Tập thơ đầy nữ tính, nhưng cũng nhiều khắc khoải, trở trăn
Văn hóa - Thể thao 31/10/2023 13:47
Tập thơ gồm 69 bài, cũng là khá dày dặn, nội dung được nhận xét là đầy nữ tính, nhưng cũng nhiều khắc khoải, trở trăn. Phần một, nhà thơ đưa câu đúc kết: Dấu chân nhiều nhất trên đời?/ Không!/ Nhiều nhất gầm trời là nỗi khổ đau. Phải hiểu, đây không phải là tiếng kêu oán thán, mà là đúc kết cuộc đời mỗi con người, biết là nhiều khổ đau để ta đối mặt, chấp nhận nó như là quy luật của cuộc sống, để mà sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn. Đây cũng là chủ đề tư tưởng của phần một, với những cung bậc của cuộc sống. Mở đầu là bài thơ có tựa đề “Tựa vào ta”, bằng những câu thơ dung dị, tác giả muốn nói rằng trong cuộc sống này không thể dựa vào cái gì, vì không có gì là chắc chắn: Tựa vào cánh cửa/ Bản lề tung ra/ Tựa vào căn nhà/ Nhà không có cột/ Tựa vào lòng tốt/ Chênh vênh nghi ngờ/ Tựa vào trang thơ/ Lửng lơ hoa lá… Do đó, tác giả trả lời câu hỏi “Biết tựa vào đâu?” là chỉ có: Thôi… Tựa vào ta/ Hai vai trăn trở/ Nặng nề, ngộp thở/ Nghiến răng mà đi.
Nhà văn Trần Gia Thái, Chủ tịch và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội tặng hoa chúc mừng nhà thơ Nguyễn Thị Mai. |
Nhà thơ Lê Anh Phong có lí khi nhận xét thơ của Nguyễn Thị Mai, ông cho rằng tác giả đã khai thác hiệu quả “tình thế của trữ tình” vào các tác phẩm. Thơ Nguyễn Thị Mai được viết từ bóng ngày ẩn ức, từ vang vọng của hiện thực của đời sống, của thân phận, là đặc điểm trữ tình trong thơ. Nhà thơ Lê Anh Phong viết: “Phải chăng vì thế, viết về tình yêu nơi “lòng sông còn thấp thỏm”, thơ chị vừa sóng sánh, vừa làm chủ mái chèo giữa hai bờ hư thực. Dường như lòng lành và căn tính của nghề dạy học, dường như những năm tháng làm công tác phụ nữ, khiến chữ nghĩa không đi quá xa tình tự thuần Việt, một nét hạnh trong thơ tình Nguyễn Thị Mai. Cũng có lúc bông đùa giữa mong manh giễu nhại, chỉ còn lại gió và hạt sương trong nắng…”.
PGS.TS Trần Thị Trâm cho rằng, thơ của tác giả Nguyễn Thị Mai khai thác được chất liệu dân gian, được sử dụng với tần số lớn và rất linh hoạt qua hình thức cắt dán ca dao, tục ngữ: Ta tắm ao ta, đổ quán siêu đình, hoa cải về trời, muối mặn gừng cay, bạc phận hồng nhan, bèo dạt mây trôi, xẻ đá nung vôi, mẹ gà con vịt, bánh đúc có xương, sẻ nghé tan đàn, mang nặng đẻ đau, chân mây mặt sóng… “Chính những trầm tích văn hóa mà chị “học lỏm” từ dân gian, đã thấm vào hồn chị, được chị vận dụng một cách đắc địa, nên đã tái sinh và phát sáng, tạo ra ngữ nghĩa mới cho mỗi câu thơ, vừa giản dị, vừa hàm súc và nữ tính vô cùng: Dù anh biển rộng trời xa/ Cũng không bước nổi qua tà áo em, PGS.TS Trần Thị Trâm viết.
PGS.TS Trần Thị Trâm nhận xét: “Thêm một lí do đã tạo nên sức hấp dẫn của bức chân dung người đàn bà Việt của Nguyễn Thị Mai, đó là lớp ngôn ngữ vô cùng thuần Việt: Lũn cũn, rười rượi, toe loe, ới lên, chim chíp, đen đúa, nhọ nhem, tất tưởi, thèn lẹn, nồng nã… Với ý thức rất rõ về trách nhiệm của một người lao động chữ nghĩa, chị đặc biệt quan tâm tới việc sáng tạo ngôn từ, góp phần làm cho tiếng Việt ngày thêm phong phú. Có những từ mới tinh như vừa xuất xưởng (vung văng, khơi vơi…). Có những ngữ được chị làm mới bằng cách sử dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật khác nhau: Bao giờ tươi mới giêng hai nõn.
