Người phục dựng bờ xe nước bên sông Trà
Văn hóa - Thể thao 29/03/2024 10:06
Nhung nhớ bến sông
Nhiều năm qua, ông Mai Văn Quýt, 79 tuổi, ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi vẫn cần mẫn thực hiện “công trình kì quan đồng ruộng” một thời.
Ông Quýt kể, trước đây dọc con sông Trà Khúc những bờ xe nước được đặt bên sông để guồng nước đưa nước vào đồng ruộng. Mỗi bờ xe đặt trên sông như thế có khoảng 9-10 bánh xe, mỗi bánh có đường kính khoảng 10-12m. Chiếc bờ xe nước mà ông hoàn thiện bây giờ chỉ bằng 1 phần nhỏ của những bờ xe nước khi xưa. Những bánh xe nước của ông làm có đường kính khoảng 2m, và ông phải làm khoảng 1 tháng mới xong. Một bờ xe nước từ 9-10 bánh xe, ông phải mất cả năm ròng để làm thô, sơn phết chống mối mọt, rồi ráp từng bánh xe vào kệ và hoàn thiện từng phần một.
Bờ xe nước trên sông Trà (ảnh tư liệu) |
Ông Quýt bộc bạch rằng, với những bờ xe nước sông Trà thuở trước với đường kính 12m, phải làm trong vài tháng với gần 10 người cùng chung sức, chưa kể nguyên liệu là tre phải được chuẩn bị trước cả năm trời mới đủ. Những thân tre dài chừng 5-7m được thu gom về, ngâm nước khoảng 6 tháng để chống mối mọt thì mới có thể sử dụng. Người chủ đạo cho công trình phải có kiến thức, phải có kĩ năng để chỉ đạo từng người thực hiện phần công việc của mình. Để dựng bờ xe nước, từng người thợ phải bắc giàn giáo cao 6-8m, sử dụng những cây tre được ngâm nước để đặt buộc, ghép mộng, đan cài nhau làm sao cho bánh xe được dần thành hình và thật chắc chắn. Những bánh xe nước được dựng lên bên vùng nước được gọi là “bờ cừ”. Xung quanh mỗi bánh xe được buộc lạt kết nối hàng trăm ống tre đặt nghiêng một góc đã được tính toán cẩn trọng, để khi bánh xe quay các ống tre mang đầy nước quay tròn đưa lên cao đổ vào máng nước, dẫn nước về đồng ruộng phía xa. Khi một bánh xe nước hoàn thành, trọng lượng khi ngậm nước có thể nặng tới hơn 1 tấn.
Ông Quýt cho biết, thông thường mỗi bờ xe nước như thế có tuổi đời 40-50 năm. Tuy nhiên, sau mỗi mùa mưa bão hay nước lũ thượng nguồn sông trà đổ xuống, nhiều bờ xe nước bị cuốn trôi hoặc hư hỏng. Những bờ xe nước không chỉ đơn thuần là công cụ trong lao động sản xuất, còn là công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng của bàn tay, khối óc con người, mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống, thắm đượm nghĩa tình xóm làng.
Ông Mai Văn Quýt phục dựng mô hình bờ xe nước sông Trà. |
Trong lịch sử, bờ xe nước ra đời sớm ở Quảng Ngãi khoảng giữa thế kỉ XVIII, sau đó có mặt ở một số tỉnh khác. Tác giả P.Guillenmiet trong sách: “Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng xe nước ở Quảng Ngãi” (năm 1926) cho rằng, các xe nước xuất hiện sớm nhất ở Quảng Ngãi là ở sông Vệ vào năm 1740, cụ thể là xe nước ở làng Bồ Đề (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên số lượng bờ xe nước những nơi khác không nhiều, chỉ chủ yếu tập trung trên lưu vực sông Trà và sông Vệ, nơi hai con sông lớn nhất của Quảng Ngãi này từng có không dưới 114 bờ xe nước, đưa nước tưới tắm cho hàng chục ngàn ha đất, cho người dân no ăn ấm áo một thời.
