Luật sư phân tích cơ chế vết thương của nạn nhân, khẳng định Vì Văn Khiêm không phạm tội giết vợ
Pháp luật - Bạn đọc 10/06/2021 10:50
Như đã phản ánh ở số báo trước, tử tù Vì Văn Khiêm có nhiều chứng cứ ngoại phạm, với những lời khai của các nhân chứng đã chứng minh, việc sử dụng thời gian của Khiêm từ buổi chiều tối đến hơn 23 giờ ngày 7/3/2013, rất rõ ràng, cụ thể, có tính liên tục, không có gì bất minh. Thế nhưng những chứng cứ ngoại phạm này bị các cơ quan tố tụng bỏ qua, không xem xét một cách khách quan mà vẫn kết tội Khiêm giết người.
Vụ án này còn cho thấy, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng khi giải quyết vụ án như: tạm giữ người trái phép; dụ cung, ép cung; không thực nghiệm điều tra hiện trường; không trưng cầu giám định vết máu, thu thập vật chứng, hung khí gây án theo đúng quy định của pháp luật; không thực thiện đúng, đủ các yêu cầu điều tra; hung thủ khai chém nhiều nhát vào đầu, chém, cắt cổ nạn nhân, nhưng không phù hợp với thương tích trên thi thể nạn nhân, cùng nhiều điểm mâu thuẫn giữa kết luận điều tra, cáo trạng, lời khai của các nhân chứng về tình tiết của vụ án.
Tại các bản án, hành vi của Khiêm được mô tả (trích): “…Thấy chị Chung đang cúi lấy nước, Khiêm đi nhanh đến từ phía sau bên trái, thấy có người đến chị Chung ngoảnh mặt lại nhìn, thì bị Khiêm cầm dao chém mạnh một nhát trúng vào phía dưới dái tai trái, vị trí giữa hoa tai. Bị chém bất ngờ, chị Chung kêu lên một tiếng “ối” rồi ngã chúi đầu vào thành bể. Thấy vậy, Khiêm dùng tay trái đỡ vòng trước ngực chị Chung, tay phải vẫn cầm dao ôm và kéo lết chị Chung về phía nhà vệ sinh của gia đình ông Phúc (cách đó 6,5m). Khi đến sát tường nhà vệ sinh (phía Nam), Khiêm bị tuột tay làm chị Chung ngã va đầu vào tường. Khiêm dùng tay nắm vào vai áo chị Chung kéo sang bờ tường phía sau nhà vệ sinh (phía Tây), trong tư thế nằm sấp, phần đầu và ngực gác lên tường nhà vệ sinh.
Ông Vì Văn Phúc, bà Lò Thị Quý, cha mẹ tử tù Vì Văn Khiêm đi kêu oan cho con |
Lúc này, Khiêm đứng bên trái người chị Chung tay phải cầm dao chém liên tiếp nhiều nhát vào vùng đầu, trán. Chị Chung cố gượng dậy và giơ tay lên ôm đầu, thì bị chém cả vào tay. Sau khi chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu chị Chung nhưng thấy chưa chết, nên Khiêm tiếp tục túm tóc kéo giật người chị Chung ở trong tư thế quỳ hai đấu gối xuống đất, đầu ngửa ưỡn ra phía sau, rồi cầm dao bằng tay phải chém mạnh một nhát vào cổ chị Chung, hướng từ trước ra sau, làm đứt vùng trước cố và đứt đốt sống cổ thứ 3. Tiếp đó Khiêm dùng dao, miết lưỡi dao qua cổ chị Chung, nên phần đầu còn dính lại một phần da sau cơ gáy, đồng thời kéo và thả chị Chung ngã ngửa về phía sau, rồi Khiêm cầm dao quay lại khu bể nước rửa chân tay và dao có dính máu của chị Chung…” (hết trích).
