Nhà thơ Phạm Minh Tân: Người đàn bà không thả bộ trên cánh đồng thơ văn
Nhịp sống văn hóa 11/07/2023 11:08
Nhà thơ Phạm Minh Tân sinh ngày 4/7/1945, quê quán TP Hải Phòng, nhưng lớn lên và trưởng thành lại ở vùng núi của tỉnh Hòa Bình. Bà cho biết, cha bà là nhà giáo Phạm Đức Bôn, mẹ là một doanh nhân thành đạt. Năm 1946, đi theo tiếng gọi của cách mạng, cụ Bôn đưa cả gia đình đi theo kháng chiến. Năm 1950 cụ được điều lên Mai Châu, Hòa Bình dạy học, mở trường dạy tiếng Kinh cho người dân tộc. Mẹ bà tuy đang là doanh nhân thành đạt, nhưng do yêu chồng, thương con nên bỏ hết theo chồng con bôn ba nơi nui rừng của xứ sở Hòa Bình. Gia đình cụ Bôn ở đó, trải qua bao thăng trầm với vai trò nhà giáo cho đến khi cụ nghỉ hưu.
“Là nhà giáo, cha tôi rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Riêng tôi từ nhỏ được gửi xuống thị xã Hòa Bình (nay là thành phố) học. Sau đó tôi được chọn vào học tại Trường chuyên Hoàng Văn Thụ của tỉnh Hòa Bình. Tôi thi đỗ đại học vào Trường Bưu Điện, tốt nghiệp ra trường thành kĩ sư điện tử, rồi lại được điều về công tác tại tỉnh Hòa Bình”, bà Tân cho biết. Đang mạch kể về nhân thân, xuất xứ, bà Tân bỗng dưng chuyển làn kể chuyện về chồng. Chồng bà, ông Lã Văn Hương, hơn bà 5 tuổi và đương chức với trách nhiệm Trưởng Đài truyền thanh tỉnh Hòa Bình. Ông quê ở Hương Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhưng lại lên công tác tại Hòa Bình.
Tuổi đã xế chiều, nhưng ông Hương, bà Tân vẫn hạnh phúc như ngày nào. |
Ông bà kết hôn năm 1966, năm 1967 sinh con trai đầu. Đến năm 1972, khi bà đang có mang cô con gái út, thì ông nhập ngũ trong tình cảnh vừa bất ngờ, vừa éo le. Khi đó ông là Trưởng đài truyền thanh tỉnh Hòa Bình, dẫn quân đi giao cho đơn vị bộ đội, đến nơi mới té ngửa ra là bị thiếu quân. Vậy là không chút chần chừ, ông chọn phương án “thế vào chỗ trống”. Nghiễm nhiên trở thành anh bộ đội, mà còn không kịp về nhà để chia tay vợ con.
“Khi ông ấy đóng quân ở Thanh Hóa, đơn vị báo với tôi là sắp hành quân vào chiến trường. Tôi bèn sắp xếp ít thuốc men, đồ ăn định mang cho chồng. Đang có mang 4 tháng mà tôi đạp xe từ Hòa Bình vào Thanh Hóa tìm đơn vị của chồng. Thế nhưng thời chiến nên hỏi ai cũng thực hiện ba không: Không nghe, không biết, không nhìn thấy gì. Quanh quẩn đến tối tôi bất ngờ bị lọt xuống một cái đầm toàn bùn, lún xuống đến tận nách, phải giữ chặt chiếc xe đạp để không bị chìm xuống thêm nữa. Khung cảnh vắng tanh, vắng ngắt khiến tôi xác định mình sẽ chết tại đây. Rất may có cậu bé đi qua, tôi lấy tay còn lại đập xuống bùn kêu cứu. Cậu bé cứu tôi lên, rồi đưa về nhà đun nước cho tắm rửa, cho ăn uống rồi sáng hôm sau dẫn tôi vào đơn vị của chồng tôi. Nhưng rất buồn, chúng tôi đến nơi thì đơn vị chồng tôi hành quân đi mất rồi”, bà Tân ngậm ngùi kể lại.