Nhưng rồi qua thời gian, công trình thủy nông này bị thay thế. Khi kênh thủy lợi Thạch Nham được xây dựng và vận hành, máy bơm nước bằng dầu, rồi bằng điện được đưa vào sử dụng. Những chiếc bờ xe nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Người dựng lại kí ức thời gian
Bây giờ còn ai làm bờ xe nước ở vùng này nữa không? Không, chẳng còn ai ngoài ông lão ấy, cũng chẳng còn ai ngoài ông lão có thể nắm được kĩ thuật dựng bờ xe nước. Và tất nhiên, tất cả những vòng xe nước bằng tre ấy đều được làm thủ công hoàn toàn bằng tay.
Bắt đầu làm bờ xe nước từ năm 16 tuổi, nay ông Quýt muốn dựng lại cả một công trình tưới tiêu đồng ruộng từng một thời góp phần làm ấm no cho người dân vùng đồng quê đôi bờ sông Trà. Bây giờ bên triền sông chẳng còn những bờ xe nước công phu và kì vĩ như xưa nữa. Ước muốn của ông lão này vẫn là được thấy những chiếc bánh xe tròn đều bằng tre đều đặn quay bên bờ sông, dù không phải để phục vụ thủy nông cho bà con nữa, mà để lưa nhắc với kí ức về một thời.
Ông Quýt giới thiệu cho khách cách bờ xe nước vận hành. |
Đôi tay gầy của lão nông Mai Văn Quýt đã dựng không biết bao nhiêu bờ xe nước, lớn có, nhỏ có. Những bờ xe nước loại nhỏ thì để trưng bày, những cái lớn hơn thì để dựng nước tưới tiêu. Nhưng trong tâm trí của ông vẫn luôn đau đáu một điều là phải dựng lại công trình bờ xe nước độc đáo ở bên sông này, vốn là biểu tượng bên dòng sông trà khúc khi xưa. Nhiều năm qua, ông đã làm không ít những mô hình bờ xe nước, nhưng chỉ là những sản phẩm mini mang tính trưng bày là chính. Mỗi bờ xe mô hình có từ 2 đến 4 bánh xe, tùy theo nhu cầu người sử dụng. Những bờ xe nước ấy, được không ít người đặt mua đưa về phố thị trong sự chau chuốt sớm chiều của người yêu đồng, nhớ sông.
Sinh ra trong gia đình có ba đời làm bờ xe nước, trong số 10 anh chị em, ông Quýt là con thứ 6 và chỉ có mình ông còn giữ nghề của cha truyền lại. Ông được kế thừa gần như toàn bộ những kĩ thuật của cha ông mình. Những năm cuối đời, ông đã nghĩ phải dựng được một bờ xe nước hoàn chỉnh, giống như nguyên bản, đặt bên bờ sông như mấy chục năm trước. Như cái cách mà người xứ Quảng xa quê vẫn nhớ những vòng quay mải miết ấp ủ câu chuyện từ thuở ấu thơ. Đi suốt tháng năm đời người vẫn không thể mờ phai những vòng xoay kiên trì, nhẫn nại và mộc mạc như người dân quê chịu khó, chịu thương trong mưa sớm nắng chiều.
Ông Bùi Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, cuối năm 2023, bờ xe nước với 9 bánh xe của ông Quýt hoàn thành, với kinh phí hơn 150 triệu đồng, để triển lãm trong chương trình “Sắc quê Quảng Ngãi tại TP Hồ Chí Minh lần I- năm 2024”. Niềm vui của ông Quýt, cũng có lẽ là niềm vui chung của bà con Quảng Ngãi xa quê còn thương nhớ theo kí ức với dòng sông quê nhà với biểu tượng gắn với dòng sông.