Văn bản số 188 CV/CTLHL của Công ty luật TNHH Hòa Lợi |
Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty luật TNHH Hòa Lợi cho rằng, hồ sơ vụ án cho thấy có sự mâu thuẫn giữa kết luận giám định pháp y, với kết luận của các cơ quan tố tụng, về cơ chế hình thành các vết thương trên mình nạn nhân Lò Thị Chung. Kết luận giám định pháp y tử thi Lò Thị Chung của Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La (BL 34) thể hiện, trên thi thể nạn nhân có hơn 20 vết chém, cụ thể:
Vùng đỉnh đầu có 4 vết thương nằm ngang, bờ mép sắc gọn, có chiều hướng từ trước ra sau làm đứt toàn bộ da, cơ và vỡ xương hộp sọ, các vết thương gần nhau trên diện rộng 18cm x 12cm (vết dài nhất 18cm). Vùng trán có 6 vết thương nằm ngang, bờ mép sắc gọn, có chiều hướng từ dưới lên trên, làm đứt toàn bộ da, cơ, làm vỡ xương hộp sọ vùng trán và để lộ tổ chức não, các vết thương đan xen nhau trên diện rộng 14cm x 7cm (vết dài nhât 14cm). Mặt, cách dái tai trái 1cm có 2 vết thương rách da nằm ngang, cách nhau 2cm, được phân cách bởi chiếc hoa tai bên trái bị biến dạng cơ học, lõm bẹp vào phía trong cơ thể, từ đầu V1 đến cuối V2 dài 6cm, rộng 0,3cm, sâu 01cm. Cổ mặt trước có vết thương toác rộng nằm ngang làm đứt toàn bộ khí quản, thực quản, bó mạch cảnh phải, trái và đứt ngang 1/3 dưới đốt sống cổ CIII, có chiều hướng từ trước ra sau. Tay phải, mặt trước trong cổ tay có 1 vết thương nằm ngang, bờ mép sắc gọn, sâu 3,5cm làm đứt đầu dưới xương trụ, mặt mu sát dìa ô mô ngón út có hai vết thương rách da, V1: dài 1,5cm, V2: lóc da và có kích thước 4cm x 3cm, có chiều hướng từ dưới lên trên. Tay trái, 1/3 trên mặt trước ngoài cánh tay trái có 1 vết thương rách da, bờ mép sắc gọn, sâu hết phần trung bì, có chiều hướng từ trên xuống dưới, có kích thước 3cm x 0,5cm. Mặt mu ngón II bàn tay trái có 1 vết thương rách da, bờ mép sắc gọn, sâu sát xương có kích thước 7cm x 0,2cm. Mặt trong ngón II và ngón III bàn tay trái có vết thương làm lóc da, bờ mép sắc gọn, có chiều hướng từ dưới lên trên, dài 4cm, mất một phần đốt III các ngón II, III, IV, V.
“Vậy xin hỏi các cơ quan tố tụng, các vết thương ở hai tay của nạn nhân kẻ nào gây ra, tại sao không xét đến? Theo kết luận giám định pháp y, các vết thương ở đầu nằm ngang, bờ mép sắc gọn, có chiều hướng từ trước ra sau; các vết thương vùng trán nằm ngang, bờ mép sắc gọn, có chiều hướng từ dưới lên trên. Vậy tử tù Vì Văn Khiêm có gây được các thương tích như vậy trong tư thế mà các bản án mô tả? Xin thưa rằng, hoàn toàn không phù hợp” – Luật sư Lợi đặt các câu hỏi.
Tử tù Vì Văn Khiêm tại phiên sơ thẩm TAND tỉnh Sơn La (ảnh IT) |
Viện KSND tỉnh đã có Phiếu yêu cầu điều tra với 9 nội dung, trong đó nội dung thứ 6 nêu: “Về diễn biến khi Khiêm kéo vợ vào khu vực sau nhà vệ sinh, chém tại nhà vệ sinh lúc đó nạn nhân đã ngất sau nhát chém thứ nhất, nhưng kết quả khám nghiệm thấy trên 2 tay nạn nhân có nhiều vết thương dạng chống đỡ, cần xác định diến biến sự việc, sự chống đỡ của nạn nhân như thế nào?”. Thế nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La không điều tra làm rõ, không trả lời yêu cầu này của Viện KSND tỉnh, nhưng Viện KSND tỉnh vẫn bỏ qua, không yêu cầu làm rõ những điều vô lí từ lời khai của Vì Văn Khiêm, đối chiếu với các thương tích để lại trên thi thể nạn nhân.
Luật sư Lợi cho rằng, những thương tích trên người nạn nhân thể hiện, rất có thể nạn nhân bị hung thủ chém khi đang cố tránh né, chống đỡ và đang đối mặt với hung thủ. Cơ quan điều tra cho rằng “Khiêm đứng phía sau bên trái, tay phải cầm dao chém liên tiếp nhiều nhát vào vùng đầu, trán, lúc này chị Chung cố gượng dậy và giơ tay lên ôm đầu theo phản xạ, thì bị chém cả vào tay”. Luật sư Lợi nhận xét: “Thật vô lí, hai tay nạn nhân ôm đầu, thì làm sao hung thủ gây ra được các vết thương ở mặt trước, trong cổ tay phải, trong lòng hai bàn tay?”.
“Tóm lại, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua việc xem xét cơ chế hình thành thương tích trên thi thể nạn nhân, để có căn cứ xác đáng đánh giá hành vi của Vì Văn Khiêm có hay không có? Với tất cả tài liệu có trong hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy, Vì Văn Khiêm không phạm tội “Giết người”, đây là một vụ án oan” – Luật sư Lợi kết luận.
Đại diện nạn nhân kêu oan cho tử tù Bị cáo buộc tội “giết vợ”, Vì Văn Khiêm bị hai cấp tòa tuyên mức án tử hình. Gia đình và bản thân tử tù ... |