Những tháng năm nghiệt ngã của ngành du lịch toàn cầu
Du lịch 20/07/2021 15:55
Du lịch toàn cầu có thể mất đi 2,4 nghìn tỉ USD năm 2021. Trong đó, các nước có mức giảm GDP do sụt giảm ngành Du lịch vì đại dịch Covid-19 cao nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ (- 9,1%), Ecuador (- 9%), Nam Phi (-8,1%), Ireland (- 5,9%).
Du lịch thế giới chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 |
Du lịch thế giới chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19
Trước đó, tháng 7.2020, UNCTAD dự báo, thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài từ 4 đến 12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 1,2 nghìn tỉ usd đến 3,3 nghìn tỉ usd. Tuy nhiên trên thực tế, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra còn nặng nề hơn dự kiến rất nhiều. Thời gian đình trệ đã kéo dài 15 tháng và chưa biết đến bao giờ mới dừng lại; lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm khoảng 1 tỉ lượt khách, tương đương với con số giảm 73% so với năm 2019.
Du lịch toàn cầu, ở cả các nước phát triển và đang phát triển đều phải chịu tác động khủng khiếp của đại dịch, ước tính lượng khách đến du lịch giảm từ 60- 80%. Báo cáo của Liên hiệp quốc cũng cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỉ lượt, tương đương giảm 73% trong năm 2020, trong khi trong quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm đã là 88%. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á; trong khi những khu vực bị ảnh hưởng ít hơn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Caribe.
Việc thiếu vắcxin ở nhiều quốc gia, phân bổ vắcxin “bất đối xứng” đã khiến các quốc gia đang phát triển bị tổn thương khi nền kinh tế bị “giáng đòn” vào ngành du lịch. Các chuyên gia kinh tế dự báo, có thể chiếm tới 60% thiệt hại GDP toàn cầu.
Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới Zurab Pololikashvili cho rằng, “Du lịch là cứu cánh cho hàng triệu người và việc thúc đẩy tiêm chủng vắcxin để bảo vệ cộng đồng và hỗ trợ khởi động lại an toàn du lịch là rất quan trọng để phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi mà phần đông trong số đó phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế”
Bức tranh u ám của ngành Du lịch toàn cầu hơn 1 năm nay |
Bức tranh u ám của ngành Du lịch toàn cầu hơn 1 năm nay
Bà Isabelle Durant, Quyền Tổng thư ký Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển kêu gọi: “Thế giới cần một nỗ lực tiêm chủng toàn cầu để bảo vệ người lao động, giảm thiểu các tác động xã hội bất lợi và đưa ra các quyết định chiến lược liên quan đến du lịch, có tính đến những thay đổi cơ cấu tiềm năng”.
Việc hạn chế đi lại vì đại dịch Covid-19, khiến cho ngành Du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong đó châu Á- Thái Bình Dương là khu vực có ngành Du lịch thiệt hại nặng nhất trong năm 2020, với GDP ngành giảm 53,7% (- 1.645 tỉ usd), số việc làm giảm 18,4% (- 34,1 triệu việc làm) so với năm 2019; châu Âu đứng thứ 2 với GDP ngành giảm 51,4% (tương đương – 1.126 tỉ usd), việc làm giảm 9,3% (-3,6 triệu việc làm).
Những kịch bản buồn của ngành Du lịch
Theo các chuyên gia kinh tế và du lịch, có 3 kịch bản có thể xảy ra cho ngành Du lịch trong năm 2021, trong đó bi quan nhất là lượng khách quốc tế có thể giảm đến 75%. Nếu rơi vào kịch bản này, doanh thu từ khách du lịch toàn cầu giảm xuống gần 950 tỉ USD, sẽ gây ra thiệt hại về GDP thực tế là 2,4 nghìn tỉ USD.
Với kịch bản thứ hai, lượng khách du lịch quốc tế có thể giảm 63%. Trong khi đó, kịch bản thứ ba xem xét tỉ lệ khác nhau của du lịch trong nước và khu vực. Kịch bản này giả định mức giảm 75% du lịch ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp và giảm 37% ở các nước có mức độ tiêm chủng tương đối cao, chủ yếu là các nước phát triển và một số nền kinh tế nhỏ hơn.
Bà Zoritsa Urosevic, đại diện UNWTO tại Geneva cho biết: “Du lịch quốc tế đã trở về mức của 30 năm trước, nhiều sinh kế đang thực sự bị đe dọa”. Có thể nói, đây là quãng thời gian nghiệt ngã nhất của ngành Du lịch toàn cầu khi mọi chỉ số đều bị kéo về mức hàng mấy thập kỷ trước
Có thể du lịch sẽ phục hồi nhanh hơn ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, cho đến năm 2023 hoặc muộn hơn, lượng khách du lịch quốc tế sẽ không trở lại mức trước đại dịch do các rào cản như hạn chế đi lại, công cuộc ngăn chặn virus chậm, niềm tin của khách du lịch thấp và môi trường kinh tế kém.
Dựa trên phân tích tình hình thực tế (không bao gồm các chương trình kích cầu và chính sách hỗ trợ), du lịch vẫn được dự kiến sẽ thất thu từ 1,7- 2,4 nghìn tỉ usd dù du lịch có phục hồi trong nửa cuối năm nay đi chăng nữa.
Nhiều điểm đến hấp dẫn vắng khách |
Xu hướng du lịch thay đổi sau đại dịch Covid-19
Theo một cuộc khảo sát gần đây của UNWTO, các chuyên gia du lịch vẫn thận trọng trong triển vọng của ngành Du lịch, với đa số không cho rằng lĩnh vực này có thể phục hồi về mức trước đại dịch trước năm 2023. Cụ thể, 49% chuyên gia cho cho rằng ngành Du lịch toàn cầu chỉ có thể phục hồi từ năm 2024; 36% tin là ngành Du lịch sẽ trở lại mức trước đại dịch từ năm 2023 và 14% cho rằng du lịch phục hồi năm 2022, 1% các chuyên gia tin vào điều không tưởng là ngành Du lịch phục hồi năm 2021.
Ở Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Ngành Du lịch đã sang năm thứ 2 đối mặt với những khủng hoảng do Covid-19 gây ra, hậu quả vẫn vô cùng nặng nề. Nhiều địa phương phải nhiều lần công bố có dịch, dừng các hoạt động không thiết yếu, nhiều sự kiện, lễ hội phải hủy bỏ, nhiều khu, điểm tham quan, du lịch đóng cửa, nhiều tour du lịch phải hủy... Hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã phải dừng hoạt động, các cơ sở dịch vụ du lịch phải tạm nghỉ, giãn nhân công, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp. Toàn ngành Du lịch lâm vào tình trạng rất khó khăn”.
6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam chưa có; khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt khách, trong đó có 15,8 triệu lượt khách lưu trú (giảm 33% so với thời điểm trước dịch-cùng kỳ năm 2019); tổng thu từ khách du lịch đạt 134 nghìn tỉ đồng (giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020). Hiện nay với việc tiêm vắcxin mở rộng toàn dân, ngành Du lịch hi vọng có thể sớm thí điểm mở cửa trở lại khách quốc tế (trước tiên là đón khách tại Phú Quốc, Kiên Giang) với việc áp dụng hộ chiếu vắcxin và thúc đẩy thị trường trong nước khi dịch được kiểm soát tốt.