Nghệ thuật từ những mảnh vỡ
Văn hóa - Thể thao 18/07/2024 09:39
Kiệt tác từ những mảnh vỡ
Trăm năm qua, từ những bậc thầy nề, ngõa (thợ thủ công xây dựng cung đình Huế), những mảnh sành, mảnh thủy tinh vỡ, tưởng chừng như bỏ đi, dưới bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa đã tạo nên những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo của lăng tẩm, đền đài có một không hai ở xứ cố kinh này.
Nhiều người khi đến cố đô Huế phải kinh ngạc và mê mẩn các công trình khảm sành sứ, nhưng chẳng mấy ai biết rằng, sự nguy nga ấy được khởi đầu từ thứ cực kì mộc mạc và chân phương là những mảnh vỡ của sành sứ. Phải đến thời vua Khải Định, trang trí khảm sành sứ kết hợp thủy tinh màu mới phát triển rực rỡ, đã xuất hiện ở hàng loạt kiến trúc như Cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Thái Bình lâu ngự lãm, điện Kiến Trung… Tiêu biểu độc đáo nhất là nội thất lăng Khải Định.
Lựa được gam màu phù hợp, nghệ nhân dùng một chiếc kìm cắt kim loại nhỏ để cắt gọt mảnh sứ cho thật bo tròn, khớp với họa tiết trên bức phù điêu. |
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, nghề khảm sành sứ có từ thế kỉ XVII, ban đầu những người dân xứ Huế góp nhặt những phế phẩm từ các lò gốm để trang trí cho nhà cửa của mình thêm phần màu sắc và sinh động. Dần dần, việc khảm các mảnh sành sứ vào kiến trúc phát triển và ngày một tinh xảo hơn nên được ứng dụng vào đền chùa, miếu mạo và các kiến trúc hoàng gia của triều Nguyễn. Phong cách kiến trúc này được đánh giá có vai trò và vị trí quan trọng hàng đầu trong việc tạo nên diện mạo tiêu biểu cho kiến trúc cung đình triều Nguyễn.
Thời gian phong sương đằng đẵng phủ lên những cung điện đền đài ấy, nhưng những mảnh gốm sứ, mảnh chai, thủy tinh màu vẫn tỏa sáng và thành “tấm áo” bảo vệ cho từng công trình, làm sáng lên sắc màu cố đô giữa những rêu phong của thời gian. Hơn 140 năm trị vì đóng đô ở Huế, nhà Nguyễn đã biến nghệ thuật khảm sành sứ từ dân gian thành một nghệ thuật đáng kinh ngạc.
Nghệ thuật khảm sành sứ có mặt ở hầu hết các không gian kiến trúc cung điện và lăng tẩm của nhà Nguyễn. Qua đôi tay của các nghệ nhân, những khối kiến trúc như cổng Chương Đức, Thái Bình Lâu, Thế Miếu, tam quan Hiển Lâm Các, Hưng Miếu, Duyệt Thị Đường, Triệu Miếu, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng bà Lệ Thiên Anh, lăng bà Từ Dũ, lăng Khải Định, cung An Định… trở nên cao sang và lộng lẫy. Không chỉ phát triển thành nghề giúp người dân lo liệu “miếng cơm manh áo”, tay nghề nghệ nhân dần được mài giũa và đưa nghề khảm sành sứ vào nghệ thuật trang trí cung đình. Sau này, đền đài và miếu mạo các đời chúa Nguyễn được ứng dụng sâu sắc nghệ thuật khảm sành sứ.
Sống lại những phong sương thời cuộc
Dẫu qua rồi cái thời vàng son nhưng nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, bên cạnh lớp nghệ nhân xưa còn lại, đã có hẳn lớp thợ trẻ tay nghề cao kế tục. Việc phục hồi nghề khảm sành sứ với họ không chỉ là chuyện mưu sinh nữa mà còn là cái hồn cốt tinh anh của người Huế, đã góp phần khôi phục lại một số công trình hoang phế trở thành những công trình tuyệt tác từ mảnh vỡ của đời thường.
