TAND TP Hưng Yên có “luật riêng”?!
Pháp luật - Bạn đọc 24/08/2021 08:52
TAND TP Hưng Yên có “luật riêng” hay bất chấp sự thật và công lí?
Từ giữa năm 2015, thay vì phải trả nợ cho bà Quyên, ông Duy lại vu cáo bà Quyên vi phạm pháp luật, nhằm trì hoãn việc trả nợ trong thời gian từ năm 2015 đến giữa năm 2018. Vu cáo không được, năm 2018, “con nợ” xoay sang khởi kiện ngược “chủ nợ” ra Tòa, vì “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, nhằm kéo dài thời gian trả nợ. Mưu chước của ông Duy đạt được ý đồ, TAND TP Hưng Yên thụ lí vụ án giữa năm 2018, kéo dài đến ngày 22/12/2020 mới xét xử sơ thẩm. Như vậy, thêm 5 năm kéo dài, từ năm 2015 đến năm 2020, khoản nợ 7.360 triệu đồng của bà Quyên, ông Duy kí giấy nhận nợ tiền vay, nhưng vẫn cố tình chây ỳ không trả.
Với Bản án số 07/2020/DS-ST, TAND TP Hưng Yên, xác định vụ kiện có nội dung “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Nhưng theo hồ sơ của Tòa, vụ kiện này không có nội dung đó, bởi ông Duy và bà Quyên đều không trình được “Hợp đồng vay tài sản” để xảy ra tranh chấp. Nội dung khởi kiện, ông Duy “Đề nghị tòa án xem xét giải quyết nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi suất của ông Duy với bà Quyên, tại các khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật, thời gian tính lãi kể từ khi vay cho tới nay”.
Trụ sở TAND TP Hưng Yên. |
Việc vay và trả nợ 3 khoản từ năm 2010 đến tháng 9/2014, đã được ông Duy và bà Quyên thống nhất, không kiện cáo gì nhau, nên chỉ còn khoản vay nợ mới. Khoản nợ mới được tính thời gian theo các giấy nhận nợ tiền vay năm 2013 và năm 2014, được lập 3 bản, ông Duy giữ một bản. Theo đó, 3 tháng ông Duy phải trả lãi một lần, đến nay đã hơn 5 năm, ông Duy mới trả 2 lần (90 triệu đồng tiền gốc), trả cho ông Tuấn 510 triệu đồng. Ông Duy không có căn cứ để chứng minh nội dung tranh chấp về lãi suất. Ngược lại, bên cho vay là bà Quyên lại đưa ra những thỏa thuận lãi suất của ông Duy và thực hiện đúng theo thỏa thuận này. Việc tranh chấp về lãi suất tiền vay, Tòa không làm rõ phát sinh từ phía ông Duy “lật lọng”, vi phạm thỏa thuận của chính mình, khi vay thì đồng ý thỏa thuận lãi suất, nhưng khi trả lại đòi trả theo lãi suất quy định của Nhà nước (!?). Từ chứng cứ có trong hồ sơ, đến nhận định của Hội đồng xét xử, thấy rõ nội dung của bản án được xử theo kiểu, “ông nói gà, bà xử vịt”. Không lẽ, TAND TP Hưng Yên có luật riêng?.
Hội đồng xét xử có đứng trên pháp luật?
Hội đồng xét xử quên trách nhiệm dân sự của ông Lê Văn Duy, người vay tiền trong giao dịch dân sự, được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 280; Khoản 1, Điều 351; Khoản 1, Điều 357 và Khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, ông Duy phải có trách nhiệm trả tiền vay và lãi suất đúng hạn. Hội đồng xét xử chỉ chú tâm tới việc tính lãi suất là bao nhiêu, như mục tiêu ông Duy hướng tới. Việc người cho vay thực hiện đúng cam kết khi giao dịch, nhưng Hội đồng xét xử vẫn ép phải làm theo ý kiến của người vi phạm là ông Duy.
