Trao sinh kế cho người dân vùng khó vươn lên thoát nghèo
Tin tức 17/05/2024 11:02
Trông coi đàn cá trắm cỏ hơn 300 con ở lòng hồ Hón Mòn, ông Trương Văn Hậu (64 tuổi), ở khu phố Măng, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) hồ hởi nói: “Kể từ khi được Nhà nước hỗ trợ nuôi cá lồng trên sông, gia đình có thêm việc làm, cải thiện thu nhập. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm tạo sinh kế, giúp bà con vươn lên thoát nghèo”.
Gia đình ông Hậu thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ nuôi cá lồng từ tháng 11/2023. Ngoài được hỗ trợ chi phí làm lồng nuôi cá, gia đình ông được cấp thêm 30kg cá trắm giống và bột nuôi cá. “Đến nay, đàn cá phát triển rất tốt, thức ăn chủ yếu là cỏ, lá chuối,... Để phòng dịch bệnh, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh lồng nuôi cá, rắc vôi bột”, ông Hậu chia sẻ.
Ông Trương Văn Hậu phấn khởi cho cá ăn. |
Tại xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, nhiều hộ gia đình cũng vươn lên phát triển sản xuất, sau khi được Nhà nước trao sinh kế. Gia đình bà Bùi Thị Nương, ở thôn Thung Tâm) thuộc diện hộ cận nghèo, được hỗ trợ 3 con lợn cỏ sinh sản hồi tháng 11/2023.
Sau khi nhận lợn giống, bà Nương chăm sóc cẩn thận theo khuyến cáo của ngành thú y. Đến nay, 2 con đã phối giống chuẩn bị cho sinh sản. “Từ hôm nhận lợn giống đến nay, gia đình chưa mất đồng thuốc nào. Lợn phát triển rất tốt, nguồn thức ăn sẵn có nên không quá vất vả. Gia đình cũng mong muốn nhân đàn để cải thiện thu nhập”, bà Nương hồ hởi chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Huấn, Trưởng thôn Thung Tâm (xã Ái Thượng) cho biết: Năm 2023, toàn thôn có 39 hộ gia đình được nhận hỗ trợ từ dự án, trong đó có 10 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo.
“Sau khi có chủ trương, thôn đã tổ chức họp để các hộ gia đình lựa chọn con giống và ký cam kết. Trong suốt quá trình triển khai, các bộ thôn thường xuyên phối hợp với các đơn vị kiểm tra, hỗ trợ các hộ gia đình. Đến nay, đàn lợn phát triển khá tốt, nhiều hộ gia đình bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình”, ông Huấn thông tin.
Bà Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ái Thượng cho biết, toàn xã có 85 hộ gia đình tham gia Dự án 2, trong đó có 54 hộ nuôi cá lồng và 31 hộ tham gia mô hình nuôi lợn cỏ sinh sản.
“Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Đặc biệt, mô hình nuôi cá lồng và lợn cỏ lai lòi rất phù hợp với điều kiện tình hình và lợi thế của địa phương. Nhiều hộ gia đình tham gia mô hình nuôi lợn cỏ lai lòi, con giống đã cho sinh sản. Từ khi triển khai Dự án, đã có một số hộ gia đình xin thoát nghèo”, bà Hằng chia sẻ.
Bà Bùi Thị Nương, thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước. |
Bà Hằng cũng cho biết, với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, nhiều hộ gia đình tham gia dự án đã vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 151 hộ năm 2022 xuống còn 72 hộ đến cuối năm 2023 (tương đương từ 11,6% xuống còn 5,4%). Thu nhập bình quân năm 2023 đạt 43 triệu đồng/người. Mục tiêu phấn đấu năm 2024 đạt 56 triệu đồng/người.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, năm 2022-2023, toàn huyện có hơn 900 hộ tham gia Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tổng nguồn vốn cho dự án trên 17 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 10,3 tỷ đồng, còn lại là nguồn kinh phí đối ứng của Nhân dân. Tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 17,58%; hộ cận nghèo 21,82%. Phấn đấu đến hết năm 2025, Bá Thước sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo.