Năng lượng Nhật kí Đặng Thùy Trâm
Văn hóa - Thể thao 10/11/2022 10:49
Tôi đọc “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” lần đầu vào tháng 5/2005, khi đi tập huấn dài ngày ở Hà Nội. Trong suốt một tuần, tôi say sưa đọc và ghi chép lại những đoạn mà tôi cảm phục yêu thích, mến mộ. Từng trang, từng dòng chị viết là sự mực thước, chỉn chu của cuộc sống giữa chiến trường ác liệt. Chị viết bằng cảm xúc rất thật, rất tự nhiên và chứa đựng nhiều chất văn chương với những lời tự tình sâu kín từ trái tim của một nữ trí thức, một chiến sĩ, yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống. Từng trang, từng dòng trong nhật kí trở thành ngọn lửa nhân lên nhiệt huyết cho mọi độc giả. Đọc “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” năng lượng sống, khát vọng trong tôi được bồi đắp như những cánh đồng được bồi đắp phù sa màu mỡ.
Theo Frederic Whitehurst, cựu binh Mỹ, trong chiến tranh Việt Nam, ông có nhiệm vụ kiểm tra tất cả tài liệu bắt được của địch, giấy tờ nào không có giá trị cho cuộc chiến thì được lệnh phải đốt đi. Khi Ferd định đốt hai cuốn nhật kí của Đặng Thùy Trâm thì thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Trung Hiếu, thông dịch viên của Fred ngăn lại: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa rồi!”. Điều này khiến Fred thấy lạ vì Hiếu là người của quân đội miền Nam, Đặng Thùy Trâm tuy là bác sĩ nhưng chị vẫn thuộc quân đội miền Bắc, niềm kính trọng của Hiếu đối với Trâm có thể coi là một sự phản bội. Thật may, Fred tôn trọng ý kiến của Hiếu và khâm phục sự dũng cảm này của anh. Và 35 năm sau cuốn nhật kí ấy đến tay bạn đọc. Fred đã viết: “Trên thế gian có nhiều thứ tình yêu. Có tình yêu lãng mạn của tuổi trẻ. Có tình yêu của anh em ruột thịt. Tôi đã yêu Đặng Thùy Trâm như một người chị của mình”.
Xin nói thêm rằng, nếu Fred làm điều đó trong chiến tranh, hoặc việc ông làm bị cấp trên biết, thì ông phải về nước ngay lập tức, thậm chí là ngồi tù.
“Nhật kí Đặng Thùy Trâm” trở nên nổi tiếng. Có lẽ vì, hầu như bất kì ai, dù ở bên phía bên này hay bên kia chiến tuyến, dù đã trải qua bom đạn khốc liệt hay chưa, dù thuộc thế hệ chiến tranh hay là hậu chiến tranh, đều hết sức xúc động trước chân dung của một tâm hồn cao đẹp giữa chiến tranh tàn khốc.
