Nhiều thông tin bị bỏ sót trong quá trình xác minh?
Pháp luật - Bạn đọc 17/05/2024 13:56
Bản án phân chia di sản thừa kế
Theo nội dung vụ án, ông Lê Công Tụ (con trai bà Hoàng Thị Minh, 77 tuổi), ở thôn Tiên Hương, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa là Bị đơn trong vụ kiện dân sự tranh chấp di sản thừa kế trên chính mảnh đất ông đang sinh sống.
Diện tích đất đang tranh chấp rộng 3.899m2 thuộc thôn Tiên Hương, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành. Đây là mảnh đất của hộ gia đình bà Minh được Nhà nước giao đất năm 2004, người đứng tên chủ hộ là ông Lê Công Lĩnh.
Nói về nguồn gốc mảnh đất, bà Minh cho biết: Đây là mảnh đất do mẹ chồng của bà từ năm 1963 đã đưa các con lên khai hoang mà có được. Cùng sinh sống với mẹ chồng bà thời điểm đó còn có chồng bà là ông Lê Công Lĩnh và vợ là bà Lường Thị Quần. Cả hai có được 4 người con; trong đó có: 1 người con trai và 3 người con gái. Năm 1976, bà Minh được anh em họ hàng của chồng hỏi cưới và đưa về chung sống cùng ông Lĩnh, bà Quần, từ đó sinh ra thêm 5 người con (3 trai, 2 gái).
Bà Hoàng Thị Minh,77 tuổi là thương binh và con trai Lê Công Tụ. |
Do mâu thuẫn gia đình, năm 1978, ông Lĩnh đã đưa mẹ con bà ra sống tại thôn Phù Bản, xã Thành Tân để tiện chăm sóc và nuôi dạy các con. Cùng thời gian này, 2 người con gái của bà Quần đã lập gia đình và ra ở riêng. Trên mảnh đất của gia đình chỉ còn bà Quần và một người con bị thiểu năng sinh sống. Đến năm 1987, bà Quần và con gái đã chuyển đi sinh sống tại nơi khác.
Ông Lĩnh và bà Quần li hôn và chia tài sản xong thì ông Lĩnh mới đi lấy vợ mới là bà Minh. Hai ông bà khi đó cùng có hộ khẩu gia đình. Để sống một cuộc sống mới, ông Lĩnh đã cùng bà Minh và các con dọn về mảnh đất cũ sinh sống từ năm 1988. Thời điểm làm sổ đỏ về sau này là ông Lĩnh và bà Minh cùng nhau đi làm thủ tục cấp sổ đỏ vào năm 2004.
Đến năm 2010, ông Lĩnh qua đời, không để lại di chúc. Hai năm sau, bà Quần đang sinh sống ở nơi khác cũng đã mất. Cuộc sống của bà Minh và các con tại thửa đất trên vẫn diễn ra bình thường cho đến thời gian vừa qua con gái của bà Quần và ông Lĩnh đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Thạch Thành đòi phân chia di sản thừa kế trên chính mảnh đất bà và gia đình bà đang sinh sống ổn định.
TAND huyện Thạch Thành xác định, mảnh đất trên là di sản thừa kế của ông Lê Công Lĩnh và bà Lường Thị Quần. Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên, chia mảnh đất gia đình bà Minh đang sinh sống làm 2 phần theo tỉ lệ: Ông Lê Công Lĩnh 50%, bà Lường Thị Quần 50% mà không có phần của bà Minh. Phần di sản của ông Lĩnh chia đều cho 9 người con, phần di sản của bà Quần chia đều cho các con của bà Quần.
