Nghĩ về bài thơ “Đăng sơn” của Bác Hồ
Văn hóa - Thể thao 15/09/2022 11:57
Nguyên văn chữ Hán:
Đăng sơn Huề trượng đăng sơn quan trận địa Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu Thệ diệt sài lang xâm lược quân. Bản dịch của Xuân Diệu: Lên núi Chống gậy lên non xem trận địa Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu, Đẩu |
Thề diệt xâm lăng lũ cáo, cầy. Dẫn đầu đoàn quân trùng trùng lên biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng ngày 16/9/1950, Chiến dịch mở màn, Bác Hồ lên đài quan sát trên đỉnh núi phía Lăng Đồn ở Đông Khê theo dõi pháo binh ta bắn vào cứ điểm quân Pháp. Buổi sáng lịch sử ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn tả trong thi phẩm nổi tiếng có tựa đề “Đăng sơn”, nguyên văn bằng chữ Hán:
Huề trượng đăng sơn quan trận địa/ Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân/ Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu/ Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Bằng sự hàm súc, đa nghĩa, ý tứ sâu sắc, bài thơ thể hiện tầm nhìn, nhân cách của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng Hồ Chí Minh. Âm hưởng bài thơ phơi phới chất lạc quan, hào hùng, từ ngữ chọn lọc, có những từ “đinh”, từ “chốt”, nhịp điệu giàu tính nhạc.
Huề trượng đăng sơn quan trận địa câu thứ nhất mở ra tầm bao quát, hàm chứa cả nghĩa đen, nghĩa bóng nhưng thiên về nghĩa bóng (ý tại ngôn ngoại). “Huề trượng” nghĩa chữ Hán là “chống gậy”, nhưng cũng có nghĩa là “mang theo, đem theo cây gậy”. Hiểu theo nghĩa này, “Huề trượng” có ý nghĩa tượng trưng, gợi hình ảnh cây gậy chỉ huy của các tướng soái trong lịch sử. “Quan trận địa” là cụm từ đa nghĩa. “Quan” là quan sát, xem xét, lắng nghe, suy nghĩ… quy tụ vận động cả ngoại quan và nội quan, tức thị giác, thính giác, trí tuệ, nhận thức, tâm trí. “Trận địa” vừa hiểu là một trận địa cụ thể, một chiến dịch, đồng thời gợi đến một nghĩa bao trùm là thế trận, phương trận của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp.
Câu thơ thứ hai: Vạn trùng sơn ủng vạn trùng mây cho thấy nghệ thuật lập ý, dùng từ tài tình của Bác. Điệp từ “Vạn trùng sơn”, “vạn trùng mây” tạo thành hai vế đăng đối nhờ từ “ủng” liên kết. Câu thơ chỉ núi non trùng điệp, mây giăng lớp lớp của cảnh quan miền biên giới. Đặt trong bối cảnh sáng tác gợi sự liên tưởng đến đội ngũ, lực lượng, thế lực của dân tộc ta (vạn trùng sơn) và vị thế, triển vọng của cuộc kháng chiến (vạn trùng vân). Từ “ủng” liên kết hai vế mang nhiều ý nghĩa: Ôm, ôm ấp, họp lại, ủng hộ… như chỉ sự liên quan, tác động biện chứng giữa vế 1 và vế 2, tức giữa lực lượng kháng chiến và kết quả, triển vọng của cuộc kháng chiến. Quan hệ qua lại, cái này là tiền đề là kết quả của cái kia và ngược lại.
Nếu như câu 1 và câu 2 của bài thơ mang tầm bao quát, chỉ cái chung thì hai câu 3,4 hàm nghĩa cụ thể hơn, chỉ cái riêng, nói đến bản chất Quân đội ta. Đó là đạo quân vì đại nghĩa (nghĩa binh) lấy “đạo nghĩa thắng hung tàn”, vì lợi ích của dân tộc và nhân loại tiến bộ. Quân đội ấy chiến đấu vì đại nghĩa nên có chí khí, khí thế mạnh mẽ, hùng tráng (tráng khí) nuốt (thôn) được cả Sao Ngưu, Sao Đẩu. Tích hợp sự hấp thụ và biến đổi ý thơ của Phạm Ngũ Lão trong “Thuật hoài” (Tỏ lòng), sáng tác trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, thế kỷ XIII: “Ba quân tì hổ khí thôn ngưu” (Ba quân khí thế mạnh như hổ nuốt Sao Ngưu), câu thơ của Bác như muốn nhắc nhở truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc. Với “tráng khí” ấy, Quân đội ta (nghĩa binh) thay mặt Nhân dân kiên quyết chiến đấu “thệ diệt sài lang xâm lược quân”, thề tiêu diệt bọn xâm lược hung ác như lũ sói lang (chỉ thực dân Pháp).
“Đăng sơn” ra đời cách đây trên 70 năm, song tầm vóc, bản lĩnh, nhân cách Hồ Chí Minh cùng với chiến thắng Biên giới oai hùng vẫn chói ngời cùng lịch sử.