Ngày Độc lập lại nghĩ về thời cơ và chớp thời cơ
Cùng suy ngẫm 02/09/2021 11:07
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
1. Trong những lần đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, mà dân chúng gọi là giặc Tàu, chỉ kể từ trận Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy đến trận Đống Đa năm 1789 do Nguyển Huệ chỉ huy đều tận dụng thời cơ khi quân địch đã suy yếu, nhân dân đã đồng lòng và lực lượng đã đủ mạnh để tổng tấn công giành thắng lợi cuối cùng. Tháng 8/1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, dù ngay từ đầu bị quân dân Nhà Nguyễn chặn đánh quyết liệt, trong hơi 80 năm, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhưng sức ta yếu, thời cơ chiến lược chưa có nên mãi đến tháng 8/1945 mới giành lại được đất nước.
Có luận điệu cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là sự “ăn may”. Chưa nói đến sự xuyên tạc để phủ nhận vai trò của Việt Minh và chống đối nhà nước Việt Nam, những người Việt có luận điệu kiểu như “Khoảng trống quyền lực có thể được mô tả cụ thể hơn là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng Minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị (Việt Nam) cho đến khi quân Đồng Minh tới”, và “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã mời Việt Minh giành chính quyền” trong cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War”(Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh) xuất bản năm 1991 của nhà sử học S.Tonnesson, người Na Uy, rõ ràng là không trung thực với lịch sử.
Nên nhớ, để có cuộc tổng khởi nghĩa trong vòng hai tuần, từ ngày 14 đến 28/8/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của Người phải mất 20 năm vô cùng gian nan, nguy hiểm chuẩn bị, từ đầu năm 1925, khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm xây dựng lực lượng cách mạng và là bước khởi đầu để Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời tháng 2/1930.
Tháng 5/1941, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân chống ngoại xâm, giành lại độc lập. Từ tháng 2/1941, Đảng đã xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, đến đầu năm 1943 mở rộng ra Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, lần lượt thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tháng 12/1944), Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5/1945).
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay trong tối ấy, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị nhận định, cuộc đảo chính sẽ tạo ra sự khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện khởi nghĩa của Đông Dương đi tới chín muồi.
Từ ngày ngày /, , đánh tan quân Đức, chấm dứt trên chiến trường . Giữa trưa ngày 13/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và lệnh khởi nghĩa được ban ra kịp thời: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà”!
Như vậy, thời cơ của cuộc Cách mạng Tháng Tám chỉ tồn tại khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 13/8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Potsdam (ngày 5/9). Vì thế, nếu phát động tổng khởi nghĩa trên toàn quốc trước ngày 13/8 và sau ngày 5/9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 13/8, quân Nhật còn mạnh, còn sau ngày 5/9 vẫn có nhiều thế lực thù địch (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng - Mỹ, từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh, núp bóng quân Anh là quân Pháp trở lại xâm lược), sẽ mất đi thế chủ động và sẽ gặp nhiều khó khăn khác. Vì vậy, chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi khi chớp thời cơ trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt ấy.
Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến 28/8/1945, đồng bào đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Năm hôm sau, ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Trong hai cuộc chiến tranh giữ nước vừa qua, là nước nhỏ, kinh tế yếu kém, khoa học - công nghệ chưa phát triển, để thắng được quân Pháp và quân Mỹ, ngoài lòng yêu nước, vấn đề tận dụng thời cơ, tạo ra thời cơ luôn được Đảng và quân đội đặt ra.
Cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để củng cố, mở rộng cứ điểm, mà theo tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì đó là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả Đông Nam Á, là cái bẫy đối với các sư đoàn của Việt Minh, mấy ngày gần cuối tháng 11/1953, tại hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho rằng, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là bị động phân tán lực lượng, căn bản là có lợi cho ta. Đánh giá ấy chính là tầm nhìn về thời cơ, bởi Pháp tập trung binh lực, hỏa lực rất lớn ở Điện Biên Phủ với 17 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, phần lớn là lính tinh nhuệ, 3 tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay thường trực 14 chiếc, chưa kể 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ, đã “tạo điều kiện” cho quân ta tiêu diệt đối phương, từ đó làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh. Nhận định ấy là chính xác, bởi sau 56 ngày đêm, từ 13/3 đến 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc quân Pháp phải rút về nước, phải trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương.
Thời cơ trong các cuộc cách mạng đến từ nhiều cách khác nhau, có thể xuất hiện do những yếu tố khách quan và chủ quan, quan trọng là nghệ thuật vận dụng chúng. Nghệ thuật vận dụng thời cơ để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thể hiện tuyệt vời nhất là sau chiến thắng đường 14, giải phóng tỉnh Phước Long (từ ngày 26/12/1974 đến ngày 6/1/1975) có ý nghĩa rất quan trọng về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, là thực tiễn để đánh giá khả năng phản ứng của Việt Nam Cộng hòa, khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, và đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột (10/3/1975), Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định giải phóng miền Nam trong mùa khô 1975. Sự chuẩn bị khẩn trương để chớp thời cơ đã thu giang sơn về một cõi trong ngày 30/4/1975, đưa đất nước bước vào một trang sử mới.
3. Bài học về tạo thời cơ và chớp thời cơ tiếp tục là sức mạnh trong quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc.
Năm 1986, tận dụng thời cơ có sự chuyển biến trong lý luận và nhận thức về vai trò của kinh tế thị trường, Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra chủ trương đổi mới, đưa Việt Nam thoát ra khỏi những khó khăn của thời kỳ bao cấp và ảnh hưởng của chiến tranh. Năm 1989-1990, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Đó là một tổn thất rất lớn đối với khối xã hội chủ nghĩa, nhưng Việt Nam vẫn đứng vững, vẫn đi theo con đường đã chọn là do Đảng chuyển hóa khó khăn thành cơ hội để hội nhập quốc tế, uyển chuyển trong chính sách ngoại giao để mở rộng quan hệ đối tác, bạn bè với hầu hết các nước trên thế giới. Những năm sau đó, Việt Nam đã nắm bắt tốt thời thế để gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (2007)…
Với mục tiêu năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam phải tiếp tục nắm bắt thời cơ, tạo ra thời cơ để xác lập tầm nhìn, định vị chiến lược xây dựng đất nước hùng cường.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và chưa biết bao giờ chấm dứt, có thể phải “chung sống” với virus SARS-CoV-2, nhưng đó cũng là thời cơ để nước ta phát triển kinh tế số, tạo ra phương thức làm việc online, hội họp, học hành, kinh doanh trực tuyến…, xây dựng đất nước theo tư duy mới, mô hình mới và trên cơ sở một xã hội nhân văn.