Người cao tuổi Thủ đô chung tay xây dựng “Gia đình văn hóa”
Nhịp sống văn hóa 13/10/2023 08:34
Ông Nguyễn Thế Toàn |
Ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng ban Thường trực BĐD Hội NCT TP chia sẻ: Gia đình chính là nơi ta sinh ra, cùng ta lớn lên, trải qua phần lớn thời gian trong ngày và trong cuộc đời, vì thế gia đình cũng là một môi trường đào tạo những hành vi ứng xử tốt nhất, liên tục và bền vững nhất. Nếu mỗi gia đình đều chú trọng đến ứng xử văn hóa cho các cá nhân thì cả cộng đồng sẽ tự khắc trở thành cộng đồng văn hóa.
Quan tâm chăm sóc chu đáo để NCT sống khỏe, sống vui vừa là đạo lí vừa là trách nhiệm mỗi thành viên trong gia đình. Thời gian qua, Hội NCT các cấp thành phố đã luôn chú trọng, có nhiều giải pháp đồng bộ từ công tác tuyên truyền, phổ biến đến vận động, phát hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm trong triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự phát triển ổn định của xã hội, của các cấp, các ngành và các địa phương.
Một gia đình 4 thế hệ chung sống hòa thuận ở Hà Nội |
Bên cạnh việc triển khai vận động thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các cấp Hội NCT đã gắn kết chặt chẽ công tác và các phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, “NCT nêu gương sáng, xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng” với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình tứ đại đồng đường”, “Gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Gia đình, dòng họ khuyến học”… nhằm thực hiện đúng khẩu hiệu hành động của Hội NCT “Sống vui, Sống khỏe, Sống hạnh phúc”.
Tiêu biểu như huyện Ứng Hòa triển khai mô hình CLB “Gia đình văn minh, hạnh phúc”; huyện Đan Phượng vận động đông đảo gia đình NCT thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; huyện Thanh Trì nhân rộng mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch”; huyện Chương Mỹ tổ chức tọa đàm “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kì mới”… Quận Tây Hồ với tỉ lệ Gia đình văn hóa đạt 96,31%, là địa phương thuộc nhóm đầu của thành phố trong công tác quản lí nhà nước về gia đình; đã triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bản cam kết, in ấn thành các bản tuyên truyền gửi tới từng phường, từng gia đình, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Hình ảnh gia đình ngũ đại đồng đường của NCT Thủ đô được lưu giữ trong gia đình |
Ngoài việc chỉ đạo tập trung xây dựng và nhân rộng các gương điển hình, người tốt việc tốt; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống trong gia đình, huyện Mê Linh còn tích cực vận động người dân thành lập các CLB gia đình văn hóa gắn với việc phát triển, thành lập nhiều CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN), đến nay đã có 10 CLB, trong đó các CLB đều có NCT tham gia. Những CLB văn hóa này đã và đang tạo điều kiện để người dân giao lưu văn hóa văn nghệ, thắt chặt tình đoàn kết, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, bài trừ các tệ nạn xã hội. Nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm đã có nhiều hoạt động sôi nổi. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh tổ chức chương trình “Giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao”; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Gia đình trong mắt em”; Liên đoàn Lao động huyện tổ chức “Tuyên dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu”...
NCT Thủ đô tích cực tham gia văn hóa văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần |
Gia đình 4 thế hệ của cụ Nguyễn Thị Tỵ ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường” tiêu biểu; với 10 thành viên vẫn ngày ngày sinh hoạt dưới một mái nhà, không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận, là tấm gương cho nhiều gia đình khác trong thôn xóm noi theo.
Cụ Lê Hữu Cường cũng ở Đông Anh, đang sống trong gia đình đa thế hệ mẫu mực tiêu biểu. Cụ Cường có 6 người con bốn trai, một gái và một người con nuôi. Là đảng viên gương mẫu, cụ Cường luôn là tấm gương để con cháu học tập, noi theo. Tám con người sống chung một mái nhà, mỗi người một tính cách nhưng hiếm khi nào gia đình cụ xảy ra những tiếng cãi vã, hay mâu thuẫn. Cụ Cường chia sẻ: Để giữ cân bằng giữa các thành viên trong nhà, bậc làm cha, làm mẹ bao giờ cũng phải làm gương trước con cái, cháu chắt, phải biết phân biệt đúng sai, phải nắm được tâm lí của từng người mới có thể dễ dàng dạy dỗ, bảo ban.
Nhiều NCT quận Ba Đình được vinh danh trong các đợt thi đua do địa phương phát động |
Người dân xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) hầu như ai cũng biết đến gia đình của cụ Nguyễn Thị Chắt 4 thế hệ với hàng chục thành viên sống trong một mái nhà. Để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người đều vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người xung quanh, nghĩ đến gìn giữ hạnh phúc gia đình, những yếu tố “gốc” của văn hóa gia đình Việt Nam được phát huy tối đa. Đó là đạo lí về hiếu thảo, “trên kính - dưới nhường”, người đi trước làm gương để người sau tin tưởng, tôn trọng; gia đình cụ luôn giáo dục các cháu từ lúc nhỏ ý thức giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây nhiều thế hệ đến nay.
Gia đình cựu giáo chức Nguyễn Trà, trên 90 tuổi ở phường Phương Liên (quận Đống Đa) một tấm gương tiêu biểu hiện nay của dòng họ hiếu học danh tiếng đã có bề dày 600 năm sống tại kinh thành Thăng Long. Cụ Trà là anh cả trong gia đình 10 anh chị em và cũng là “đầu tàu” gương mẫu về tinh thần hiếu học cho các em, các con, cháu, chắt noi theo. Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Trà vẫn miệt mài với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cho thế hệ tương lai.
Tiết mục đặc sắc tại Liên hoan tiếng hát NCT quận Hà Đông |
Và còn rất nhiều những điển hình có thể kể đến như: gia đình bà Đỗ Thị Dụ, phố Yên Phúc, phường Phúc La (quận Hà Đông) với 4 thế hệ, 39 thành viên chung sống thuận hòa, luôn năng nổ cùng việc làng, việc xóm; gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) con cháu thành đạt, sống gương mẫu trong cộng đồng; gia đình bà Trần Thị Loát, phường Đức Giang (quận Long Biên) có sự nghiệp vững chắc và cháu chắt học hành tấn tới…
Có thể nói, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa nói chung, việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố thời gian qua đã làm thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, sống có đạo lí giúp nhau cùng tiến bộ, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.