Linh thiêng đền đức ông Hoàng Cần
Văn hóa - Thể thao 24/05/2024 10:14
Theo các nguồn tư liệu, đền đức ông Hoàng Cần được xây dựng vào cuối triều Lê đầu triều Nguyễn. Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đền đã trở thành phế tích. Đến năm 2012, đền mới được tôn tạo lại như ngày nay.
Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Ở trên bãi cát cửa Suốt thuộc xã Cẩm Phả châu Tiên Yên, tương truyền đời Trần có giặc răng trắng mỏ vàng, lấn cướp bóc dân bãi biển, có Hoàng Cần người xứ Hải Lạng tự đem thủ hạ của mình đuổi đánh, tay cầm cọc tre đánh tan được giăc, đuổi đến xã Vô Ngại, cắm cọc tre làm mốc giới, đến nay các đốt tre ở vùng biên giới đến xã Tiên Yên đều mọc ngược. Sau khi ông mất, được phong tặng khâm sai Đông Đạo tiết chế, người địa phương lập đền thờ. Thuyền bè qua lại cầu đảo đều được linh ứng”.
Ngôi đền thờ đức ông Hoàng Cần. |
Đức ông Hoàng Cần, người được người dân vùng cửa biển từ Cẩm Phả, Tiên Yên cho đến tận biên giới Bình Liêu xa xôi xây đền thờ. Về thân thế đức ông Hoàng Cần, chuyện kể rằng: Vùng Hải Lạng, châu Tiên Yên khi xưa, có một gia đình quý tộc. Vợ chồng gia đình quý tộc này, thường xuyên giúp đỡ những người cơ cực, bần hàn và hay đi lễ đình, chùa trong làng. Năm ấy, vợ nhà quý tộc sinh được một người con trai đặt tên là Cần, vì mong ước sau này đứa con lớn lên cần cù, chịu khó và hay làm việc thiện. Từ nhỏ, Hoàng Cần vốn rất thông minh, hiếu thảo được bà con trong vùng ai cũng quý mến. Cần được cha mẹ cho theo học một thầy giáo trong làng. Sau đó, vì học hết chữ nên ông trở về nhà tự học. Vốn có sức khỏe, lại thông minh, làm nhiều việc nghĩa nên Hoàng Cần rất được lòng nhiều người. Thuở ấy, biên cương phía Bắc có giặc răng trắng mỏ vàng rất hung dữ, chúng đi đâu cũng cướp phá, giết người dân dã man khắp một vùng từ Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu. Lúc bấy giờ, Hoàng Cần dùng tiền của gia đình tập hợp gia nô và thủ hạ ngày đêm luyện tập rồi đem quân đánh giặc. Trên sa trường, Hoàng Cần tả xung hữu đột, làm cho quân giặc chết như rạ. Mải mê đánh giặc, khiến các vũ khí của ông bị hỏng. Thấy bụi tre ven đường, Hoàng Cần liền nhổ tre làm vũ khí đánh giặc. Đuổi giặc khỏi đất Bình Liêu, ông cùng Nhân dân nơi biên ải trồng tre để phân định biên giới và để cản giặc không cho chúng tràn qua quấy phá.
Sau khi thắng trận trở về, Hoàng Cần ra sức xây dựng quê hương và thường giúp dân, dạy dân cách làm ăn. Sau ngày ông mất, triều đình đã phong tặng ông chức khâm sai Đông Đạo tiết chế tướng quân. Nhà Nguyễn phong tặng ông chức Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thần và Bản cảnh Thành hoàng. Nhân dân địa phương kính trọng gọi ông là Đại vương và lập đền thờ cúng, còn gọi là miếu Đại vương.
Đền thờ đức ông Hoàng Cần là một ngôi đền lớn trong vùng, được xây trên chính quê hương của ông. Đền gồm 1 tòa đại bái 5 gian, 2 chái, hai tòa giải vũ. Trước cửa đền là tòa đại bái có tượng thờ đức ông Hoàng Cần được sơn son thiếp vàng, ngồi trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn, khuôn mặt nghiêm trang, uy dũng, tôn nghiêm, luôn nghi ngút khói hương và đầy ắp đồ lễ. Bên dưới chính điện thờ các tướng lĩnh - những người kề vai sát cánh với Hoàng Cần trong trận chiến năm xưa. Trong đền còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu và thổ thần. Các họa tiết kiến trúc bằng gỗ của đền Hoàng Cần được trạm trổ công phu với các mô-típ long, lân, quy, phụng điển hình của đền Việt. Ngoài ra, ngôi đền thờ đức ông Hoàng Cần cũng là một địa điểm lí tưởng để khám phá những nét văn hóa đặc sặc gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Hiện trong đền vẫn còn lưu giữ các sắc phong về công lao to lớn của ông khi đánh giặc, xây dựng, bảo vệ đất nước. Nhân dân các vùng ven biển từ Cẩm Phả đến Tiên Yên, Bình Liêu đều lập đền thờ ông. Người dân, đặc biệt người đi thuyền bè qua vùng đất này lên cầu đảo đều được linh ứng.
Theo Ban Quản lí Di tích tỉnh Quảng Ninh, Lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, ngoài ra còn 4 ngày lễ khác là các ngày Rằm tháng 4, Rằm tháng 7, Rằm tháng 10, Rằm tháng Chạp. Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thể thao huyện Tiên Yên cho biết: “Ngôi đền thờ đức ông Hoàng Cần là một ngôi đền rất linh thiêng, Nhân dân trong vùng các ngày tuần, Rằm lễ, Tết đến tham quan chiêm bái rất đông”.
Bà Nguyễn Thị Chúc, quản lí đền thờ Hoàng Cần, cho biết: “Đền đức ông Hoàng Cần không chỉ là công trình nghiên cứu, mà còn là chốn tâm linh của rất đông phật tử, và nhiều chuyện linh thiêng vẫn còn lưu truyền đến ngày nay”.