Từ đó ông Lã Văn Hương đi biền biệt, bà Tân không có tin tức gì của ông, một mình vừa công tác vừa vò võ nuôi 3 con nhỏ, cho đến năm 1976 ông Hương mới trở về, công tác tại đơn vị cũ. Ngày đó Hòa Bình có xưởng sửa chữa điện tử, thuộc Ty Bưu điện Hòa Bình, một thời gian ông bà công tác ở đó. “Sau khi sáp nhập Hà Đông, Hà Tây, Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, tôi được cử phụ trách Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, sau đó rút ra phụ trách tổ chức cho đến khi nghỉ hưu” - ông Lã Văn Hương cho biết. Cũng thời gian này, tỉnh chủ trương xây dựng một nhà máy lắp ráp ti vi và cát sét, bà Phạm Thị Tân được quy hoạch làm Giám đốc. Thế nhưng vì lí do kinh tế khó khăn, nên nhà máy không xây dựng được, còn gia đình bà Tân năm 1985 được điều chuyển về Hà Đông cư trú ổn định cho đến nay.
Nói về thơ văn, bà Tân cho biết, bà mê thơ văn từ khi còn nhỏ, nhưng lúc còn công tác trong ngành bưu điện, lại xa chồng, bận con cái nên không có điều kiện sáng tác. “Khi nghỉ hưu rồi tôi mới có điều kiện sáng tác thơ văn. Tôi nghỉ hưu năm 1993, đến năm 2006 tôi gia nhập CLB thơ Việt Nam. Không chỉ sáng tác thơ, tôi còn viết truyện thiếu nhi và truyện ngắn, rồi viết kí. Đến năm 2014, tôi được gặp nhà văn Lê Tự, ông Tự giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn và được chấp nhận. Thế là nghiễm nhiên tôi trở thành nhà văn”, bà Tân cười tươi cho biết.
Ngày 15/7/2008, bà Tân đứng ra thành lập CLB thơ, lấy tên là Hương Sen. Ban đầu chỉ xác định đó chỉ là nơi dành cho những người về hưu vui chơi, giải trí cho khuây khỏa khi tuổi xế chiều. Vậy mà CLB thơ Hương Sen có sức hút kì lạ. Tuy thành viên CLB hầu hết là người cao tuổi, cư trú rải rác nhiều nơi xa điểm hội họp, nhưng mỗi khi có việc cần tập hợp, các thành viên đều có mặt đông đủ. Tuy CLB là đơn vị tự túc về kinh phí, đều do các thành viên đóng góp, nhưng nhìn chung là tự nguyện, không ai có thắc mắc gì. Cho đến nay, CLB thơ Hương Sen, dưới sự chủ trì của nhà thơ Phạm Minh Tân, đã định hướng, giúp đỡ được 7 thành viên CLB trở thành hội viên Hội Nhà văn. Riêng Chủ nhiệm CLB Phạm Minh Tân, đến nay đã xuất bản được 6 tập thơ, 3 tập vừa truyện thiếu nhi, truyện ngắn, truyện kí.
Nói về thơ Phạm Minh Tân, ông Đào Ngọc Chung, Trưởng Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây viết: “Có thể nói, Phạm Minh Tân không chỉ thả bộ, dạo bước trên bờ mà thật sự say đắm, tắm mình trong dòng sông thơ và bà đã được đền đáp xứng đáng!”. “Tại sao bà Tân thành công trong vai trò Chủ nhiệm CLB Hương Sen? Thứ nhất, hai ông bà sống rất chân thành, ai cần giúp đỡ là giúp ngay. Thứ hai, bà Tân đứng ra thành lập CLB Hương Sen, quy tụ được anh em vì bà Tân thơ văn cũng khá. Ở vai trò Chủ nhiệm, bà Tân tổ chức trong tình cảm, vui vẻ, hòa đồng. Anh em đến với nhau để chia sẻ tâm tư, tình cảm về thơ văn, tâm tình về hoàn cảnh cuộc sống, hoàn cảnh gia đình. Kinh tế tự đóng góp để chơi với nhau, nhưng cũng rất minh bạch, nên không có thắc mắc gì. Nhiều khi bà Tân ứng tiền làm gì đó, sau anh em mới đóng góp, người làm tổ chức phải biết hi sinh. Hai vợ chồng bà Tân sống không tính toán, vụ lợi nên được nhiều người quý mến”, nhà văn Lê Tự nhận xét.