Cần nói rõ, ông Duy không có đủ điều kiện vay tiền ngân hàng, để hưởng theo lãi suất pháp luật quy định, nên mới phải vay tiền bên ngoài với lãi suất thỏa thuận. Mặt khác, nếu ông Duy vay tiền ngân hàng không trả nợ đúng kì hạn, sẽ bị phạt theo quy định, bị phong tỏa tài sản thế chấp. Còn cá nhân ông Duy, lấy danh nghĩa công ty để vay tiền người dân, nhưng vi phạm pháp luật, tại sao Tòa không xử, buộc ông Duy phải thực hiện đúng cam kết, trả đúng hạn tiền gốc và tiền lãi cho chủ nợ? Không có căn cứ nào để áp dụng tính lãi suất theo quy định của pháp luật, khi ông Duy không vay tiền của Ngân hàng theo pháp luật. Việc vay nợ giữa ông Duy và bà Quyên từ năm 2010 đến năm 2014, hai bên đã chốt nợ không kiện cáo gì nhau, không có căn cứ gì để Tòa tính lại lãi suất cho ông Duy ở giai đoạn này.
Khoản tiền nhận nợ 7.360 triệu đồng từ năm 2014, là tiền gốc của khoản vay mới, được người vay và người cho vay cùng thừa nhận. Tại trang 12 của Bản án số 07/2020/DS-ST, có liệt kê ngày 10/2/2018 và ngày 13/2/2018, ông Duy trả 90 triệu đồng. Như vậy, số tiền gốc ông Duy nhận nợ 7.360 triệu đồng mới trả thêm 2 lần bằng 90 triệu đồng, còn 7.270 triệu đồng chưa trả lãi đồng nào. Thế nhưng, từ trang 7 đến trang 14 của Bản án, lại lấy lãi suất 13,5%/năm, để tính cho ông Duy từ năm 2010 như một ma trận, rồi biến hóa đưa ra kết luận: 2 khoản vay ông Duy đã kí nhận nợ từ 2.584 triệu đồng tiền gốc với bà Quyên, đến thời điểm ngày 13/2/2018, mới trả được 90 triệu đồng, nay chỉ còn 530 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Phép tính này chắc chỉ riêng TAND TP Hưng Yên mới nghĩ ra!? Riêng khoản 4.776 triệu đồng ông Duy kí nhận nợ ngày 30/9/2014, Tòa tuyên không đề cập giải quyết(!?).
Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng
Việc xác định nội dung vụ kiện không đúng, đây là vụ kiện “Tranh chấp về lãi suất tiền vay”, không phải là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Bản án thể hiện Hội đồng xét xử đứng về phía ông Duy, là người có vi phạm giao dịch dân sự, để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Duy, bỏ qua căn cứ lãi suất tiền vay hai bên đã thỏa thuận, xâm hại tới quyền và lợi ích chính đáng của bà Quyên. Khi bà Quyên vẫn phải gồng mình trả nợ đậy cho ông Duy. Việc trích dẫn của Tòa tại trang 9 áp dụng Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2015 để tính lãi suất khoản vay là sai, bởi nội dung Điều 476 là “Giao tài sản thuê”. Trong đơn khởi kiện, ông Duy đề cập tới nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi suất theo quy định, thì Tòa phải xem xét cả 3 giấy nhận nợ có chữ kí của ông Duy và con dấu của Công ty CP Xây dựng đê kè thủy lợi Hưng Yên. Thế nhưng, khoản nợ 4.776 triệu đồng ông Duy kí nhận ngày 30/9/2014, Tòa tuyên không giải quyết. Phải chăng đây “góc khuất” mà tòa cố tình tước các quyền lợi chính đáng của bà Quyên, người cho ông Duy vay tiền, không chỉ bị ông Duy chây ỳ không trả, mà còn bị ông Duy vu khống nhằm đẩy bà Quyên vào vòng lao lí?!.
Ngoài thời gian kéo dài từ lúc thụ lí đến khi đưa ra xét xử là hơn 2 năm, bản án sơ thẩm cũng vi phạm tố tụng, được Tòa giải thích do phần số liệu tính toán sai về khoản tiền ông Duy còn nợ bà Quyên, nên Tòa đã chỉnh sửa lại bản án. Như vậy là tuyên một đằng, phát hành án một nẻo. Bà Quyên đã có đơn kháng cáo từ đầu tháng 1/2021, nhưng đến giữa 7/2021, TAND TP Hưng Yên mới chuyển hồ sơ lên tòa phúc thẩm, là “ngâm án”, vi phạm Luật Tố tụng dân sự.
Trong đơn kháng cáo, bà Quyên đề nghị TAND tỉnh Hưng Yên xác định lại nội dung vụ kiện, là “Tranh chấp lãi suất cho vay”, buộc ông Duy phải thực hiện trách nhiệm dân sự, trả đủ các khoản tiền vay cả gốc và lãi theo thỏa thuận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bà.