Ngọc Lê Ninh – Tôi tựa vào thơ nhạc để sống và làm việc
Nhịp sống văn hóa 12/01/2023 07:46
Ngay từ khi còn nhỏ, Ngọc Lê Ninh đã bộc lộ tài năng thơ ca, cho đến tận bây giờ khi làm công tác nghiên cứu khoa học anh vẫn giữ nguyên và phát triển tài năng đó theo thời gian.
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh |
Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là trí tuệ của não bộ con người, khi làm thơ nhà thơ phải “mở hồn mình ra để đón lấy những vang động của đời”, những chuyển biến tế vi trong cuộc sống là cơ sở để nhà thơ có thể sáng tạo nên ngôn ngữ, làm giàu thêm cho thi ca. Đối với Ngọc Lê Ninh, anh làm thơ một phần vì năng khiếu, phần vì thơ ca mang đến cho anh nguồn năng lượng tích cực giúp anh có sức khỏe, tinh thần, năng lượng để làm việc chuyên môn và vui buồn trong cuộc sống hàng ngày. Ngay từ khi học cấp ba, anh đã làm thơ và chính thức làm thơ từ khi bước vào trường Đại học Mỏ - Địa chất năm 1987. Với một người làm công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, khó khăn lớn nhất đối với anh chính là sự eo hẹp về thời gian, anh thường lên đồng với thơ lúc nửa đêm và tranh thủ tu từ, hiệu chỉnh thơ vào dịp Chủ nhật hay các ngày lễ, tết. Khi đối mặt với bế tắc của sáng tạo thơ ca là anh chuyển sang nghiên cứu sâu về khoa học mỏ, môi trường, đọc tài liệu về khoa học, viết báo khoa học.
Trong quá trình sáng tác thơ ca, công đoạn làm mới, lạ hóa ngôn ngữ và tu từ là khó nhất. Sáng tác thơ ca là quá trình lao động của nghệ thuật sắp chữ và sáng tạo ngôn ngữ mới trên cánh đồng con chữ. Văn là người vì vậy khi người có văn hay thì người đó luôn sống tốt. Muốn cót thơ hay, ngôn ngữ thơ phải lạ hóa, tiêu chí của thơ xưa nay và mai sau vẫn phải có vần, nhạc điệu, có tính triết lý cao, ý nghĩa sâu xa, nhưng phải phản ánh đúng đời sống, tâm tư, tình cảm của con người, thiên nhiên, môi trường xung quanh,…Có người cho rằng, thơ ca và cuộc sống là hai thái cực đối lập nhau, bởi thơ ca quá bay bổng lãng mạn còn hiện thực quá tàn khốc, khắc nghiệt nhưng đối với Ngọc Lê Ninh thơ ca chính là nguồn “cảm hứng mới mẻ” để anh có động lực và nhiệt huyết làm việc hàng ngày, là “thức ăn tinh thần” tạo cho anh nhiều năng lượng để sống, để yêu và làm việc có hiệu quả hơn.
Giải thưởng thơ quốc tế |
Trong bối cảnh thơ ca hiện nay, điều quan trọng nhất của người nghệ sĩ khi sáng tạo là “niềm đam mê” và luôn có tinh thần đổi mới và khám phá để nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong thời đại ngày nay. Theo tác giả thơ ca ở nước ta có dạo chùng xuống nhưng rồi lại bùng lên không có khái niệm “chết dần”, “chết mòn” đối với thơ ca. Ở Việt Nam do đang trong thời kỳ xây dựng phát triển kinh tế lại gặp dịch bệnh nhiều, kinh tế khó khăn nên nhiều người ít để ý đến thơ ca hơn. Trong tương lai gần, nền thơ ca nước nhà lại bùng lên, phát triển không ngừng. Theo Nhà thơ Ngọc Lê Ninh, thơ ca luôn là nguồn năng lượng tốt không những thôi thúc nền kinh tế của đất nước mà còn thúc đẩy nền văn hóa phát triển đưa con người sống thân thiện hơn, văn minh hơn. Điều khiến tác giả băn khoăn là khi sáng tác thơ ca là độc giả có chấp nhận, phấn khích khi đọc thơ mới của mình hay không.
