Phiên tòa phúc thẩm cần xem xét, xét xử khách quan toàn diện
Pháp luật - Bạn đọc 16/04/2021 10:00
Kì 1: Luật quy định một đường, Toà phán quyết một nẻo?
Nội dung vụ việc.
Cụ Nguyễn Văn Dân và vợ là cụ Hồ Thị Đối có 10 người con, tạo lập được 90 công đất (90.000m2) ở xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú. Năm 1976, vợ chồng cụ Dân cho: Vợ chồng người con gái là bà Nguyễn Thị Ất và chồng là ông Trương Gia Toàn 12.400m2 đất ruộng; cho bà Nguyễn Thị Út 5.000m2; ông Nguyễn Văn Trương 6.000m2; bà Nguyễn Thị Tàng (con dâu thứ 9) 4.100m2. Số còn lại hơn 60.000m2, vào thời điểm 1990, khi cụ Dân, cụ Đối già yếu, ông Nguyễn Hữu Phước, con trai út đã bán khoảng 30.000m2 bỏ túi riêng. Số diện tích đất còn lại ông Phước chiếm đoạt hết.
Riêng phần đất 12.400m2, vợ chồng cụ Dân cho vợ chồng bà Ất, ông Toàn, vào thời điểm 1982 - 1983, bà Ất, ông Toàn trồng dừa 5.400m2; còn 7.000m2 đất ruộng đưa vào Tập đoàn sản xuất. Sau khi tập đoàn giải thể, lẽ ra 7.000m2 đất ruộng phải trả về chủ cũ là bà Ất, ông Toàn, nhưng diện tích đất trên lại bị ông Phước chiếm. Ngày 21/4/1995, gia đình ông Toàn, bà Ất được UBND huyện Thạnh Phú cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu với diện tích chỉ có 2.700m2 thuộc thửa 1136. Vì phần đất 5.400m2 đất trồng dừa không đưa vào tập đoàn sản xuất, mà chỉ được cấp sổ đỏ 1/2 diện tích. Gia đình ông Toàn không đồng ý với sổ đỏ này, nên có đơn yêu cầu UBND xã Bình Thạnh đến đo đạc, lập biên bản tại chỗ vào ngày 29/4/1996. Đến năm 1999, UBND huyện cấp sổ đỏ lần 2 có diện tích 5.400m2 thuộc 2 thửa: 1136 và 1137, tờ bản đồ số 01. Do sơ suất của cơ quan có thẩm quyền khi cấp chủ quyền không trích lục vị trí thửa đất kèm theo nên gia đình ông Toàn không biết đất của gia đình mình nằm ở vị trí nào. Năm 2009, gia đình ông Toàn có đơn yêu cầu UBND xã Bình Thạnh điều chỉnh lại vị trí thửa đất cho phù hợp với hiện trạng đang sử dụng. Tại thời điểm đó, ông Phước cũng đồng ý chấp nhận việc UBND xã đo đạc điều chỉnh thửa ruộng cho phía ông Toàn, bà Ất. Ông Toàn cũng gửi đơn yêu cầu UBND huyện giải quyết việc điều chỉnh này. Theo Báo cáo số 46/BC-PTN&MT của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạnh Phú xác định: “Bản tông chi phân chia đất” ngày 7/11/1992 của ông Phước trình ra là trái pháp luật. Trong nội dung báo cáo này cũng thể hiện việc Hội đồng giải quyết đất đai của huyện cũng công nhận Biên bản ngày 29/4/1996 của UBND xã Bình Thạnh. Mặt khác, trong quá trình hoà giải tại TAND huyện Thạnh Phú, ông Phước cũng thừa nhận ông tự nguyện thoả thuận và thống nhất với ông Toàn về việc điều chỉnh hiện trạng đất và đã chấp nhận kí tên vào Biên bản.
Ao nuôi tôm công nghiệp của gia đình ông Nguyễn Hữu Phước. |
Đến ngày 11/9/2009, UBND huyện Thạnh Phú đã có cuộc họp liên ngành của Hội đồng xét khiếu tố đã đi đến kết luận, thống nhất điều chỉnh lại bản đồ thửa đất theo hiện trạng sử dụng đất cho gia đình ông Toàn đúng theo Biên bản ngày 29/4/1996 của UBND xã Bình Thạnh lập. Đồng thời, giao cho UBND xã Bình Thạnh lập thủ tục điều chỉnh theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng nội dung Báo cáo số 22/BC-UBND ngày 16/9/2009 của UBND huyện Thạnh Phú. Đến thời điểm này thì ông Phước lại “quay ngoắt” không đồng ý cho UBND xã Bình Thạnh thực hiện thủ tục điều chỉnh thửa ruộng. Ông Phước gửi đơn khởi kiện ra Tòa, buộc gia đình ông Toàn, bà Ất (anh rể và chị gái) trả lại 1.293m2 đất cho ông Phước.
