Nhớ lời kêu gọi chống nạn thất học của Bác Hồ
Nghiên cứu - Trao đổi 11/03/2023 09:56
Ngày 3/10/1945, theo đề nghị của Nha Bình dân học vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân “Chống nạn thất học”. Trong Lời kêu gọi, Người chỉ rõ phần lớn đồng bào ta bị mù chữ và đây cũng là một trở ngại rất lớn đối với sự nghiệp xây dựng tiến bộ, giàu mạnh của đất nước. Vì thế, một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc là nâng cao dân trí. Người khuyên, dân ta trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, đồng thời kêu gọi hãy góp sức với Bình dân học vụ.
Lời kêu gọi của Bác thể hiện rất rõ ý Đảng, lòng dân, tạo nên một làn sóng có sức mạnh vô biên, thành một cao trào chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt là lời kêu gọi chống mù chữ của Bác diễn ra vào cuối năm 1945, lúc đó nạn đói đang hoành hành, làm 2 triệu đồng bào bị chết; cùng thời điểm đó ở miền Nam, thực dân Pháp đang trở lại xâm lược một lần nữa; thì sự kêu gọi chống thất học càng có ý nghĩa hết sức lớn lao.
Lời kêu gọi “Chống nạn thất học” của Bác chỉ 382 chữ nhưng có lẽ chưa có một lời kêu gọi nào được đồng bào ta từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo, không kể giai cấp, giáo hay lương... lại nhiệt tình hồ hởi, phấn khởi quyết tâm thực hiện đến như vậy!
Lời kêu gọi trở thành một sự kiện lớn trong đời sống của đất nước lúc bấy giờ. Bác chỉ rõ: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ ”.
Thấm nhuần lời dạy của vị Cha già kính yêu, khắp mọi nơi trong cả nước lúc bấy giờ đã dấy lên cao trào hưởng ứng và học tập. Cả một thời kì vận động bình dân học vụ rất sâu sắc, với một quy mô rộng lớn. Các khẩu hiệu “Đi học bình dân học vụ là yêu nước”; “Dạy học bình dân học vụ là yêu nước”, “Giúp đỡ bình dân học vụ là yêu nước”, “Chống mù chữ cũng như chống ngoại xâm”, “Giặc dốt diệt, Việt Nam cường”,... được trưng ở từng nhà, mặt tường thân cây, trên đường làng, ngõ phố. Khẩu hiệu được hô vang trong các buổi phát thanh, trong các đội ngũ diễu hành, các buổi rước đuốc bình dân với các hình ảnh quyển vở, lọ mực, cây bút. Thật là khí phách hào hùng của cả một dân tộc vừa giành được độc lập, Nhân dân tự đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Ai không biết chữ đều cố gắng đi học; ai biết chữ dạy cho người chưa biết chữ ... Lớp học được mở khắp nơi, tại các đình làng, sân chùa, tại nhà dân. Lớp bên vỉa hè, trên đê, trên xích lô, trên thuyền, ngoài ruộng, có lớp mở ở trại giam cho phạm nhân. Lớp đông người, lớp một thầy một trò, lớp không có giáo viên, học viên đến tập đọc trên các bảng đã viết sẵn treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con học mỗi khi ra đồng, ra chợ. Có nơi còn quy định ai đọc được hàng chữ treo trước chợ mới được vào chợ; có nơi chữ được viết trên ghế dài, ghế tựa; trên chiếu để mọi người đọc; có nơi úp thúng để làm bàn học.
Ban đêm ở thành thị thắp đèn điện, ở nông thôn thắp đèn dầu hỏa; không có dầu hỏa dùng dầu lạc, đốt trái mù u, hạt bưởi, nhựa trám,… để lấy ánh sáng để học. Giấy viết không có thì dùng than, dùng gạch viết trên nền xi măng, dùng que viết lên đất. Để động viên mọi người đến lớp, các cụ già đến từng nhà, từng ngõ nhắc nhở bà con đi học và cũng đi học để lôi cuốn con cháu.
Ai gặp cảnh nhà khó khăn, các cụ đến tận nhà giúp đỡ bế con, thái rau cho lợn ăn... Nếu thiếu thầy dạy chữ, các cụ chỉ rõ trong lời kêu gọi của Bác: “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo”. Có người cày xong thửa ruộng, chân còn lấm bùn đất vội vàng vào lớp cầm phấn để giảng bài. Không chỉ những người già mà người tàn tật biết chữ cũng xung phong làm giáo viên. Thấy rõ công lao của người giáo viên Bình dân học vụ trong sự nghiệp tiêu trừ giặc dốt, ngày 4/5/1946, Bác gửi thư động viên cán bộ, giáo viên bình dân học vụ, tặng cho họ danh hiệu cao quý: “Chiến sĩ diệt dốt”. Bác gửi gắm lòng tin vào những người “anh hùng thầm lặng” ấy và ghi nhận. “Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”. Người học, người dạy đều được Bác khuyến khích động viên nên mọi người cố gắng rút ngắn thời gian biết đọc, biết viết.
Có nhớ lại bối cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ, ta mới thấy hết ý nghĩa đặc biệt của công tác xóa mù chữ, diệt dốt để nâng cao dần từng bước nền dân trí nước nhà. Nhà nước Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ vừa được thiết lập, thù trong, giặc ngoài, rồi bọn phản động đủ mọi “màu sắc” quấy phá điên cuồng thế mà tòan dân ta, bất chấp mọi khó khăn, thiếu thốn, đòan kết một lòng xung quanh Đảng, Bác Hồ, tạo được thành tích vang dội, tạo tiền đề để tiến lên bổ túc văn hóa, một bước quan trọng trong lĩnh vực đào tạo để “tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”, như Bác Hồ hằng mong muốn.
Thật là kì diệu, trong thời điểm gay go của lịch sử, khi vận mệnh dân tộc đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” mà việc học, xoá nạn mù chữ lại trở thành “công việc cấp bách” cần phải thực hiện cấp tốc, được tổ chức thành chiến dịch và đã đạt thành tích vẻ vang. Để thành công trong việc xóa mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng đề xuất về công cuộc chống nạn mù chữ; viết Lời kêu gọi toàn dân tham gia công cuộc chống nạn mù chữ; kêu gọi toàn dân tham gia chống nạn thất học; kí Sắc lệnh về công tác bình dân học vụ và về việc xây dựng, chăm sóc đội ngũ giáo viên, chú ý đến chương trình, nội dung giảng dạy... mà còn quan tâm cụ thể đến phương tiện, điều kiện, kinh phí cho việc dạy và học bình dân học vụ.
Thành tích kì diệu của công cuộc chống giặc dốt đã góp phần bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945), bảo vệ Chính quyền Dân chủ Nhân dân, bảo vệ Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đã 78 năm trôi qua, nhưng lời kêu gọi “Chống nạn thất học” của Bác vẫn rất sống động, vẫn còn vang vọng mãi đối với sự nghiệp “xóa mù chữ, diệt dốt” của dân tộc.
Ngày nay, công cuộc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở ở Việt Nam theo chuẩn quốc gia đã hoàn thành. Nhưng chúng ta phải tiếp tục thực hiện lời mong mỏi của Bác là làm thế nào cho “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vâng “ai cũng được học hành”, đó là hành trình của sự duy trì thành quả giáo dục, để dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái, như Người hằng mong ước.