Người La Hủ ở Mường Tè
Du lịch 18/02/2021 18:48
Thông qua bà Be tôi biết Bum Tở là xã khó khăn của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Mường Tè. 99% dân số là đồng bào dân tộc La Hủ, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác có cải thiện song rất chậm, nhiều hủ tục lạc hậu chưa được gỡ bỏ…
Bà Phùng Mò Be (giữa) Chủ tịch Hội NCT xã Bum Tở dự Hội nghị biểu dương cán bộ Hội NCT tiêu biểu tỉnh Lai Châu |
Nhìn sâu vào đôi mắt đầy ưu tư, tôi hiểu nỗi lòng người phụ nữ giữ cương vị “thủ lĩnh NCT” ở vùng rừng núi xa xôi này. Địa bàn rộng, dân cư sống thưa thớt, rải rác khắp các sườn đồi dốc, có các khe suối chảy từ trên cao xuống. Đất nước đổi mới, đồng bào theo Đảng thực hiện định canh định cư, một số bản chuyển xuống địa bàn thấp hơn. Từ chỗ nhà cửa tạm bợ, nay người La Hủ đã biết làm nhà ở bền chắc hơn, phần lớn là nhà trệt với vách bằng phên. Trong nhà, bàn thờ tổ tiên và bếp bao giờ cũng đặt tại gian có chỗ ngủ của chủ gia đình, thêm linh thiêng, ấm áp.
Bà Be bảo, từ thời cha sinh mẹ đẻ đã kể rằng, trước kia người La Hủ sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy và săn bắn, hái lượm. Công cụ lao động chủ yếu là con dao, chiếc cuốc. Từ vài chục năm nay, người La Hủ đã phát triển cây lúa nước, lúa nương làm lương thực chính và dùng trâu cày kéo. Đàn ông La Hủ rất khéo tay, giỏi nghề rèn và đan ghế, chiếu, nong, nia từ dây mây, dây giang lấy tận trong rừng.
Trang phục của phụ nữ dân tộc La Hủ |
Tuy đời sống còn nhiều khó khăn song bà con La Hủ vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống từ trang phục, ẩm thực, các điệu dân ca, dân vũ. Nam giới La Hủ mặc quần áo giống như các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc. Phụ nữ mặc quần, ngày thường mặc áo dài xuống tới cổ chân, ngày lễ tết mặc thêm áo ngắn; cổ áo, nẹp ngực, ống tay có thêu hoặc đáp vải nhiều màu, đính xu bạc, xu nhôm và các bông chỉ đỏ. May một chiếc áo dài, người La Hủ mất một tháng. Trước khi cắt may, người ta tạo đường chỉ ở giữa làm gân áo và độ cân bằng sao cho cho tà áo làm thân trước và sau. May tay áo là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất, có thể tận dụng vải cũ làm lớp lót bên trong, phía ngoài may ngược, tùy sở thích cá nhân mà khâu viền vải hoa nhiều loại. Con gái thường mặc áo cánh tay nhiều sắc đỏ thể hiện sức sống tươi trẻ và niềm tin yêu cuộc sống. Còn phụ nữ lớn tuổi thì màu chủ đạo là viền xanh đen xen kẽ. Thiếu nữ La Hủ gửi ý nguyện và tâm tình riêng của mình vào những đường may, đường thêu khéo léo. Vì thế, con gái đến tuổi thành niên đều ý thức tự may cho mình một bộ áo dài.
Người La Hủ ở Mường Tè tích cực lao động sản xuất xóa đói giảm nghèo |
Người La Hủ vấn khăn rất cẩn thận. Bà Be bảo, xưa, khi người La Hủ chưa sống quần tụ thành bản làng, mỗi quả núi có dăm ba hộ gia đình sinh sống, trong quá trình đi rừng, đi chợ, khăn đội đầu là tín hiệu để nhận ra những người đồng tộc. Mặt khác, trong quá trình đi nương, đi rừng, chiếc khăn sắc màu để phân biệt giữa người và thú rừng, không bị thợ săn bắn nhầm. Còn ngày nay, người La Hủ đã định cư, chiếc khăn đội đầu và bộ trang phục bắt mắt phụ nữ La Hủ sử dụng trong những dịp lễ hội, cúng bản.
Ở Mường Tè, đồng bào La Hủ còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo trong dịp đón tết cổ truyền (Khô Chà) kéo dài 3 ngày khi mùa thu hoạch kết thúc. Đây là cái Tết to nhất, cũng là dịp đoàn tụ của gia đình, cộng đồng La Hủ. Trong dịp Tết, bánh dày và thịt lợn là hai món không thể thiếu. Để có lợn thịt Tết, đồng bào đã chăn nuôi trước đó cả năm trời. Chọn lợn đực khỏe, đẹp mã, trước khi bắt thịt, lợn được ăn bánh trôi vì tin rằng làm như vậy trong năm tới lợn sẽ hay ăn, chóng lớn. Khi pha thịt lợn, chủ nhà thường lấy lá gan, xem những tia máu hằn trên đó để đoán vận hạn trong năm tới của gia đình. Sáng ngày Tết đầu tiên, chỉ những người trong dòng họ đến nhà đặt ban thờ tổ tiên chúc Tết. Nhưng sau giờ ngọ, cả bản trở lên nhộn nhịp, người người đi chúc Tết, nhà nhà đi chúc Tết, ai cũng vui tươi, phấn khởi.
Múa nón, tiết mục sau nghi lễ cúng bản |
Sáng sớm ngày Tết thứ hai, các gia đình cử một người đi đến đầu nguồn lấy nước sạch về làm cơm cúng tổ tiên (kê cá khụ). Mâm lễ vật dâng cúng tổ tiên bày đủ men rượu, củ gừng, cơm, thịt lợn và bánh dày, đặt ở đầu giường ngủ của gia chủ. Khi các thành viên trong gia đình, dòng họ có mặt đông đủ, chủ nhà quỳ trước mâm lễ khấn tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm sức khỏe dồi dào, mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau đó, bà con đến thăm nhà nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp. Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, người chủ nhà trực tiếp làm lễ cúng không ra khỏi địa bàn, không đi ngủ ở nhà người khác. Tại các bản diễn ra sôi nổi nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Các chàng trai, cô gái La Hủ trong trang phục mới, sặc sỡ say sưa hòa mình trong các trò chơi dân gian, các điệu múa khèn, dân ca dân vũ trong tiếng trống chiêng rộn ràng.
Tiến bộ trong hôn nhân, đến nay, trong gia đình La Hủ, trai gái được tự do yêu nhau và quyết định hạnh phúc của mình, song chỉ có con trai mới được thừa hưởng tài sản của cha mẹ. Sau lễ cưới, chàng rể được đưa cô dâu về nếu có đủ lễ vật, bằng không phải ở gia đình nhà vợ 2-3 năm, sau đó mới được đưa vợ về ở hẳn với mình. Phụ nữ La Hủ sinh nở tại buồng ngủ của mình. Sau 3 ngày em bé được đặt tên, nếu khi ấy nhà có khách thì khách được mời đặt tên cho bé.