Nữ bác sĩ, liệt sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm (26/11/1942 - 22/6/1970), sinh ra ở Huế nhưng lớn lên ở Hà Nội, là chị cả trong một gia đình trí thức, bố là bác sĩ ngoại khoa, mẹ là giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội. “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” được viết từ ngày 8/4/1968 đến 20/6/1970, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Khi đọc Nhật kí Đặng Thùy Trâm nhiều lúc tôi đã phải nghẹn ngào dừng lại với những xúc động trào lên từ trong tâm can. Ngay từ những trang nhật kí đầu, chị viết: “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”, phải chăng đó là phương châm sống để chị vượt qua những tháng ngày gian khổ, ác liệt? Khó khăn biết nhường nào khi một nữ bác sĩ trẻ phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại với bom đạn khủng khiếp ở chiến trường. Ngày 16/12/1968, chị viết: “Khó khăn vẫn liên tục, hết chuyện này qua chuyện khác. Địch mở đợt càn quy mô. Khu vực mình trong diện đánh phá, mọi việc đều phải chuyển hướng”. Cái chết như trở bàn tay, ngày hôm qua còn cùng trò chuyện vậy mà hôm nay đã vùi sâu dưới ba tấc đất! Nhưng với ý chí nghị lực phi thường chị đã luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn luôn cố gắng vực dậy khỏi yếu đuối bi quan. Chị viết: “Có hoa thơm nắng đẹp thì cũng có đám mây đen vẩn đục bầu trời”, “Cố lên Thùy ơi ”! Chị đã tự động viên mình như thế. Tất cả vì nền độc lập tự do của dân tộc. Khát vọng của chị cũng là khát vọng của hàng triệu con người Việt Nam. Mong một ngày đất nước thôi quằn quại dưới bom đạn quân thù, ngày hòa bình lập lại trên quê hương. Bởi vậy chị luôn tận tụy với công việc, chăm lo bệnh nhân từng li từng tí, luôn lo các thương binh bị đói bị rét. Mỗi lần có một ca tử vong lòng chị lại đau đớn quặn thắt, bất lực “Như tên lính bại trận giơ hai tay để kẻ thù cướp vũ khí ”.
Đặng Thùy Trâm là người khát khao hòa bình. Ngày 14/7/1969 chị viết: “...Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên, con cũng cay đắng vì không được sống tiếp tục cuộc sống hòa bình, hạnh phúc mà mọi người, trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn ngày hạnh phúc, cho nên có ân hận gì đâu!”.
Tình yêu thương gắn liền với lí tưởng mình đã chọn, là sự thống nhất trong suy nghĩ của chị. Ngày 7/1/1970, chị viết: “...Ai biết chăng dù ta có chết/ Cho ngày mai đất nước tự do/ Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ/ Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy...”. Tình yêu và chân lí sống của chị Thùy Trâm tuy hai mà một, nó tạo nên một niềm tin sắt đá về một chiến thắng ngày mai, đó là niềm tin chiến thắng của cả một thế hệ, thế hệ Hồ Chí Minh.
Từ niềm tin, mục tiêu chiến đấu đã hình thành nên tình thương sâu sắc với đồng đội và Nhân dân rộng lớn bao la như biển cả. Ngày 24/1/1970, chị viết: “...Hôm qua trên đường đi, dấu giày giặc còn mới bên xác một người bộ đội ngã bên đường còn chưa chôn và những sợi dây gài mìn giặc còn giăng đầy trên đường đi. Bọn mình qua đèo ải giữa một thời gian trống, địch mới vừa quay đi và lát nữa nó lại trở vào phục kích lại... Cái chết quá gần gũi và giản đơn. Cái gì làm cho cuộc sống bọn mình vẫn bừng lên mãnh liệt? Đó có phải chăng là tình nhân ái giữa con người? Đó phải chăng là niềm ước mơ ở ngày mai vẫn còn cháy bỏng trong mình và những người đồng đội? Có phải vậy không hỡi đồng chí yêu thương?”. Ngày 2/2/1970, chị viết: “...Đêm trăng, tôi muốn nhìn rõ mặt từng đồng chí, nhưng ánh đèn chỉ soi rõ mặt một số người. Tôi đứng nhìn em, em yêu thương, mong em hãy cảnh giác. Chị sẽ thức chờ em trở về. Không thể nào dập tắt được nỗi lo âu đè nặng trong lòng...”.
Sống, chiến đấu ở chiến trường, chị Đặng Thùy Trâm được cán bộ và bà con địa phương hết lòng thương yêu, che chở, chị cũng cảm nhận tình cảm ấy bằng sự nâng niu, chân thành. Ngày 8/11/1968, chị viết về tình thương của người em trai kết nghĩa tên là Thuận: “...Cứ mỗi lần nghe em nói về tình thương của em đối với chị, chị lại thấy kì lạ. Tại sao những người cách mạng lại có thể thương nhau đến mức ấy nhỉ? Một tình thương sâu thẳm và mênh mông như biển cả, một tình thương trào dâng như những đợt sóng bạc đầu, một tình thương trong trắng, chân thành, vô hạn...”.
