Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh rèn luyện lực lượng để Cách mạng tháng Tám thắng lợi
Nghiên cứu - Trao đổi 19/12/2023 16:03
Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm 1930, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng, Nhân dân lao động trong cả nước đã dấy làn làn sóng đấu tranh dân tộc và dân chủ mạnh mẽ. Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, sự vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân mít-tinh biểu tình kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân và lao động thế giới.
Đặc biệt là ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở Nghệ An, tại ngã ba Vinh- Bến Thủy có một nhà ga xe lửa lớn, một nhà máy điện, một nhà máy diêm, 5 nhà máy cưa, 2 xưởng sửa chữa ô tô và một vài xưởng nhỏ, tất cả có 4.000 công nhân. Đời sống công nhân ở đây rất cực khổ. Nông dân bị sự bóc lột tận xương tủy của thực dân phong kiến thường xuyên đói khát, khổ sở. Vào ngày 1/5/1930, ở Vinh-Bến Thủy (Nghệ An), dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An, hơn 1.000 nông dân các làng xã gần thành phố như Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, An Hậu, Đức Hậu đã hàng ngũ chỉnh tề kéo vào Trường Thi-Bến Thủy để cùng với công nhân tổ chức một cuộc biểu tình chung. Khẩu hiệu đấu tranh của công nhân và nông dân là “Ngày làm 8 giờ”, “Tăng tiền lương”; “bỏ sưu”, “giảm thuế”.
Theo kế hoạch, đoàn biểu tình sẽ tuần hành thị uy từ Bến Thủy qua phố chính, rồi kéo đến tòa công sứ Vinh để đưa bản yêu sách. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hát Quốc tế ca và hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Sợi Nam Định”; “Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”; “Bảo vệ Liên Xô”… Bọn cầm quyền Pháp đã đưa hàng trăm lính đến ngã ba Bến Thủy để chặn đoàn biểu tình lại, nhưng anh em binh lính không tuân theo mệnh lệnh đàn áp của bọn chỉ huy Pháp, không bắn vào đoàn biểu tình. Báo Người lao khổ, cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ viết: “Thật là lần đầu tiên ở Việt Nam, công nông binh gặp nhau giữa trận tiền”. Chính quyền thực dân sau đó ra lệnh thẳng tay đàn áp. Chúng huy động binh lính đến bắn vào đoàn biểu tình, nhưng anh em binh sĩ người Việt chống lệnh của bọn chỉ huy Pháp không bắn vào đồng bào mình. Mặc dù vậy, bọn giám binh, chánh mật thám tỉnh, bọn chủ người Pháp đã tức tối bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và 18 người bị thương.
Trong khi làn sóng đấu tranh của quần chúng đang dâng lên ở thành phố Vinh - Bến Thủy, 3.000 nông dân tập trung tại đình làng Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) tổ chức mít tinh, biểu tình vào đồn điền của tên kí Viễn đòi trả lại ruộng đất và con đường giao thông độc đạo hắn đã lấn chiếm của dân. Tên Kí Viễn phải bỏ trốn. Đang lúc ngọn lửa căm thù bốc cao, quần chúng tự động đốt phá dinh cơ của tên Kí Viễn và tự thực hiện các yêu sách của mình. Đến ngày 4/5/1930, thực dân Pháp mới dám tập trung binh lính đến đàn áp. 17 nông dân đã hi sinh và một số khác bị thương. Điều mà Nhân dân Hạnh Lâm và các vùng lân cận khác tự hào mãi mãi là tên tư sản mại bản kiêm địa chủ Kí Viễn đã phải từ bỏ Hạnh Lâm và cả Thanh Chương không dám trở lại.
Từ phong trào cách mạng được mở đầu bằng cuộc biểu tình Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân thuộc 5 xã ven TP Vinh, đến tháng 8/1930 ở vùng Nghệ Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân, trong đó đáng chú ý là cuộc bãi công kéo dài của công nhân Nhà máy Diêm đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thủy. Tất cả những sự kiện đó đã tạo ra tiền đề cho cao trào cách mạng từ tháng 8/1930 đến tháng 6/1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Run sợ trước sức tiến công mãnh liệt của cách mạng, thực dân Pháp và tay sai quyết dìm phong trào Xô Viết trong biển máu. Trận ném bom dã man xuống đoàn biểu tình của 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên ngày 12/9/1930, cướp đi sinh mạng của 217 người, làm bị thương 125 người. Ngay sau đó, Tỉnh ủy Nghệ An phát động phong trào chống khủng bố trắng. Tối ngày 12/9, Huyện ủy Nam Đàn lãnh đạo hàng nghìn nông dân nổi trống mõ, biểu tình đến huyện lị.
Theo thống kê, trong tháng 8 và tháng 9/1930, những cuộc đấu tranh ở Nghệ An và Hà Tĩnh có tính chất bạo động và có đến 40.000 quần chúng tham gia, gây chấn động trong cả nước và trên thế giới. Nhân dân hai tỉnh đã đốt huyện đường, phá nhà lao. Hệ thống chính quyền của thực dân, phong kiến bị tê liệt, một số tan rã. Chính quyền Xô viết đầu tiên được hình thành hàng loạt tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh - Bến Thuỷ, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hưng Nguyên...
Các chính quyền Xô viết đã ban hành nhiều chính sách mới về chính trị, kinh tế, văn hóa. Về chính trị, Nhân dân được quyền tự do hội họp, thảo luận và hoạt động trong các tổ chức đoàn thể như Nông hội, Công hội, Đoàn thanh niên cộng sản… Về kinh tế, Nhân dân được chia ruộng, bãi bỏ các thứ thuế vô lí, bất công, thực hiện giảm tô và xóa nợ cho dân nghèo, đồng thời đòi yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu. Về văn hóa, chính quyền cách mạng đã tổ chức đời sống mới, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ, xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ bọn thực dân còn rất mạnh nên Xô viết Nghệ - Tĩnh đã bị bọn thực dân và tay sai đàn áp và dìm trong biển máu. Trong những tháng đầu năm 1931, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn và tổn thất nặng vì nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng ở Nghệ - Tĩnh bị địch bắt. Phong trào đấu tranh của quần chúng dần dần lắng xuống và các Xô viết lần lượt bị giải tán trong tháng 6/1931. Cuối năm 1931, một số cuộc mít tinh và biểu tình nhỏ của quần chúng còn nổ ra ở một số xã và việc rải truyền đơn và treo cờ đỏ còn kéo dài đến năm 1932. Một số cán bộ và đảng viên còn lại vẫn kiên trì hoạt động trong quần chúng.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.