Nhà thơ Ngô Viết Lừng: Một tông đơ, một chiếc kéo nuôi dạy các con thành đạt
Đời sống 10/10/2024 10:18
Chỉ với một chiếc tông đơ, một chiếc kéo mà nuôi dạy 5 con đều nên người, phương trưởng... Ông đến với thơ cũng tự nhiên như cách để ông trải lòng với đời, truyền tải tâm tư, tình cảm với cuộc sống. Đó là câu chuyện nhà thơ Ngô Viết Lừng, sinh năm 1947, quê quán Đông Mai, Hà Đông…
Trong câu chuyện ông nói rất ít về thời gian trong quân ngũ. “Kể ra tôi cũng thuộc số may, ngay khi nhập ngũ được cử đi học quân chính, làm nhiệm vụ tuyển quân, huấn luyện rồi giao quân vào chiến trường”, ông kể.
Rời quân ngũ, ông không tiếp tục đi học ngân hàng nữa, mà chọn phương án về quê làm ruộng, rồi có thời gian làm cơ khí cho HTX. Ông xây dựng gia đình chỉ với hai bàn tay trắng, cuộc sống vô cùng vất vả. Ông bà sinh con gặp đúng thời kì đất nước khó khăn, nên gia đình ông cũng không là ngoại lệ. Làm gì để nuôi dạy các con? Câu hỏi này luôn đeo bám khiến ông nặng lòng suy ngẫm. “Lúc đó tôi nuôi được bốn con ngan, đổi được búi tre, dùng đó dựng được mấy gian nhà, chỉ là nhà tranh tre, trát vách đất. Ăn thì chạy từng bữa, ăn bữa nay nhưng bữa mai còn chưa biết lấy gì mà ăn”, ông Lừng tâm sự.
“Phu Thê tương kính như tân”, nghĩa là chồng vợ tôn kính nhau như khách, ông Ngô Viết Lừng nói. |
Khoảng năm 1980 ông Lừng quyết định gom tiền mua tông đơ, kéo, lược… về mở điểm cắt tóc. Khi được hỏi làm nghề cắt tóc có phải theo thầy học nghề không? Ông Lừng cười: “Có ai dạy mình đâu. Tôi cắt tóc từ khi còn trong quân ngũ. Thời đó mỗi đại đội được cấp trên phát cho bộ tông đơ, dao, kéo chẳng hiểu sao họ giao cho tôi việc cắt tóc cho các anh em tân binh trong đơn vị. Và cứ thế tôi cắt, cắt nhiều thành quen tay. Hóa ra mình có năng khiếu làm nghề cắt tóc”. Và cứ nghề cắt tóc ấy, ông bươn chải nuôi các con ăn học. Ông nhớ lại: “Nuôi năm đứa con vô cùng khốn khó, lợn mình nuôi trong chuồng nhưng có phải của mình đâu? Đó là cứ đi vay tiền trang trải cuộc sống, còn nuôi lợn là để lấy đó đổi mà trả nợ”. Và thời đó mặc dù cắt tóc lấy tiền công khá rẻ, nhưng được cái tay nghề ông có uy tín, nên tương đối đông khách, cũng đem lại cho gia đình ông khoản thu nhập kha khá, đủ để trang trải cuộc sống.