Theo nhiều nghệ nhân khảm sành sứ nổi tiếng ở xứ Huế, cắt gọt mảnh sành phải dùng lực vừa phải, bởi mạnh quá thì mảnh sành sẽ bị vỡ, phải cắt lại từ đầu. Tùy theo dụng ý trang trí mà nghệ nhân sẽ có sự phân phối màu sắc, chất liệu và cường độ tiếp sáng khác nhau. Kĩ thuật cắt mảnh, mài giũa cũng cần sự khéo léo, các mảnh sành sứ đặt cạnh nhau phải khít, độ phối màu chuẩn xác và không bị lộ mạch vữa. Chúng được kết dính với nhau bằng phụ liệu thật đặc biệt.
Thợ khảm sành sứ Hồ Văn Thành (48 tuổi, trú xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) với hơn 30 năm kinh nghiệm cho biết, để các nguyên liệu bám chắc vào nhau, không bị ảnh hưởng của biến đổi môi trường như mưa nắng, thay đổi nhiệt độ,... nghệ nhân dùng chất kết dính làm từ hàu trộn vôi, dồn thêm một số loại lá cây như giấy dó, bông cẩn, dây tơ hồng,... và mật để tạo thành một chất keo cực kì đặc biệt quánh dẻo, bền chắc, chịu được mưa nắng. Tỉ lệ thành phần nguyên liệu của loại vữa đặc biệt này tùy thuộc vào chất lượng và loại chất liệu sử dụng, tuy nhiên vôi là thành phần chính vì vậy việc làm vôi, lọc vôi là công thức bí truyền của các phường, thợ.
Để khảm được những bức tranh lên tường, trên mái đẹp đến như vậy đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay rất khéo léo và tài hoa. Từ hàng ngàn mảnh bát vỡ, sành sứ, thủy tinh đủ màu sắc bình thường, những người thợ đã đắp chúng thành những bức tranh, câu đối, phù điêu, hoa văn, họa tiết, điển tích khiến nhiều người phải trầm trồ. Ngay cả khi được nhìn tận mắt, chạm tay lên những bức phù điêu, nhiều người vẫn không hiểu sao có thể chọn lựa trong hàng trăm hàng vạn mảnh vỡ rồi gắn kết chúng thành một bức tranh hoàn hảo đến như vậy. Có những công trình như khiến nhiều người tưởng chừng lạc trôi về thời gian xưa cũ và trầm mặc giữa các điển tích như cá chép hóa rồng, lưỡng long tranh châu, phù điêu mai lan cúc trúc, chim công… với màu sắc lung linh rực rỡ.
Nghệ nhân Trần Viết Xảo, là nghệ nhân khảm sành sứ truyền thống (nề, ngõa) chia sẻ, mảnh vỡ của những loại gốm cổ, sành sứ có niên đại từ xa xưa được lựa chọn kĩ lưỡng theo công trình. Chẳng hạn như đình chùa, nhà dân, mộ táng thông thường thì trang trí họa tiết đơn giản hơn. Nếu là lăng tẩm, đền đài của vua chúa thì cầu kì, phức tạp và các loại men khảm cũng có độ bền ưu việt hơn. Mỗi công trình kiến trúc khảm sành sứ không chỉ mang tính mĩ thuật mà nó còn thể hiện sự cao sang của các bậc quyền quý.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, hiện ở Huế có nhiều công trình kiến trúc cung đình đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khảm mảnh sành, sứ như ở điện Thái Hòa, lăng Tự Đức, lăng Khải Định… và mới đây nhất là việc phục dựng lại Điện Kiến Trung từ những bức ảnh tư liệu lịch sử, đang mang đến một kiệt tác về nghệ thuật khảm sành sứ của xứ Huế.
Để hoàn thành một công trình khảm sành sứ thường mất khoảng từ 1-3 tháng, tùy thuộc vào quy mô lớn nhỏ của công trình và độ “rành nghề” của người thợ khảm. Ngày nay, nghề khảm sành ở Huế sau một thời gian mai một đang hưng thịnh trở lại góp phần giữ lại hồn cốt tinh anh của xứ cố kinh, khôi phục lại những công trình hoang phế trở thành di sản quý giá cho quốc gia và cho nhân loại.