Phiên tòa phúc thẩm cần xem xét, xét xử khách quan toàn diện (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 19/04/2021 09:53
Thứ nhất, cần khẳng định rằng tờ “Sơ đồ chia đất cho các con” do ông Nguyễn Hữu Phước trình ra là không có giá trị pháp lí. Bởi lẽ, một mình ông Phước tự vẽ, tự kí, tự đứng ra phân chia đất. Trong khi ông Phước chỉ là 1 trong 10 người con của cụ Dân và cụ Đối. Mặt khác, cụ Nguyễn Văn Dân, sinh năm 1902, mất 1996 và vợ là cụ Hồ Thị Đối, sinh năm 1907, mất 1992. Tại thời điểm năm 1992 lập “Sơ đồ chia đất”, thì cụ Dân đã 90 tuổi và cụ Đối đã 85 tuổi, cả hai cụ đều đã bị lẫn nằm một chỗ (theo xác minh trả lời của các con cháu cụ và trả lời của ông Nguyễn Văn Đường, nguyên Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng uỷ xã Bình Thạnh).
Mặt khác, tờ “Sơ đồ chia đất cho các con” lại được ông Nguyễn Văn Tồn, Trưởng ấp Thạnh Lại kí xác nhận trước đó 2 năm (21/4/1990). Nghĩa là ông Tồn “tiên tri” trước ý đồ chiếm đoạt đất của ông Phước nên đã kí xác nhận trước đó 2 năm (khi chưa có tờ “Sơ đồ chia đất cho các con” ra đời). Vậy mà 19 năm sau (tức vào ngày 19/3/2009), Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, ông Nguyễn Thanh Hoàng kí tên đóng dấu xác nhận chữ kí của ông Tồn, Trưởng ấp!? Tuy nhiên, các vị đại diện Viện KSND huyện và tỉnh tại hai phiên toà nêu trên vẫn công nhận “Sơ đồ chia đất cho các con” do ông Phước trình ra là hợp pháp(!?) Trong khi, Hội đồng xét khiếu tố tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai của huyện Thạnh Phú đã bác bỏ tờ di chúc giả này.
Thứ hai, cả 2 cấp toà đều “xa lánh hiện trường” không chịu xác minh cụ thể. Vợ chồng cụ Dân và cụ Đối tạo lập được tất cả 90 công đất (9 ha). Năm 1990, khi cha mẹ già yếu, ông Phước đã bán hết 30 công. Vậy mà cả 2 cấp toà đều khẳng định chỉ có 40 công đất? Do UBND huyện Thạnh Phú cấp sổ đỏ không có bản vẽ sơ đồ thửa đất kèm theo, dẫn đến sai cả về hình thể và vị trí thửa đất mà gia đình ông Trương Gia Toàn đang sử dụng. Ông Toàn đã đề nghị UBND xã Bình Thạnh và UBND huyện điều chỉnh lại sơ đồ và sổ đỏ. Vậy mà, vị đại diện Viện KSND tỉnh tại phiên toà phúc thẩm cho rằng, hai bên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng hoạ đồ!?
Thứ ba, ông Nguyễn Hữu Phước (em vợ) đổi đất cho ông Trương Gia Toàn (anh rể) để ông Phước có đất liền kề ranh đào ao nuôi tôm. Việc hai bên thoả thuận hoán đổi đất này có sự chứng kiến của chính quyền xã và đã được chính quyền địa phương từ ấp tới xã ghi nhận, lập biên bản, tổ chức đo đạc vào ngày 29/4/1996. Hiện trạng ranh đất và các trụ ranh vẫn còn giữ nguyên hiện trạng từ 1996 đến nay. Vậy mà khi ông Phước kiện đòi ông Toàn trả lại phần đất đã hoán đổi, nhưng ông Phước không trả lại phần đất của ông Toàn đã hoán đổi cho ông Phước đào ao!?
