Những tác phẩm nghệ thuật về “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Văn hóa - Thể thao 05/07/2024 10:08
Ngày 17/12/1993, Chủ tịch nước kí quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” đợt đầu cho 19.879 bà mẹ tiêu biểu: Mẹ Nguyễn Thị Thứ, ở Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có 9 con đẻ, 1 con rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Mẹ Phạm Thị Ngư ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Mẹ Trần Thị Mít, ở Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có 9 con là liệt sĩ; Mẹ Nguyễn Thị Rành, ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Mẹ Nguyễn Thị Dương, ở Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có 5 người con là liệt sĩ (3 người con còn sống là Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy);...
“Bà mẹ VNAH” trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; đồng thời trở thành nguồn cảm hứng lớn của sáng tác văn học nghệ thuật. Họa sĩ Đặng Ái Việt (sinh năm 1948), người con miền sông nước Tiền Giang. Từ năm 2010, bà thực hiện dự án “Nét vẽ tri ân”. Bằng chiếc xe máy Charly, vượt qua 30.000 cây số, rong ruổi khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc, họa sĩ vẽ được 1.474 bức chân dung Bà mẹ VNAH.
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. |
Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng chụp gần 2.000 bức ảnh chân dung người mẹ anh hùng. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện cảm động. Tất cả được in thành sách, nhan đề “Chân dung mẹ”, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành 1997; và được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bình chọn tác phẩm đoạt giải xuất sắc năm 1998.
Với những công trình kiến trúc về Bà mẹ VNAH, phải nói tới Công trình văn hóa cấp quốc gia: Tượng đài Mẹ VNAH, có quy mô lớn nhất nước, tại tỉnh Quảng Nam, địa phương có nhiều Bà mẹ VNAH nhất, với 11.234 mẹ. Tượng đài xây dựng trên diện tích 15ha, thuộc khu vực núi Cấm, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Công trình chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận; thể hiện hình tượng Bà mẹ VNAH trong toàn khối tượng đài chính, có chiều cao 18,6m, chiều rộng 120m, bề dày khối lượng chỗ lớn nhất hơn 24m, với chất liệu bằng đá hoa cương, mang hình ảnh người mẹ dang tay đón các con vào lòng. Toàn bộ khối đá hoa cương nặng 20.000 tấn, được vận chuyển từ Bình Định, có hình dáng như cây cung; một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần sang hai bên.
Trong lĩnh vực âm nhạc, đã có nhiều tác phẩm ca ngợi Bà mẹ VNAH. Bài hát “Đất nước tôi” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên, được Nhân dân đón nhận:
Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im…
Tất cả nhạc phẩm về Bà mẹ VNAH đều chân thực, cảm động, nhưng phổ biến hơn cả là bài “Hát về Mẹ VNAH” của Thiếu tướng, Nhạc sĩ An Thuyên. Trước khi sáng tác bài hát này, tác giả tâm sự: “Tôi rưng rưng khi nhớ đến hình ảnh những người mẹ cô đơn, run rẩy, khóc một mình khi ôm vào lòng tấm “Giấy báo tử”. Còn có bà mẹ, cứ đến bữa cơm, lại bày trên mâm đủ số bát đũa cho những người con đã hi sinh; rồi thẫn thờ nhìn vào mâm cơm…
Hình ảnh trên làm nước mắt tôi ứa ra… cảm xúc dâng trào. Giai điệu bài hát nối tiếp nhau xuất hiện; và hoàn thành nhạc phẩm trong 2 giờ:
Hát mừng những người mẹ Việt Nam/ Hát mừng những người mẹ anh hùng/ Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao/ Vì đất nước hi sinh cả cuộc đời/ Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ/ Và ánh mắt mẹ như mơ/ Là biết mấy chờ mong mỏi mòn/ Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại…
Ngày 19/12/2994, nhân kỉ niệm 50 năm Ngày quân đội Nhân dân, tại Phủ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước tổ chức long trọng Lễ tuyên dương danh hiệu “Bà mẹ VNAH” lần đầu. Ca khúc “Hát về mẹ VNAH” chính thức vang lên. Từ đấy, bài hát của nhạc sĩ An Thuyên cứ vang lên mãi cùng quê hương, đất nước và lịch sử dân tộc.