Người Lâm Đồng đầu tiên triển lãm ảnh Biển đảo Trường Sa
Văn hóa - Thể thao 19/10/2022 10:16
Chủ nhật nọ, đưa ba nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hà Nội “săn” ảnh hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt thì điện thoại reng. Đầu dây bên kia, Văn Thương báo tin: “Em sắp triển lãm ảnh về Trường Sa, anh ủng hộ nha”. Tôi bảo: “Chúc mừng, sẽ hỗ trợ hết sức”. Tôi biết Văn Thương hơn 30 năm nay qua ảnh đăng báo, triển lãm và nhiều lần gặp mặt. Chàng trai xứ Trà B’lao này thật hiền, khiêm nhường, xởi lởi, chu đáo và nhiệt huyết.
Những người lính trẻ |
Từ nhiều năm nay, “Quán bún bò Khánh Thy” do bà xã Văn Thương làm chủ trở nên nổi tiếng và là “Trạm khách” thân quen của giới nhiếp ảnh cả nước. Văn Thương, thường đưa các đồng nghiệp Bắc-Trung-Nam đi sáng tác tại Bảo Lộc, với sự chu đáo, sáng tạo, nhiệt tình quý hiếm. Những địa chỉ khó “lọt vô” để chụp như: Tổ hợp Bauxit Nhôm, Nhà máy Dệt lụa Tơ tằm Vikotex, Trà Olong Tâm Châu… chỉ có Văn Thương “quan hệ” mới xong. Nói như vậy đủ biết tài ngoại giao, uy tín “Thương hiệu Văn Thương” đến cỡ nào.
Tham gia nhiếp ảnh nghệ thuật năm 1997 thì 2 năm sau Văn Thương được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam. Do năng khiếu, khổ luyện và đam mê, năm 2003 Văn Thương được phong tước hiệu A.FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế), 2009 đạt tước hiệu E.VAPA (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Xuất sắc Hội NSNA Việt Nam), được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh TP Bảo Lộc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng và Hội NSNA Việt Nam. Hơn 30 năm cầm máy, anh đã đoạt hơn 100 Giải thưởng ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Triển lãm lần này có chủ đề “Cảm xúc Trường Sa” với 90 ảnh chọn lọc từ 1.500 ảnh (khổ lớn, ép gỗ lamina trang trọng) khai mạc ngày 23/7/2022 tại Cà phê Đôi Dép (80D Nguyễn Công Trứ, TP Bảo Lộc) và kéo dài 2 tuần. Văn Thương là NSNA đầu tiên của Lâm Đồng đi Trường Sa, chụp và triển lãm ảnh tại xứ Trà - Tơ lụa Bảo Lộc, nơi anh sinh ra, lớn lên và lập nghiệp. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của Văn Thương.
Tri ân những liệt sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma. |
Ảnh Văn Thương chỉn chu, chân thực, dung dị, với chủ đề, ánh sáng, bố cục, đường nét, ý ảnh đắt giá, giàu chất thơ. Văn Thương chắt lọc từng khuôn hình trước khi chụp, chớp khoảnh khắc vàng, chụp xong là OK, hầu như không chỉnh sửa, không lạm dụng photoshop. NSNA Nguyễn Văn Thương chia sẻ: “Bộ ảnh Cảm xúc Trường Sa, trình làng đúng vào dịp cả nước kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. Đây là món quà tinh thần vô giá, tri ân bao thế hệ ông cha đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi biển sâu thăm thẳm - các anh đã hóa thành những cột mốc thiêng liêng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông qua bộ ảnh này, tôi muốn góp thêm hình ảnh “Trường Sa thật gần” để lan toả sức mạnh của Trường Sa hôm nay, của Quân chủng Hải quân anh hùng với Nhân dân cả nước và kiều bào thấu hiểu, tự hào về Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”.
Triển lãm thu hút đông đảo giới nhiếp ảnh cả nước, các nhà quản lí, công chúng và du khách thập phương. Người xem ngất ngây trước cảnh sắc biển trời, thiên nhiên hùng vĩ nơi đảo xa, cuộc sống thường ngày của quân dân Trường Sa qua ống kính tinh tế của Văn Thương. Phát biểu chúc mừng, đại diện lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam, Hội VHNT Lâm Đồng và TP Bảo Lộc đều đánh giá cao ý nghĩa, chất nghệ thuật, tính thời sự, tư liệu quý của bộ ảnh “Cảm xúc Trường Sa”.
Riêng tôi, có hai kỉ niệm “đặc biệt” với Văn Thương. Lần đầu tiên đến nhà Krajan Tham (Trưởng nhóm Cồng chiêng Đăng Jrung, Lạc Dương, Lâm Đồng) năm 2014. Đêm ấy, chúng tôi uống rượu cần, ăn gà nướng, đàn hát, chụp ảnh, tâm sự thâu đêm trong ánh lửa bập bùng, ở ngôi nhà sàn với nhiều chiêng-chóe ám khói “ma mị”. Tôi bất ngờ chứng kiến Văn Thương được gia đình Krajan Tham quý như người ruột thịt vừa đi xa về. Lúc ấy, tôi thấy một Văn Thương ca sĩ (bởi anh vừa đàn, vừa hát điệu nghệ) và một Văn Thương - như chàng trai dân tộc K’ho (khỏe như trâu rừng, hiền như đất đỏ bazan). Kỉ niệm thứ hai là năm 2019, tôi cùng NSNA Trường Thi (Hà Nội) và Nhiếp ảnh gia Đặng Văn An (Đà Lạt) xuống Bảo Lộc sáng tác, được Văn Thương đưa đi chụp trà. Anh chọn đồi trà tuyệt đẹp, nhưng không một bóng người (vì đến muộn, công nhân đã nghỉ trưa). Thấy chúng tôi mặt “ỉu xìu” như bánh đa nhúng nước, Văn Thương bảo, chờ em tí, đừng nản. Một lúc sau, Văn Thương dẫn chục nữ công nhân mang cuốc, gùi ra đồi trà lao động. Chúng tôi “mừng như được vàng” chụp không biết mệt, nhờ tài “phụ vận” của Văn Thương. Về Nhà máy chè Olong cũng vậy, bảo vệ không cho vào, nhờ Văn Thương “làm việc” với giám đốc, nên chúng tôi chụp thoải mái và còn được uống trà Olong thượng hạng miễn phí.
Là người đam mê nhiếp ảnh, tôi rất tự hào ở Lâm Đồng có NSNA Nguyễn Văn Thương tài năng, nhiệt huyết và tình nghĩa. Anh không chỉ sở hữu những giải thưởng lớn, những “khoảnh khắc vàng” tôn vinh, quảng bá vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, mà còn có “tấm lòng vàng”- bán ảnh giúp đỡ người nghèo. Và, tôi tin rằng, NSNA Nguyễn Văn Thương sẽ còn gặt hái nhiều thành công về nhiếp ảnh.