Thứ tư, Hội đồng xét xử và đại diện Viện KSND từ huyện tới tỉnh trong 2 phiên toà nêu trên đều cố tìm cách lật ngược vụ việc, lật ngược những tài liệu, chứng cứ có giá trị pháp lí của các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ngược lại, những chứng cứ giả mạo thì được Hội đồng xét xử và vị đại diện Viện Kiểm sát công nhận, sử dụng để bác phản tố của phía bị đơn!? Cụ thể, nội dung Báo cáo số 46/BC-PTN&MT ngày 30/7/2009 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạnh Phú về kết quả thẩm tra xác minh, đơn xin yêu cầu điều chỉnh lại bản đồ dãy thửa đất của ông Trương Gia Toàn khẳng định: “Về Tông chi của ông Nguyễn Văn Dân và bà Hồ Thị Đối lập ngày 7/11/1992, để phân chia đất cho các con, được ông Nguyễn Văn Tồn thay mặt chính quyền ấp Thạnh Lại xác nhận vào ngày 21/4/1990 (trước ngày lập sơ đồ tông chi 2 năm). Qua xác minh thì ông Nguyễn Văn Tồn cho rằng ông không chứng kiến việc ông Dân và bà Đối lập Tông chi mà ông cũng không nhớ ai đem đến nhà nhờ ông xác nhận dùm. Mặt khác, phần đất ông Trương Gia Toàn sử dụng được UBND xã Bình Thạnh cấp vào năm 1991, vì vậy Tông chi trên không có cơ sở”.
Tại Biên bản số 22/BB-UBND họp Hội đồng xét khiếu tố của UBND huyện Thạnh Phú ngày 16/9/2009, với 30 thành phần đại diện chính quyền các cấp và các cơ quan có thẩm quyền tham dự, trong đó có Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND huyện tham dự, đã kết luận: “Đồng ý điều chỉnh lại bản đồ dãy thửa của hộ ông Trương Gia Toàn, theo Biên bản đo đạc ngày 29/4/1996 của UBND xã Bình Thạnh và hiện trạng sử dụng đất hiện nay. Giao cho UBND xã Bình Thạnh lập thủ tục điều chỉnh theo quy định pháp luật”. Những căn cứ và tư liệu có giá trị pháp lí này đều bị Toà và Viện bác bỏ hết. Họ chỉ lấy tờ “Sơ đồ chia đất cho các con” do ông Phước tự trình ra để làm căn cứ phán quyết.
Thứ năm, bà Bùi Thị Tàng, sinh năm 1948 (chị dâu của ông Phước), thuộc hộ nghèo, chồng bỏ nhà đi theo vợ bé, cha mẹ chồng cho 5 mẹ con bà 4.140m2 đất ruộng. Ngoài ra, mẹ con bà Tàng cũng không có tiền để mua thêm một tấc đất nào khác. Vậy mà trong sổ đỏ của bà Bùi Thị Tàng được cấp năm 1995, bỗng dưng xuất hiện thêm diện tích: 15.378m2 thuộc 7 thửa đất. Trong đó có thửa 370 có diện tích 375m2 đất thổ cư. Diện tích trong 6 thửa còn lại đều là đất trồng cây lâu năm. Khi hỏi về chuyện lạ “đất đẻ ra đất”, ông Trương Quốc Huân cho biết, số diện tích đất tăng đột biến trong sổ đỏ của bà Tàng lên đến: 11.238m2 (15.378m2 - 4.140m2) là do thời điểm trước đây ông Phước làm Tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Ông Phước đã chiếm dụng đất của một số hộ dân nghèo xung quanh rồi kết hợp với cán bộ địa chính lập hồ sơ chuyển diện tích sang “trú ẩn” trong sổ đỏ của bà Tàng. Nay số diện tích 11.238m2 đất của bà Tàng đã bị cắt “hộ khẩu” trở về “nhập khẩu” trong sổ đỏ của ông Phước, dưới hình thức “bà Tàng bán đất cho ông Phước”. Ông Huân rất bức xúc, tỏ thái độ kiên quyết, sẽ gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an, yêu cầu ông Phước phải trả lại số diện tích đất này cho Nhà nước phân chia cho các hộ nghèo. Ông Huân cho rằng, khu đất xéo của bà Tàng không tự nhiên lồi ra mà cũng không tự nhiên lõm đi. Tại sao ông Phước lại có quyền di chuyển một diện tích đất khổng lồ nằm trong 6 thửa với 11.238m2 trong sổ đỏ bà Tàng về sổ đỏ nhà ông? Chỉ cần các cơ quan bảo vệ pháp luật hỏi bà Tàng nguồn gốc đất bà mua ở đâu là sáng tỏ ngay. Tuy nhiên, Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử Toà phúc thẩm lần 1 và Tòa sơ thẩm lần 2 đều khẳng định: “Đất ông Phước mua của bà Tàng là hợp pháp”!? (Còn nữa)
Phiên tòa phúc thẩm cần xem xét, xét xử khách quan toàn diện
Đất cha mẹ để lại cho 10 người con, khi cha mẹ không còn minh mẫn, người con trai út giả mạo giấy tờ, tự ... |