Khu đất của gia đình đã được cấp sổ đỏ năm 2004, khi đó là bà Minh và chồng là ông Lĩnh cùng làm sổ đỏ và chung hộ khẩu. |
Những ý kiến trái chiều
Theo bà Minh, bà Quần và ông Lĩnh đã bỏ nhau không liên quan gì tới nhau nữa những năm 1978, tài sản ngày đó đã chia xong. Bà Minh cho rằng, bà là vợ của ông Lĩnh, người có đủ căn cứ pháp luật, có chung hộ khẩu và cùng đi đăng kí làm sổ đỏ cho thửa đất từ năm 2004. Do đó, thửa đất và sổ đỏ là của ông Lĩnh và bà. Bà Quần là vợ cũ thời điểm còn sống không ý kiến đòi thửa đất này. Nếu là phân chia tài sản thì bà mới là người được pháp luật công nhận và thời điểm cấp sổ đỏ thì bà và chồng là người có tên, sinh sống trên mảnh đất đó, gìn giữ cải tạo.
Theo bà Minh, TAND huyện Thạch Thành đã bỏ qua việc xác minh rõ nguồn gốc mảnh đất, bởi mảnh đất này do mẹ chồng bà là người đứng ra khai hoang. Di sản thừa kế phải được xác định là tài sản của mẹ chồng bà để lại, và dĩ nhiên trong đó có phần của bà được hưởng. Bởi bà Quần và ông Lĩnh đã bỏ nhau coi như là đã li hôn xong từ trước năm 1978, đồng thời bà với ông Lĩnh về sống với nhau và có 5 người con.
“Trong quá trình sinh sống, vợ chồng tôi đã bỏ tiền xây dựng nhà cửa, cải tạo mảnh đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước từ năm 1988 cho tới nay. Năm 2004, UBND huyện Thạch Thành đã cấp sổ đỏ cho hộ gia đình chúng tôi với người đứng tên chủ hộ là chồng tôi ông Lê Công Lĩnh. Thời điểm đó, trong hộ khẩu của gia đình chỉ có vợ, chồng và các con cháu của tôi”, bà Minh cho biết thêm.
Toàn bộ nội dung trên bà Minh khẳng định đều được chính quyền địa phương và người dân sinh sống lâu đời tại đây chứng kiến và xác nhận.
Trả lời về vụ việc trên, Thẩm phán Lê Văn Quân, người trực tiếp điều hành xét xử cho biết: Hôn nhân của ông Lê Công Lĩnh và bà Hoàng Thị Minh được xác định là hôn nhân không hợp pháp. Ông Lĩnh và vợ cả (bà Quần) được xác định là hôn nhân hợp pháp nhưng cả hai đều đã qua đời. Sổ hộ khẩu chỉ chứng minh là cụ Lĩnh cùng sống với bà Minh tại địa chỉ đó. Hôn nhân trước năm 1987 được gọi là hôn nhân hợp pháp dù cả hai người đều không có đăng kí kết hôn.
Luật sư Lê Bá Châu, Đoàn luật sư TP Hải Phòng cho biết: “Nếu là thửa đất thừa kế từ bố mẹ chồng thì cần xác định rõ nguồn gốc mảnh đất, và thời điểm mẹ chồng của bà Minh mất là thời điểm nào? và việc chia tay của ông Lĩnh và bà Quần đã kết thúc thống nhất thỏa thuận chưa? Bà Quần khi còn sống có đòi đất là tài sản không? Việc hồ sơ cấp sổ đỏ làm năm 2004 như thế nào? như vậy mới đủ chứng cứ xác định di sản thừa kế ban đầu thuộc về ai?”
Cũng theo luật sư Lê Bá Châu thì việc xác minh tình trạng hôn nhân giữa bà Minh và ông Lĩnh cũng rất cần thiết, bảo đảm đúng người, đúng thời điểm. Bởi quan hệ giữa bà Minh và ông Lĩnh được xác lập trước ngày 3/1/1987, mà thời điểm trước đó theo lời bà Minh cho biết giữa ông Lĩnh và bà Quần đã li dị và không còn chung sống với nhau nữa. Do đó, bà Minh cũng có thể có quyền thừa hưởng di sản thừa kế.
Hiện bà Hoàng Thị Minh còn nhiều ý kiến liên quan đến Bản án của TAND huyện Thạch Thành. Hi vọng, tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, HĐXX sẽ xem xét một cách toàn diện vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi theo quy định pháp luật.