Người lính Cụ Hồ luôn chăm lo hạnh phúc gia đình
Tâm sự 22/02/2024 12:38
Cụ là con trai cả của “cụ Chánh Đào” có tên trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Cao Xá, vì cụ tham gia hoạt động Việt Minh trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tên cũ của cụ là Trần Văn Huê, sau này mới đổi thành Trần Đình Hiệt, sinh năm 1929, năm 1946, mới 17 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ và được đi học ngay khóa I Trường Quân chính khu 12. Học xong, ông về Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) giữ chức Chính trị viên trung đội. Sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1958 về quê lấy cụ Trần Thị Độ người làng Châu cùng xã. Năm 1971, cụ về hưu với hàm Thượng úy.
Bằng tố chất người lính Cụ Hồ, cụ hòa ngay vào phong trào “Thóc không thiếu một cân” chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Cụ còn làm Chi hội trưởng Chi hội NCT và Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 10 năm. Trong cuộc sống, con cháu được ảnh hưởng từ ông bà kể cả kinh tế và phương pháp “tề gia”, nhất là cụ đã từng trải qua quân đội. Như vợ chồng chú Trần Đình Hưng có 3 con. Con gái đầu học Trường chuyên Bắc Giang đạt Huy chương Bạc quốc gia môn Văn, nay đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương đang đi làm ở Hà Nội; con gái thứ 2 là học sinh giỏi từ Tiểu học đến hết THPT Tân Yên 1 và là Phó Bí thư Đoàn trường, nay đã học xong Học viện Ngân hàng, đang kinh doanh tại Hà Nội; con trai út đang học THPT Tân Yên 1.
Cụ là quân nhân xa gia đình sớm, được ảnh hưởng nhiều từ cụ nội nên rất coi trọng kiến thức đặc biệt là hạnh phúc gia đình tôn ti trật tự mà bù lại cái mà cụ cho là thiếu hụt. Mọi thành viên gia đình từ bà và các con cháu luôn được cụ xem như những người bạn thân thường bàn bạc mỗi khi cần. Cụ đặc biệt quan tâm đến bữa cơm gia đình văn hóa và thân mật. Hiện hai cụ ở tuổi trên dưới 90 nhưng vẫn tham gia công việc nội gia để con cháu yên tâm công tác. Cụ phân bổ hợp lí cả về tổ chức và lao động. Tài chính cụ phân làm 3 nguồn được công khai minh bạch. Theo cụ thì có như vậy mỗi thành viên mới chủ động không ỷ lại nhau. Lương hưu hai cụ quản lí an hưởng tuổi già, một phần tích lũy chủ yếu là bảo đảm cho các cháu học tập. Lương công nhân tích lũy, một phần phân phối hợp với đầu tư ruộng vườn, bảo đảm sinh hoạt mỗi khi khan hiếm tiền mặt. Mảng nông nghiệp bảo đảm trực tiếp phần lương thực, thực phẩm và đầu tư tái sản xuất mở rộng. Bằng tư duy tổ chức khoa học, nhiều năm gia đình ổn định cả về kinh tế và tư tưởng. Cũng từ phương pháp tề gia mang tính khoa học này đã ý thức cho con cháu về cách làm ăn, đối nhân xử thế để rồi biết sống vì nhau. Gia đình luôn đạt gia đình văn hóa và văn hóa tiêu biểu, dư luận coi đây là một cách sống văn minh.
Để tạo cho con cháu có một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần không thua kém xã hội, cụ còn lập ra một sổ tiết kiệm 100 triệu đồng dành cho cụ bà an nhàn tuổi cao. Với các cháu khi ăn học cụ mua cho 3 gói bảo hiểm mỗi năm đóng 5 triệu tồn tại cho đến lúc học xong đại học. Về ý tưởng khuyến học có lần cháu lớn của chú Hùng đỗ vào trường chuyên, cụ đạp xe xuống tận Bắc Giang mua thưởng cái đài để học tiếng Anh. Cháu thứ 2 đạt học sinh giỏi, cụ mua thưởng bộ bàn ghế dành cho phòng học.
Đọc sách xem báo là việc làm hằng ngày của cụ, vừa để hiểu biết, vừa làm gương cho mọi người kể cả gia đình và bạn bè. Tác phong ấy có lẽ đã tác động tốt tới các cháu để rồi các cháu đều học giỏi và quý trọng ông bà, bố mẹ. Cụ coi nền tảng gia đình là gốc rễ. Mấy năm rồi, cụ đã hoàn tất cuốn gia phả họ Trần Đào, nhằm chỉ đường cho con cháu tôn cao nếp sống gia tộc. Khi hoàn tất, cụ gọi con cháu xa gần, từ Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc về công bố. Một việc làm đầy tính văn hóa thật xúc cảm và có tính giáo dục cao. Trong dịp này, cụ khởi xướng từ nay lấy ngày 10/3 hằng năm làm ngày họp mặt gia tộc Trần Đào, để nhắc nhở con cháu tu dưỡng làm người tử tế.