“Bao giờ tươi mới giêng hai nõn”, là bài thơ chuyển tải một tâm sự, tâm tình của người phụ nữ như đang đợi chờ: Một lời anh chúc qua tin nhắn/ Là đã trong em Tết vạn lần. Thế rồi, người phụ nữ ấy nhắn nhủ với một ai đấy: Cho dù cách trở bàn chân bước/ Trong em hơi ấm vẫn nồng nàn/ Trong cây, nhựa sống còn ngưng đợi/ Chờ phút bật mầm lá hân hoan… Rồi: Bao giờ tươi mới giêng hai nõn/ Sông trải phù sa phơi phới bờ/ Hoa lại nở bừng trong nắng biếc/ Em về bung lụa ngất ngây thơ.
Kết thúc bài viết, PGS.TS Trần Thị Trâm khẳng định: “Suốt đời đi tìm cái đẹp, nữ sĩ Nguyễn Thị Mai đã có công không nhỏ trong việc hoàn thiện vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ Việt Nam, đã góp phần nâng cao chất lượng thể thơ lục bát, cũng đã tích cực đóng góp cho sự phát triển ngôn ngữ thi ca dân tộc. Mà, việc trở về cội nguồn chính là bí quyết tạo nên thành công của người thơ tài hoa ấy. Vì theo bà Fournier, nữ văn sĩ Pháp: “Chúng ta chỉ bằng người ngoại quốc khi biết đi sâu vào tâm hồn dân tộc mình mà thôi”.
Ngoài những chất liệu mang nữ tính, chất trữ tình, chất dân gian, tập thơ của nữ sĩ Nguyễn Thị Mai cũng có nhiều khắc khoải, trở trăn về nhân tình thế thái. Tại cuộc tọa đàm về tập thơ “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn”, do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức mới đây, có ý kiến trình bày rằng, ông đã sởn tóc gáy, run lên khi đọc một bài thơ, với những ngôn từ đầy cảm xúc, về cháu bé lên 10 tuổi bị tử vong khi rơi vào lòng cọc bê tông ở công trường: Người đời sống trên trần gian/ Chỉ chôn xuống đất khi mất/ Còn cháu, sống rơi xuống đất/ Chết rồi mới lên trần gian/ Người đời chết thì nằm ngang/ Còn cháu, chết sao thẳng đứng… Rồi tác giả đưa ra những câu hỏi: Giá đừng có công trường ấy/ Giá nghiêm ngặt cửa canh chừng/ Giá mẹ cho tiền học võ/ Thì đời cháu đã ung dung...
Trong những cung bậc tình cảm thể hiện trong tập thơ, nhà thơ Nguyễn Thị Mai cũng đau đáu nhớ về người mẹ đã khuất, trong bài thơ “Qua hàng trầu vỏ”. Hai khổ đầu tác giả gợi lại hình ảnh người mẹ khi còn tại thế: Đi chợ con bớt dăm đồng vặt/ Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày… Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ/ Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa/ Mẹ ngồi thong thả bên hè mát/ Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà… Hình ảnh thật thanh bình, thật thân thương khi mẹ còn sống trên cõi đời. Mặc dù kinh tế khó khăn, người con phải bớt “dăm đồng vặt”, để mua trầu cau cho mẹ. Cái nghèo được tác giả thể hiện rõ hơn ở khổ thứ tư: Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo. Từ khổ này, tác giả mô tả cảnh mất mẹ, bằng một tiếng kêu: “Mẹ ơi!” và sau đó là: Thơm cay một miếng trầu xưa/ Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo/ Bây giờ đã hết gieo neo/ Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!... Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn. Lời thơ dung dị, không có thủ pháp tu từ, mà đem đến cho bạn đọc cảm xúc thật đằm thắm, đến nhói lòng.
Nhìn chung, tập thơ “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn” được tác giả trình làng một cách dày dặn, nhiều cung bậc cảm xúc và đáng đọc. Chúc nhà thơ Nguyễn Thị Mai lại tiếp tục trình làng những tác phẩm có giá trị hơn nữa.