Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi và nơi ươm mầm nhân ái
Nhịp sống văn hóa 25/10/2023 15:06
Năm 1954, vừa tròn 16 tuổi, Tường Vi gia nhập Quân đội, theo học lớp y tá. Năm 1955, bà được tập kết ra Bắc; về công tác ở Viện Quân y 108. Do tư chất thông minh, lại có giọng hát hay nên khi phụ mổ, băng bó, tháo dỡ vết đau cho thương binh, bà thường hát để người bệnh nghe quên đau đớn…
Tình cờ, giọng nữ cao truyền cảm được Đại tá Võ Hồng Cương ở Tổng cục Chính trị phát hiện liền xin Viện Quân y 108 cho Tường Vi về Đoàn Ca múa Quân đội. Thời gian này, bà vừa đi biểu diễn và theo học Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội.
Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi. |
Năm 1975, Tường Vi được cử sang học ở Nhạc viện Quốc gia Xôphia (Bungari). Sau 4 năm học, bà về nước với giọng nữ cao, trữ tình, kĩ thuật thanh nhạc hoàn thiện.
Qua gần 60 năm, tiếng hát và những ca khúc sáng tác, Tường Vi đã góp phần động viên quân dân cả nước chống giặc ngoại xâm. bà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1983 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993; có tên trong Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.
Năm 1993, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi về hưu, song bà vẫn thường luyện thanh và nghe giọng nói đầy âu yếm của lũ trẻ ở làng SOS: “Con muốn hát hay như cô”; “Con muốn trở thành ca sĩ…”.
Do có lòng yêu thương trẻ thơ, đặc biệt đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật do chất độc da cam, bà thật sự xúc động, tập hợp được 10 em dạy hát cho chúng; sau mở rộng, có tới 60 em, thành “Trung tâm nghệ thuật tình thương”.
Để Trung tâm hoạt động tốt, bà phải đi vận động các giáo viên từng là ca sĩ, nhạc sĩ, nhân viên dạy nghề, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước, xây dựng 3 trung tâm ở Hà Nội, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; đã thu hút hơn 300 em theo học đủ các bộ môn ngành nghề. Hàng trăm em trở thành hạt nhân văn hóa văn nghệ ở cơ sở, có việc làm ổn định trong các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt có 30 em thi đậu vào Nhạc viện Hà Nội, Đại học Âm nhạc Huế, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Múa Việt Nam.
Em Trương Bích Diễm, ở Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, thi đậu vào Nhạc viện Hà Nội, tâm sự: “Nhờ mẹ Tường Vi và các cô, các chú ở Trung tâm, âm nhạc đã thắp sáng ngọn lửa trong tâm hồn cháu…”. Em Hà Văn Chương, ở Quảng Ngãi, bị di chứng chất độc da cam của Mỹ, mù cả hai mắt. Nhờ tình thương và dạy bảo của các thầy, các cô, năm 2004, đã đậu thủ khoa môn đàn bầu, Đại học Âm nhạc Huế xúc động nói: “Tiếng đàn bầu của em trong trẻo, bởi từng giọt đàn có lòng nhân ái của mẹ Tường Vi và các thầy, các cô ở Trung tâm”.
Hai em Thanh Lan và Hương Giang, học sinh giỏi khoa Piano, Nhạc viện Hà Nội. Còn có em bay cao, vươn xa như Đồng Quang Vinh, đạt Huy chương Vàng trong liên hoan nghệ thuật giọng hát hay toàn quốc. Vinh đỗ loại ưu vào Nhạc viện Thượng Hải - Trung Quốc; từng đi biểu diễn ở Nhật Bản, Na uy, Thụy Điển,… Em Khánh Thi, tốt nghiệp Cao đẳng múa Việt Nam, tiếp tục tu nghiệp ở Pháp.
Qua gần 60 năm, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi đã đem tiếng hát và những nhạc phẩm sáng tác, góp phần động viên quân dân chống giặc, cứu nước. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, song nghệ sĩ vẫn có những đóng góp văn hóa - nghệ thuật, cống hiến cho xã hội. Bà tâm sự: Có được thành công trên là nhờ sự động viên, giúp đỡ về tinh thần, vật chất của các nhà hảo tâm, các nghệ sĩ trong và ngoài quân đội đối với 3 trung tâm Nghệ thuật tình thương, cần mẫn, chăm lo đào tạo những mầm non nghệ thuật cho đất nước