Người thầy làng Hoành Sơn
Văn hóa - Thể thao 22/09/2022 09:52
Bãi đá khắc chữ Hán
Lần theo tài liệu, chúng tôi quyết định lên núi Đồn ở xã Khánh Sơn - nơi Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1825-1887) từng dạy học lúc sinh thời, để tìm bãi đá khắc chữ Hán. Từ xưa, quanh núi Đồn, người dân địa phương đã xây dựng nhiều đền, chùa, miếu mạo linh thiêng, như đền Cả, đền Đức Vi, chùa Xuân Long… Nửa cuối thế kỉ XIX, thám hoa Nguyễn Đức Đạt chọn nơi đây mở trường dạy học. Trong kháng chiến chống Mỹ, bến đò Vực Đồn là điểm giao thông quan trọng đưa đón hàng vạn bộ đội, thương binh trên đường hành quân chiến đấu, trên núi Đồn là trận địa phòng không đánh Mỹ của dân quân du kích địa phương.
Nghệ nhân ưu tú Hà Quang Đức - môt người dân địa phương cho biết: “Ngày trước, người dân trong vùng cũng nói đến chuyện bãi đá khắc chữ Hán, nhưng ít người biết tường tận, nhất là không có ai bỏ công leo lên núi để “mục sở thị”. Lâu dần, mọi chuyện rơi vào quên lãng, núi xưa cây cối đã mọc um tùm. Thỉnh thoảng mới có một số người hiếu kì ở xa về đây tìm hiểu”. Có mặt trên đỉnh núi, chúng tôi cố gắng xem xét hết mọi nơi, khi mọi người đã thấm mệt thì phát hiện tảng đá khắc chữ Hán đầu tiên, tiếp đó là tìm ra nhiều tảng đá có chữ Hán khác.
Nhà thờ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt ở làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn. |
Bãi đá khắc chữ Hán nằm hoàn toàn trên sườn núi phía Bắc, bị bao phủ bởi ngút ngàn cây cối. Chữ Hán được khắc vào mặt bên các phiến đá. Kích cỡ của chữ không thống nhất, chiều sâu khoảng 1cm, độ cao của chữ từ 10 - 40 cm. Chúng tôi vẫn có thể đọc được một số chữ còn sắc nét, như “tự”, “am”, “tiểu lập”… Tuy không còn đầy đủ về số lượng như được miêu tả trong bài “Đề vịnh Tam Bình sơn tiểu tự” của cụ Nguyễn Đức Đạt và bị rêu phong cỏ cây bao phủ, nhưng đây là những chứng tích sinh động, quý giá về quá trình dạy học lúc sinh thời của cụ Thám tại trường Đông Sơn.
Ngược dòng quá khứ
Theo gia phả của họ Nguyễn Đức làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, cụ Nguyễn Đức Đạt xuất thân trong gia đình khoa bảng. Cha là Nguyễn Đức Hiển làm quan Tri huyện. Lúc nhỏ cụ nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 30 tuổi, cụ đỗ thám hoa triều Tự Đức; từng được bổ làm Thị giảng Hàn lâm viện, Đốc học Nghệ An, Án sát Thanh Hóa, Tuần phủ Hưng Yên… Trên con đường quan lộ, cụ đã nhiều lần cáo quan về quê dạy học và từng hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Trong quãng đời dạy học của cụ có hai thời kì tiêu biểu: Ở trường Thông Lãng (1866-1869) và ở trường Đông Sơn (1877-1883).
Lăng mộ cụ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt trên núi Vàng, xã Khánh Sơn |
Với quan niệm linh động về sự học và để khắc phục điều kiện dạy học ở chùa làng có nhiều hạn chế, cụ và học trò đã tạo ra một khu vực học tập, nghỉ ngơi đặc biệt trên núi Đồn gọi là “Bình văn xứ”. Hàng chục tảng đá ở đây, từng làm bàn, ghế, giường ngủ… đã được khắc chữ Hán. Việc này được cụ mô tả cụ thể qua bài “Đề vịnh Tam Bình sơn tiểu tự”: “Ta ngụ ở núi Tam Bình thôn Đông Sơn… xưa gọi là núi đá Đại Lạn… Trên bình phong cao nhất dựng bia, khắc chữ “Tam Bình sơn ???” (núi Tam Bình), mặt trước bia khắc hai chữ “ngẫu nhiên ??” (tình cờ)… Giường bậc đá phía Đông khắc ba chữ “Hạ bút xứ ???” (chỗ hạ bút)… Chếch xuống mé dưới phía Tây, qua một tảng đá, khắc hai chữ “Tiểu lập ??” (đứng tạm)… Trong “Lâm hạ tòng du kí” (ghi chuyện dạo chơi trong rừng) cũng nói rõ chuyện cụ thám cho khắc chữ ở núi Đồn và chính cụ đã cho thay đổi kiểu chữ 3 lần khi thực hiện.
Là bậc thầy uyên bác và giàu tâm huyết, trong quãng đời dạy học của mình, cụ Nguyễn Đức Đạt đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc như Đinh Văn Chất (Tiến sĩ, năm 1871), Nguyễn Đức Quý (Hoàng giáp, năm 1884), Đặng Văn Thuỵ (Hoàng giáp, năm 1904)… Cụ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị viết về giáo dục, văn chương, lịch sử… như “Nam Sơn tùng thoại”, “Nam Sơn song khoá”, “Hồ dạng thi”, “Vịnh sử thi”, “Việt sử thặng bình”, “Cần kiệm vựng biên”, “Khảo cổ ức thuyết”… trong đó một số tác phẩm được in khắc, lưu truyền ngay khi cụ còn sống.
Núi Đồn bên dòng sông Lam |
Trăn trở của hậu thế
Đã 135 năm kể từ ngày cụ Thám Nhất về với tổ tiên, khu vực núi Đồn vẫn còn đó bến nước thuở xưa với những cây lộc vừng, cây trôi cổ thụ, nhưng bãi đá khắc chữ Hán nơi ghi dấu chuyện cụ thám hoa Nguyễn Đức Đạt từng đến đây dạy học, bình văn thì đã rơi vào quên lãng. Sự lạnh lùng của thời gian và sự vô tình của người đời đã khiến một nơi từng được xem là “mô hình trường học khá đặc biệt trong lịch sử giáo dục Việt Nam” không mấy ai biết đến, kể cả người dân địa phương thường xuyên qua lại khu vực này, vẫn nghi ngờ “không biết có hay không”.
Năm 2008, nhà thờ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt ở xóm 5, xã Khánh Sơn và phần mộ của cụ ở núi Vàng đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, nhưng bãi đá khắc chữ Hán “có một không hai” trên núi Đồn liên quan đến quãng đời dạy học của cụ thì không được đề cập đến.
Cụ Nguyễn Đức Tùng (81 tuổi) trú ở TP Vinh, hậu duệ đời thứ 5 của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt chia sẻ: “Trong quá trình cải tạo, khai phá núi Đồn, nhằm mục đích sản xuất, người ta đã không chú ý đến việc bảo vệ, gìn giữ di tích lịch sử văn hóa, trong đó có bãi đá khắc chữ Hán của cụ Thám. Tôi được biết, khi mở đường ở núi Đồn, tấm bia “Bình văn xứ” bị vứt chỏng chơ, anh em họ tộc chúng tôi vội đưa về dựng tại nhà thờ. Tôi thật sự buồn và tiếc về một địa chỉ văn hóa gắn liền với cuộc đời cụ Thám bị lãng quên ngay chính trên mảnh đất quê hương”.