Bội tín trong thoả thuận đổi đất?
Trên thực tế, ngày 29/4/1996, ông Phước đã kí Biên bản thoả thuận đổi một phần diện tích đất cho gia đình ông Toàn, bà Ất để dồn về một vị trí, phía đất ông Phước cũng liền ranh về một chỗ để đào ao nuôi tôm công nghiệp. Nay, ông Phước lại khởi kiện đòi lại đất của ông đã hoán đổi mà không đề cập đến chuyện trả lại phần đất của ông Toàn đã hoán đổi cho ông đào ao nuôi tôm!?.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 29/2012/DS-ST ngày 9/4/2012 của TAND huyện Thạnh Phú, do Thẩm phán Cao Thanh Minh làm chủ toạ tuyên: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Phước và các thành viên trong gia đình buộc gia đình ông Trương Gia Toàn phải giao trả lại diện tích đất: 1.293m2 tại một phần thửa 1135, tờ bản đồ số 01, toạ lạc tại ấp Thạnh Lại, xã Bình Thạnh.
Đây là một bản án tuyên xử áp dụng đúng đắn các quy định của pháp luật được người dân và chính quyền địa phương các cấp cũng như dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Không đồng tình với án sơ thẩm, ông Phước có đơn kháng cáo. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 76/2012/DS-PT ngày 20/6/2012 của TAND tỉnh Bến Tre tuyên lật ngược toàn bộ bản án xét xử của Toà sơ thẩm.
Khi được cha mẹ uỷ quyền thực hiện các công việc liên quan đến vụ kiện. Vì thuộc diện hộ nghèo, ông Trương Quốc Huân (con trai ông Toàn, bà Ất) đã được nhiều luật sư tư vấn miễn phí, hướng dẫn ông Huân gửi đơn đến TAND Tối cao khiếu nại Bản án phúc thẩm nêu trên của TAND tỉnh Bến Tre.
Ngày 27/5/2015, Chánh án TAND Tối cao kí Kháng nghị Giám đốc thẩm số 150/2015/ KN-DS đề nghị Toà dân sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ 2 bản án dân sự sơ và phúc thẩm nêu trên.
Tại Bản án Giám đốc thẩm số 19/2016/DS-GĐT ngày 23/1/2016 của Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên: “Chấp nhận Kháng nghị số 150/2015/KN-DS ngày 27/5/2015 của Chánh án TAND Tối cao. Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 76/2012/DS-PT ngày 20/6/2012 của TAND tỉnh Bến Tre và Bản án dân sự sơ thẩm số 29/2012/DS-ST ngày 9/4/2012 của TAND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre... giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.
Ngày 5/4/2018, Chủ toạ phiên toà sơ thẩm lần 2, thẩm phán Nguyễn Thị Thuỷ Tiên kí Quyết định số 15/2018/QĐST-DS về việc “tạm ngừng phiên toà” để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Chờ đợi mòn mỏi 3 năm, đến ngày 19/1/2021, TAND huyện Thạnh Phú mới đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm lần 2. Lần này, Chủ toạ phiên toà và các Hội thẩm nhân dân đều bị thay thế hết. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DS-ST của TAND huyện Thạnh Phú do Thẩm phán Đặng Văn Phương làm chủ toạ đã kết hợp với vị đại diện của Viện KSND huyện tuyên theo “yêu cầu và sở thích” của người làm giả “Tờ Tông chi” trái pháp luật để bảo vệ những hành vi giả tạo “di chúc” của ông Nguyễn Hữu Phước. Điều đáng nói là ở bản án sơ thẩm lần 2 này, Hội đồng xét xử đã “tả cảnh” vòng vo hết 15 trang giấy nhưng những nhận định của Hội đồng xét xử và của đại diện Viện KSND huyện đều trái với những gì xảy ra trong thực tế của vụ việc. (Còn nữa)