Nhật kí cũng cho thấy khí phách, tính đấu tranh quyết liệt của chị khi sống giữa chiến trường. Ngày 21/1/1970, chị viết: “...Mình tự thấy mấy bữa rày mình có những cái bực mình khá vô lí... Xuất phát từ đâu? Anh em và cả chính mình đều thấy khó chịu. Không thể như vậy được đâu Thùy ơi! Thùy hãy nghiêm khắc với mình, rèn luyện Thùy thành một người em ngoan ngoãn, dịu hiền, làm một cán bộ có trách nhiệm, hiểu ý quần chúng và biết đặt quyền lợi chung lớn hơn tất cả. Phải khiêm tốn, uy tín là mọi người mang đến cho mình bởi sự mến phục chứ không phải tự mình gắn cho mình được. Mong Thùy hãy nghiêm khắc khắc phục những thiếu sót trên”.
Sống giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chứng kiến cảnh những người mình yêu quý - những người đồng chí, đồng đội ngã xuống nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình niềm lạc quan cùng niềm tin bao la. Chị vẫn rung cảm trước “Những cơn gió xào xạc” hay “Những buổi ban mai dịu mát”, ngồi dưới bom đạn chiến tranh, chị ước mơ về một ngày hòa bình, lại nhớ về những năm tháng bình yên bên cha mẹ thuở trước. Tâm hồn chị luôn nuôi dưỡng “Niềm lạc quan, tin tưởng vào nhựa sống, niềm hi vọng mát xanh trong tâm hồn”.
Đặng Thùy Trâm là một con người luôn biết dùng lí trí để chiến thắng những lúc yếu mềm của tình cảm. Ngày 11/2/1969, chị viết: “Th. ơi tại sao vậy hở Thùy? Tại sao mà giấc ngủ không ngon vì những hình ảnh chập chờn trước mắt… Tình cảm bao giờ cũng có lí trí chỉ đạo. Vậy thì… hãy dẹp mọi nhớ thương đang cháy bỏng trong lòng để tập trung vào công tác. Hãy dẹp đi những tình cảm sôi nổi trong trái tim đầy nhựa sống của Th… có nghe không Th.? Tiếng súng ngoài kia đã nổ bắt đầu báo hiệu một mùa Xuân đại thắng”.
Nhiều lần tôi tự hỏi: Tại sao giữa cuộc sống tươi đẹp như hiện nay, tôi lại thiếu đi niềm lạc quan tin yêu? Đặng Thùy Trâm, chị quả thực trong sáng đến thánh thiện, mang một tâm hồn trong trẻo quá đỗi, thật đáng khâm phục.
Chị luôn để một tình thương đau đáu sâu nặng với đồng bào nơi mình đến. Đặt niềm tin, hi vọng tươi đẹp dẫu trong tàn khốc chiến tranh thì màu xanh cuộc sống vẫn hứa hẹn đâm chồi nảy lộc, ngày 25/3/1969 chị viết: “...Đồng bằng ơi! Những ruộng lúa xanh rì với bông lúa đã bắt đầu nặng hạt. Đồng bằng ơi! Những tà áo màu, những chiếc nón trắng của những cô gái duyên dáng. Đồng bằng ơi! Dù lửa khói còn đang cháy đỏ, nhưng không cháy được màu xanh của cuộc sống đang lên...”.
Mỗi lần gập cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” là một lần tôi bâng khuâng, luyến tiếc. Bởi lẽ, cuốn sách đã mang đến trong tôi nhiều điều mới lạ, giúp tôi chiêm nghiệm cuộc sống của chính mình. Ngọn lửa trong “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã truyền sang trái tim tôi, tôi cảm giác yêu đời và tự tin hơn vào cuộc sống.