Nhà thơ, nhà báo Bùi Quang Thanh: Cả hai vai đều đa đoan, đa cảm
Nhịp sống văn hóa 13/07/2023 10:33
Đó là nhà thơ, nhà báo Bùi Quang Thanh, người có nhiều tác phẩm hay được xuất bản. Bùi Quang Thanh sinh ngày 5/5/1950 tại làng Kim Tỉnh, xã Cẩm Tiến, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ông giải thích, tên làng là Kim Tỉnh, cũng có nghĩa là Giếng Vàng, từng có câu: Nước Giếng Vàng vừa trong vừa mát/ Nâu chợ Chùa nhuộm áo lâu phai… Ông cho biết, quê ông có chiếc giếng như vậy, nước rất trong và mát. Ông nội ông là cụ Bùi Quang Thi (tức Bùi Thị, bí danh Phấn Đấu). Đầu tiên cụ tham gia Đảng Tân Việt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, trên cơ sở thống nhất các Đảng Cộng sản (Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn), trong đó có nhánh tách ra từ Đảng Tân Việt, là Đông Dương Cộng sản liên đoàn, nên cụ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, là Bí thư Chi bộ đầu tiên ở huyện Kỳ Anh. Năm 1930 cụ bị thực dân Pháp bắt, kết án khổ sai chung thân, đầy đi ở các nhà tù: Vinh, Lao Bảo, Quảng Trị, Đắk Mil, Buôn Ma Thuột. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cụ được ra tù trở về tiếp tục hoạt động kháng chiến.
Nhà thơ, nhà báo Bùi Quang Thanh vui vẻ, hạnh phúc bên mẹ của mình. |
Cha Bùi Quang Thanh là Chính trị viên Đại đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là đồng đội, đồng hương của liệt sĩ Phan Đình Giót. Chú ruột cũng là bộ đội, chiến đấu và hi sinh ở chiến trường Nam Bộ. Cha ông sau khi chuyển ngành, về công tác ở Trường Trung cấp Giao thông Thủy - Bộ Hà Nội, là cán bộ cấp phòng. Đang học lớp 8, ông được ra Hà Nội học. Học một thời gian ông thấy chán, vì nguyện vọng của ông là được học Đại học Tổng hợp Văn. Ông là người vốn học giỏi văn, nên sau này theo nghiệp văn cũng là lẽ tự nhiên, không hề màng đến cái khổ của người làm văn và cái lợi của nghề khác.
Ông rời khỏi Trường Trung cấp Giao thông Thủy - Bộ bằng cách cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Khi đó ông chỉ nặng 42 cân, phải nhét thêm cục đá vào túi cho nặng thêm, nhưng bị phát hiện. May có cô Vân cảm phục trước tinh thần xung phong nhập ngũ của ông, “tặng” thêm cho 5 lạng để đủ cân, có thể nhập ngũ. Thế là Bùi Quang Thanh trở thành người lính, được cho đi học tiếp, rồi phiên vào đơn vị ô tô vận tải. Tháng 12/1971, ông cùng đơn vị vào chiến trường B3, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên từ đó đến năm 1974 thì rời quân ngũ.
Nghiệp văn chương đeo đẳng, nên sau khi rời quân ngũ ông trở thành nhà văn, được cử làm Chánh Văn phòng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh. Rồi nghiệp báo đến với ông cũng tự nhiên như vốn có, khi ông chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Hồng Lĩnh. Khi Báo Bảo vệ pháp luật của Viện KSND Tối cao thành lập, ông được chọn làm Trưởng văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên. Vậy là cái duyên với vùng đất Tây Nguyên vẫn đeo bám, ông công tác ở đó cho đến khi nghỉ hưu.
Nói về nghiệp báo, ông khẳng định được khả năng của mình, là cây bút phóng sự, bút kí và truyện kí. Các tác phẩm báo chí của ông được viết bằng bút pháp kì công, sâu đậm và lớp lang, trong đó nhân vật có thân phận, có buồn tủi, có khi vui, cũng có lúc phải căng mình vượt qua sóng gió cuộc đời. Ví như truyện kí “Bản Mán bảy nhà”, viết về cuộc đời, số phận của cô gái dân tộc tên Lam, sinh ra và lớn lên ở một bản nhỏ thuộc Tuyên Quang. Câu chuyện được kể có trình tự, từ khi gặp cô gái ở một quán nhỏ ven Quốc lộ 1A, rồi dẫn dắt đến “Bản Mán” chỉ có bảy nhà, đến gia cảnh cô gái, rồi cô gái bị bán sang Trung Quốc, đến khi trốn quay trở lại Việt Nam…
Rồi cuộc đời cô gái thăng trầm, lấy chồng không hạnh phúc, trở lại các quán phục vụ khách ăn nhậu và hát karaoke, rồi trở về quê chuộc lại tự do từ cuộc hôn nhân bất đắc dĩ và mưu sinh cũng không yên ổn… Mẹ cô bị bắt vì vô tình quật chết người cha nát rượu, Lam lại bỏ quê vào Quảng Bình mưu sinh, gặp anh nhà báo đa cảm, đa đoan khuyên cô trở lại quê hương tìm lấy một công việc, tránh cuộc sống không lành mạnh và tương lai mù mịt ấy. Thế rồi cái kết là cô gái về quê làm lại cuộc đời, lấy chồng và kiếm tìm được hạnh phúc. Tất cả được Bùi Quang Thanh thể hiện bằng cách kể chuyện thu hút, không thiếu, không thừa chi tiết gì, khiến bạn đọc đọc xong phải suy ngẫm về nhiều góc độ của cuộc sống.
