Tấm gương “Gia đình văn hóa” tiêu biểu của NCT Thủ đô
Nhịp sống văn hóa 20/10/2023 18:26
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy phát biểu tại Hội thảo về xây dựng Gia đình văn hóa |
Phát biểu tại Hội thảo về “Gia đình văn hóa” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội NCT thành phố tổ chức, bà Quy xúc động nói: Người ta sinh ra ai cũng cần có tổ ấm gia đình. Đấy chính là cái nôi sinh thành của mỗi người, là nơi chúng ta được chăm sóc, nuôi dưỡng, lớn lên, được học hành, được vui chơi, được âu yếm vỗ về với đôi bàn tay thân thương của cha mẹ. Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người bởi mỗi người chúng ta đều chịu sự giáo dục, nuôi dưỡng của gia đình trước khi bước ra xã hội và ngưỡng cửa cuộc đời.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy sum họp trong dịp kỉ niệm 50 năm ngày cưới - đám cưới vàng của ông bà. |
Gia đình giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với xã hội, bởi thời nào cũng vậy, gia đình luôn là tế bào của xã hội, là nhân tố không thể thiếu trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Tế bào ấy có lành mạnh thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Muốn xây dựng một xã hội văn minh, phải bắt đầu từ công việc xây dựng nền nếp văn hóa gia đình. Thấy rõ vai trò to lớn của gia đình trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội mới, Ðảng và Nhà nước đã khẳng định xây dựng gia đình, xây dựng “Gia đình văn hóa” là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của thời đại.
Xây dựng “Gia đình văn hóa”, đời sống văn hóa cũng là một trong 5 nội dung quan trọng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Theo bà Quy, mỗi gia đình đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” thì tổ dân phố sẽ là Tổ dân phố văn hóa và các Tổ dân phố văn hóa sẽ chung sức cùng nhau xây dựng địa phương phát triển toàn diện, trở thành đô thị tiến bộ, văn minh. Như vậy, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đem lại hiệu quả thiết thực, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mở rộng ra nữa là của đất nước và cũng là động lực quan trọng để góp phần xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho từng hộ gia đình cũng như cả cộng đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy chúc mừng sinh nhật một thành viên trong gia đình |
Gia đình bà Quy với 3 thế hệ, 12 thành viên là con cháu, dâu rể cùng chung sống hạnh phúc, trong đó ông bà người thì đã 83 tuổi, người 75 tuổi. Là giáo viên nghỉ hưu từ nhiều năm, ông bà luôn nêu gương sáng về cách ứng xử trong gia đình, xã hội, về tinh thần rèn luyện sức khỏe, nhân cách lối sống trong sáng, lành mạnh để con cháu học tập, làm theo. Tuổi tác chênh lệch nhau, ngành nghề, công việc không ai giống ai, nếu không khéo sẽ nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn. Nhưng bà Quy, trong vai trò “người giữ lửa” đã luôn duy trì không khí vui vẻ, gắn kết trong gia đình với phương châm “tôn trọng - yêu thương - chia sẻ”. Theo bà, trong “tôn trọng” có “yêu thương - chia sẻ ” và trong “yêu thương - chia sẻ” có “tôn trọng”. Nhờ có “tôn trọng - yêu thương - chia sẻ” mà các thành viên trong gia đình luôn quan tâm, dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất.
Một buổi họp mặt của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy |
Từng gia đình nhỏ trong gia đình lớn hòa thuận, thủy chung, cùng nhau san sẻ công việc và trách nhiệm, chung tay để trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười, ấm áp yêu thương. Con cháu luôn biết nghe lời, hiếu thảo, lễ phép với ông bà, bố mẹ; biết quan tâm đến tuổi già của ông bà, luôn tạo điều kiện để ông bà tham gia các hoạt động xã hội, “sống vui - sống khỏe - sống có ích”. Còn ông bà tuy tuổi đã cao, nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn ham học hỏi, thường xuyên đọc sách, sử dụng thành thạo máy vi tính, mạng xã hội. Hiểu rõ con cháu đi làm rất vất vả, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, ông bà luôn có cách động viên, trợ giúp các con khi cần thiết, biết lắng nghe các con góp ý cho mình, dành các con quyền quyết định công việc gia đình một cách hợp lí. Các cháu cũng luôn được tôn trọng, được người lớn hỏi ý kiến, tham gia bàn bạc vào công việc gia đình tùy theo khả năng và nhận thức của con trẻ. Già, trẻ, lớn, bé trong nhà được đối xử bình đẳng, dân chủ nhưng vẫn giữ nền nếp gia phong, kỉ cương, trên kính dưới nhường.
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy (thứ hai từ phải sang) cùng con gái và 2 con dâu |
Sự tôn trọng và tình yêu thương tạo sự gắn kết và niềm vui trong gia đình. Cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, đại gia đình lại tụ hội, quây quần bên mâm cơm ấm cúng, cùng sẻ chia vui buồn, cùng giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn trong cuộc sống. Các thành viên trong gia đình đều nhớ ngày sinh và tổ chức mừng sinh nhật cho nhau. Tổng kết năm học, các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập đều được nhận phần thưởng của ông bà, bố mẹ. Sáng mùng Một Tết, sau khi quần áo chỉnh tề, các thành viên trao quà lì xì và những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới. Trong những kì cuộc vui của gia đình, ông bà nhắc các con dâu, rể mời cả hai bên phụ huynh, thông gia cùng tham dự, tạo mối quan hệ thân thiết chân tình. Từ đó, các con càng có ý thức hơn trong việc chăm sóc “tứ thân phụ mẫu”, các cháu thì biết yêu quý, coi trọng ông bà, không phân biệt nội - ngoại. Các con cháu không chỉ yêu thương nhau trong phạm vi anh chị em ruột thịt mà còn quan tâm tới cả anh chị em họ hàng.
Ba bà cháu sinh cùng ngày được chúc mừng sinh nhật |
Song, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả. Trong nhà cũng có khi xảy ra chuyện bất đồng, tranh cãi. Nhưng “người trong cuộc” thì tuyệt đối không nặng lời, xúc phạm nhau, “người ngoài cuộc” thì hết sức tránh “lửa cháy đổ thêm dầu” mà cố gắng hòa giải, lấy lại bình tĩnh cho đôi bên để làm nguội bớt sự nóng giận và rồi mỗi người tự xem lại mình để tự điều chỉnh mình. Bà Quy cho rằng, muốn tạo dựng được những điều tốt đẹp trong gia đình thì bậc làm ông bà, cha mẹ phải làm gương trước cho con cháu noi theo, gương mẫu trong cách sống, trong cách cư xử, trong làm việc, học tập, trau dồi chuyên môn, trong sự nỗ lực vươn lên… mà trước hết là phải nghiêm khắc với chính mình.
Có được một gia đình văn hóa là do sự nỗ lực của tất cả các thành viên trong gia đình xây dựng nên mà trước hết là xây dựng được nếp sống văn hóa, cách ứng xử văn hóa trong gia đình. Người người văn hóa, nhà nhà văn hóa là góp phần xây dựng một đất nước văn hóa, văn minh tiến bộ, phồn vinh và trường tồn. Những “Gia đình văn hóa” tiêu biểu như gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy là bông hoa đẹp trong vườn hoa văn hóa Thủ đô cần tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa…