang nói chuyện văn thơ và đàm luận về truyện Kiều. Hai người tâm đầu ý hợp lắm nhưng đến khi tranh luận về một câu thơ trong truyện Kiều thì hai bên khác nhau về cách hiểu và nhận định. Vậy là ông bác trưởng họ giận dỗi bỏ về và hai anh em không chơi thân với nhau đến cả chục năm.
Tuổi thơ ông gắn bó với rú (núi) Cuồi, những buổi chăn trâu và những vần thơ mẹ ru cùng những cuốn sách mà ông đem theo lên núi ngồi đọc. Rú Cuồi là ngọn núi nhỏ nhưng đá và hoa thì rất đẹp và nên thơ. Nhất là những buổi chiều hoàng hôn, đá và hoa hòa cùng bóng chiều đỏ ối tạo nên một cảnh sác tuyệt mĩ và chàng trai trẻ Vương Đình Huệ (Thạch Quỳ) bắt đầu làm thơ …
Ông kể, tuy làm thơ nhưng ông không sao nhãng việc học. Ông học tốt các môn tự nhiên, nhất là toán, để rồi sau khi học xong sư phạm toán, ông trở thành thầy dạy toán trong nhiều năm.
Nhà giáo, nhà thơ Thạch Quỳ |
Những vần thơ của ông trong những tháng năm đứng trên bục giảng vẫn còn được nhiều thế hệ học trò nhớ. Một học trò của thầy Thạch Quỳ là nhà thơ Đoàn Xuân Hòa nhớ về thầy và thơ thầy trên trang báo: Rồi ngày mai tôi phải đi xa/ Hoa phượng nở trên đầu như lửa cháy…
Thơ và con người Thạch Quỳ là thế, yêu hết mình. Đằm sâu như cái tên Thạch Quỳ mà nhà văn Nguyễn Đức Thọ gọi là “hòn đá thơ” (Thạch là đá, Quỳ là tên gọi khác của núi Cuồi, nơi gắn với tuổi thơ ông). Những câu thơ gân guốc khi mới nghe qua, nhưng lại đậm đà sâu nặng: Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thiên thanh hoa trắng đợi em về. Thạch Quỳ là thế, giản dị như đất nhớ dấu guốc nhưng cũng lãng mạn bay bổng như hoa trắng, cỏ thiên thanh đợi chờ một tình yêu diệu vợi.
Năm 1969, khi đang là giáo viên dạy toán ở Đô Lương, nghe tin Bác Hồ mất, ông khóc Bác, khóc mà ngỡ như mình vẫn còn tin và mong Bác đang còn sống: Đảng tin yêu/ Con quen gửi đời con vào chân lí của Người/ Như quen gửi niềm tin vào sự thực/ Sao phút ấy bỗng trở nên ngờ vực/ Ai loan tin Bác đã qua đời.
Thầy giáo Vương Đình Huệ dạy toán nhưng yêu thơ và luôn đau đáu với thơ. Nhưng ông cũng luôn tự học để nâng cao tri thức. Ông còn là nhà văn hóa với tầm hiểu biết khá sâu rộng. Những bài viết khảo cứu văn hóa của ông được nhiều báo đăng và bạn đọc yêu thích, đón đọc.
Với thơ, ông là một người tình chung thủy và vui buồn cùng thơ, có khi phờ phạc vì thơ nhưng niềm hạnh phúc được nhận lại vì tình yêu thơ của Thạch Qùy cũng ít người có được: Cuối cùng vẫn một mình em/ Nhưng anh đã đi như người trong mộng/ Nhưng anh đã bơi như người trong sóng/ Nổi và chìm/ Sấp và ngửa/ Trắng và đen/ Cuối cùng vẫn một mình em/ Nhưng anh đã khô kiệt cùng đá sỏi/ Nhưng anh đã kêu kiệt cùng tiếng gọi/ Nhưng anh đã mơ cạn kiệt cùng giấc mơ.
Mệt mỏi và mạnh mẽ trên con đường thi ca, có lúc ông thốt lên: Thân thể tôi như chiếc cột ăng ten/ Vừa phát sóng vừa tự mình gỉ sét. Hoặc có lúc ông buồn vì sự nhàm chán của cuộc đời nói chung và của thi ca, của chính mình nói riêng. Ông viết: Em ơi em, anh mệt quá rồi/ Mệt mỏi không thể mệt hơn được nữa/ Ở đền Gióng có voi và ngựa/ Ở đền Hùng có ngựa và voi.
Dù như vậy nhưng ông vẫn vượt lên và lạc quan về thơ, về cuộc sồng và lạc quan với chính mình: Thơ răng đau - thơ lên sởi - đậu mùa/ Dù như vậy, tâm hồn anh sống sót/ Anh một đời cuốc mót dưới sao thưa.
Tâm sự về nghề, ông viết: “Thời đại là gió, nhưng nhà thơ không phải là cánh diều”. Với tâm niệm đó cộng với những tri thức sẵn có, ông vẫn làm thơ, vẫn viết đều và vẫn yêu đời.