Là một người làm thơ, Ngọc Lê Ninh chia sẻ: “Tôi luôn thấy tôi là người bình thường biết làm thơ viết nhạc cũng là điều nhiều người làm được. Nhiều người còn tài giỏi, siêu phàm hơn rất nhiều. Tôi nghĩ ở đời phấn đấu đạt được hai chữ “bình thường” là quý hóa rồi, ví như: sức khỏe bình thường, gia đình bình thường, công việc bình thường, vợ chồng, con cái bình thường,… Tôi rất sợ bất bình thường. Riêng đối với khoa học và thơ ca thì nên bất bình thường, Tôi luôn tựa vào thơ nhạc để sống và làm việc”.
Các tập thơ của tác giả |
Trong những năm gần đây, dịch bệnh và môi trường, biến đổi khí hậu và chiến tranh luôn là những đề tài mà Ngọc Lê Ninh lưu ý, mục đích khi viết về những đề tài này là anh luôn mong muốn thế giới loài người giảm tối thiểu về dịch bệnh, môi trường luôn được sạch, giảm hạn hán, lũ lụt, đặc biệt là không còn chiến tranh giữa các sắc tộc. Các tập thơ anh đã xuất bản đều tập trung về các chủ đề phản đối chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi tình yêu lứa đôi, đó là: Vỡ cùng hy vọng (2016), Chưa thể đặt tên (2017), Hạt mưa thầm (2018), Đôi mắt thời @ (sắp xuất bản).
Các giải thưởng Quốc tế mà Ngọc Lê Ninh nhận được trong mấy năm gần đây, đó là: Giải thưởng Văn học cho Ngọc Lê Ninh năm 2019 của Hội Nhà văn Quốc tế IWA-BOGDANI do Chủ tịch Jeton Kelmendi trao tặng, giải thưởng văn học thế giới Rahim Karim năm 2022 cho Ngọc Lê Ninh của Tổ chức các nhà văn quốc tế do Nhà văn, Nhà thơ nổi tiếng thế giới Rahim Karim Karimov trao tặng và một số giải thưởng của tổ chức thơ quốc tế tại Ấn Độ, Châu Phi. Những giải thưởng này đã phần nào chứng minh được tài năng thơ của anh và vị trí của anh trong lòng bạn đọc, thơ anh được mọi người chuyền tay nhau và được sẻ chia truyền tải trên các trang mạng xã hội các tờ báo lớn, nhỏ trong nước. Giải thưởng quốc tế không phải là điều mà nhà thơ hướng đến mà quan trọng hơn đó là tác giả tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng, khiến mọi người đến với thơ ca và yêu thơ hơn, bởi đó là “liều thuốc bình an” chữa lành cho mọi người, khiến mọi người cân bằng trong cuộc sống.
Bằng niềm đam mê nghề nghiệp, bằng sự nỗ lực, cây bút Ngọc Ninh Lê đã nhiều lúc âm thầm, lặng lẽ như “ Hạt mưa thầm” rồi bùng cháy mãnh liệt như chính tâm hồn anh, ngày đêm cố gắng để đem đến cho độc giả nhiều tác phẩm hay, những bài thơ của Ngọc Ninh Lê có tác dụng thức tỉnh người đọc, khơi dậy những giá trị nhân văn tốt đẹp ở con người trong thời đại “bão táp”, thời đại 4.0 có nhiều nguy cơ, thách thức. Ngọc Ninh Lê mang đến cho người đọc nỗi thương cảm, tình yêu thủy chung với văn chương và ngày càng góp thêm tiếng nói tri âm đến với những bạn trẻ yêu thơ. Thơ của Ngọc Lê Ninh luôn khiến người đọc cản thấy tràn đầy sức sống, đầy hy vọng nhưng cũng dự báo trước những hạn chế của cuộc đời trong cõi người đầy bất trắc. Tiếng thơ Ngọc Lê Ninh trung thực, hồn nhiên nhưng để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm, nhiều suy tư trăn trở, và luôn có khát khao được “trở về” nguyên bản con người mình. Hy vọng trong những năm tiếp theo với nhiều sự kiện không thể dự đoán trước, người đọc sẽ được thưởng thức những vần thơ mới của Ngọc Lê Ninh.