Ông kể tiếp, vợ chồng ông sinh được 5 người con, cháu đầu là con gái, bốn cháu sau là con trai. Được cái ông bà khéo nuôi dạy, nên cả 5 người con đều học hành thành đạt. Cô con gái đầu học xong phổ thông rồi học nghề và lấy chồng yên bề gia thất. “Nó có cháu gọi bằng bà rồi đấy. Cánh mình lên chức cụ cả rồi, nhanh thật đấy”, ông cười cho biết. Người thứ hai là con trai, học xong đại học ở lại trường làm giảng viên Trường Đại học Công nghiệp. Người con thứ ba cũng trưởng thành, hiện là giảng viên Trường Đại học Công đoàn. “Vất vả nhất là cậu thứ tư. Cậu con trai này nhà tôi rất cá tính, thi đại học mấy năm đều đậu nhưng không nhập học, vì không đậu được vào trường ưa thích. Thi đến lần thứ ba mới đậu được vào trường kiến trúc. Học xong nay ra mở doanh nghiệp riêng”, ông Lừng kể. Cậu con trai út học kiến trúc nội thất ra trường đi làm được hai năm thì có trát gọi đi bộ đội. Trong quân ngũ, cậu được cấp trên yêu mến muốn nâng đỡ. Đơn vị định cho cậu đi học sĩ quan, nhưng nhiều lần thuyết phục, gia đình cũng động viên mà cậu kiên quyết từ chối. “Hiện cháu về làm việc ở doanh nghiệp của anh trai”, ông Lừng kết thúc.
Ngoài là nhà thơ, ông Ngô Viết Lừng còn là chủ tế ở đình làng. |
Nhà văn Lê Tự xen vào câu chuyện: “Về bác Lừng phải ghi nhận mấy điểm. Thứ nhất việc nuôi dạy các con rất bài bản theo phương pháp truyền thống. Thứ hai vợ chồng, gia đình rất hạnh phúc. Thứ ba dù có những lúc gia cảnh rất khó khăn, nhưng bằng nghề cắt tóc đã duy trì được kinh tế gia đình, nuôi dạy các con thành đạt. Đặc biệt ông là người yêu vợ”. Quả đúng là như vậy, hiện gia đình ông đã xây được nhà tầng. Ông cho biết, ông bà có bốn gian nhà cho thuê, dù chỉ là nhà cấp bốn tiền cho thuê cũng không nhiều lắm, nhưng đủ để ông bà chăm lo được ma chay, cưới hỏi.
Vậy ông đến với thơ như thế nào? Có được ai hướng dẫn hay được đào tạo trường lớp không? Ông cười nói, ông đến với thơ không được qua trường lớp nào, nhưng bù lại ông rất chăm đọc sách, đọc tất cả các sách Đông Tây, kim cổ. “Tôi học được từ sách rất nhiều, từ đó mới rút ra được nhiều điều, kết hợp với cảm xúc và những ghi nhận từ cuộc sống mà viết được thành thơ. “Rất ít nhà thơ làm thơ về vợ, nhưng ông Lừng đã làm tới hai bài”, nhà văn Lê Tự lại xen vào. Mọi người đề nghị ông đọc một bài thơ viết về vợ, ông chưa đọc ngay mà kể rằng vườn nhà ông có cây đào tuyết, ông cho rằng đó là hình tượng người vợ, nên lấy đó viết thành bài thơ. Ông lấy giọng rồi bắt đầu đọc: Hơn bốn mươi mùa xuân trước/ Vườn nhà đào bích nụ tươi/ Đón em đón mùa Xuân mới/ Em là mùa Xuân trong tôi (…) Em là mùa Xuân tân khách/ Thời gian chiu chắt dâng đời/ Đón em đón mùa Xuân mới/ Em là mùa Xuân trong tôi.
Ông cười nói, bài thơ này tôi lấy tựa đề là “Mùa Xuân tân khách”, có người thắc mắc, sao lại gọi là tân khách? Tôi phải giải thích rằng: “Các cụ xưa dạy “Phu Thê tương kính như tân”, nghĩa là chồng vợ tôn kính nhau như khách”. Họ nghe ra mới đăng cho bài thơ này. “Hiện tôi chính thức là hội viên Hội Nhà văn TP Hà Nội. Tôi làm đơn và họ xét các tập thơ tôi đã xuất bản, thấy rằng thơ của tôi cũng ổn, nên Hội Nhà văn TP Hà Nội mới công nhận và kết nạp tôi vào Hội”, ông Lừng cho biết.