Sử dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất
Nghiên cứu - Trao đổi 11/01/2022 10:00
Giảm chi phí
Khu vực cặp chân núi Dài, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang từ khi chuyển mạnh sang trồng xoài, sầu riêng, bơ… đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho nông dân cao tuổi, trong đó chủ lực là cây xoài. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn do thiếu nước và chi phí thuê nhân công tưới. Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT tỉnh thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều NCT xã đã đối ứng tham gia mô hình tưới nhỏ giọt trên cây xoài bằng năng lượng mặt trời.
Ông Bùi Văn Quý, 62 tuổi cho hay: “Mô hình giúp tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, giảm 67% chi phí công tưới, tiết kiệm 62,5% thời gian tưới so với phương pháp tưới thủ công”. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, mô hình này cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, có thể nhân rộng, đặc biệt phù hợp với các địa phương thường xuyên thiếu nguồn nước sản xuất như vùng Bảy Núi.
Nông dân chăm sóc sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |
Tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới và xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, nông dân được Sở NN&PTNT hỗ trợ tham gia mô hình trồng cây dâu tằm ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái. Theo đó, nông dân ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân tự động, giảm được lượng nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu và nhân công.
Ở vùng chưa có điện lưới của xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, nhiều nông dân cao tuổi thực hiện thành công mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng điện thoại thông minh kết hợp hệ thống pin năng lượng mặt trời cho cam, quýt. Mô hình giúp giảm 66,7% chi phí tưới (giảm thuê công lao động, rút ngắn thời gian tưới), tiết kiệm 31,2% lượng nước tưới.
Ứng dụng trên nhiều lĩnh vực
Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, công nghệ sấy nông sản… cũng có thể sử dụng năng lượng mặt trời. Ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, mô hình ứng dụng hệ thống làm mát trong chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học giúp tăng hiệu quả đáng kể. Nhờ sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, chủ trang trại nuôi gà đầu tư hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà trang trại, ứng dụng hệ thống làm mát kết hợp với chuồng trại bảo đảm, giảm tối đa tỉ lệ hao hụt, tỉ lệ sống đạt 98%, kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm chi phí thuốc thú y, công chăm sóc, tăng lợi nhuận 31% so với nuôi truyền thống.
Trong lĩnh vực thủy sản, mô hình “Ứng dụng công nghệ IOT và nuôi lươn thương phẩm mật độ cao” tại huyện Chợ Mới được triển khai năm 2020. Nông dân thực hiện trên 24 bể nuôi lươn (2m2/bể), mật độ nuôi 1.000 con/bể. Sau 8 tháng, thu hoạch 2,5 tấn lươn.
Tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới và xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, mô hình nuôi thủy sản đa con ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả tốt. Sau 9 tháng nuôi, với 3.000m2, ao thu được 25.000 con cá mè hôi giống, 2,24 tấn cá chạch lấu, 800kg cá heo nước ngọt. Trừ chi phí, lợi nhuận ước đạt 365 triệu đồng và sau 1 năm có thể thu hồi vốn đầu tư.
Với những lợi ích kinh tế hiển nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng cần được hỗ trợ nhân rộng.