Viết về những cựu chiến binh gặp nhau, Bùi Quang Thanh khéo léo cài vào những khó khăn, mất mát của dân tộc trong cuộc chiến, một cuộc chiến chính tác giả cũng đã trải nghiệm. Viết về những chàng trai, cô gái bỏ lại đằng sau bình minh tuổi trẻ trong ngần những ước mơ, dự định để lao vào cuộc chiến vệ quốc, những hi sinh được ông thể hiện: “Cũng ngày này ba mươi năm về trước, tôi đứng dưới hàng tre cháy nắng gió và khét lẹt khói bom, vẫy chào bạn bè lên đường nhập ngũ. Ba trăm năm mươi mốt chàng trai hồ hởi ra đi, ba mươi năm sau số còn lại chỉ đếm được hơn một lần số đốt ngón tay trên bàn tay đầy đặn…”. Sự hi sinh như vậy là lớn lắm, nhưng Bùi Quang Thanh không cần viết theo cách thống kê cụ thể, mà bằng những ngôn ngữ hình ảnh như vậy.
Về thơ Bùi Quang Thanh, nhà báo Nguyễn Sỹ Đại viết: “Thơ Bùi Quang Thanh nặng một chữ “Tình”, con người anh cũng ăm ắp và dào dạt, sâu xa một chữ “Tình”. Một khi đã nặng tình, người làm thơ chỉ cần bồi đắp thêm về kĩ thuật, sẽ cho ra đời nhiều tứ thơ đặc sắc. Nếu người làm thơ bắt đầu bằng kĩ thuật, mà thiếu đi cái tình, thì sớm muộn cũng cạn vốn, bế tắc. Bùi Quang Thanh viết về mẹ mình, từ nguyên mẫu cụ thể, mà khái quát được cho tất cả những người mẹ Việt Nam, vừa tự hào, vừa xót xa, vừa tâm trạng: Nón lá áo tơi treo chùng vách nhớ (Lời hương khói); Khoảng yếm là nơi phập phồng của nghìn đêm thao thức/ Chồng ngoài chiến trận/ Con đói bờ nôi/ Lo bão tốc nhà/ Lo lụt trôi khoai/ Phập phồng nắng mưa/ Phập phồng… im lặng… (Đò dọc sông đêm). Không chỉ viết về mẹ, Bùi Quang Thanh còn viết nhiều về những người lính, về những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường.
Viết về người lính, thơ Bùi Quang Thanh ăm ắp hoài niệm của người từng cầm súng, cũng có cái nhìn sâu và đau vào chiến tranh, ít hào quang, mà là những nỗi đau khôn xiết: Đồng đội ơi! Sau giòn giã tiểu liên, trầm hùng đại bác, lộc xuân xanh chồi có khuất nẻo xưa? Và bình minh - khi nhịp cầu nối lại, gương mặt người sẽ rực rỡ nhường bao, đừng dồn hết hào quang soi mắt mẹ, sau rạng ngời là diệu vợi niềm đau (Lời khói hương). Cũng có mùa thu hòa bình đầy hụt hẫng trong anh, nỗi buồn chiến tranh không thể khỏa lấp, khi anh viết: Sừng sững tượng đài chiến thắng - Đìu hiu dáng mẹ lưng còng. Bùi Quang Thanh gọi hồn các liệt sĩ da diết, buồn đẫm chất bi thương: Tiểu đội dàn hàng hai ngoảnh mặt xuống đường/ Hố bom Mỹ chắn ngang sâu xoáy ruột/ Chị Tần thương em không cho em đứng trước/ Lúc hi sinh - Hà ơi có yên lành?.
Nhìn chung, thơ Bùi Quang Thanh chân thật, hiền lành, nhưng cũng đầy trăn trở, trăn trở về số phận, trăn trở về nỗi buồn chiến tranh, trăn trở về những khó khăn vất vả và sự hi sinh của người lính… Có thể nói không ngoa rằng, nhà thơ Bùi Quang Thanh, nhà báo Bùi Quang Thanh, hai vai đó đều đa đoan, đa cảm, đó cũng chính là con người của ông vậy.