Làng hương Quảng Phú Cầu hối hả những ngày cuối năm
Nhịp sống văn hóa 18/01/2022 17:22
Lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống
Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, xã Quảng Phú Cầu từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tăm hương. Trên đường dẫn vào các thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ luôn tay vót nứa làm tăm hương. Những 'đoá tăm hương' rực sắc đỏ, sắc hồng cũng 'bung nở' dọc đường làng, bãi đất trống, bờ mương...
Những 'đoá tăm hương' rực sắc đỏ bung nở dọc bờ mương. Ảnh: Đào Hà |
Xã Quảng Phú Cầu có tất cả 6 thôn, trong đó có 5 thôn làm tăm hương, chỉ riêng thôn Xà Cầu nổi tiếng với nghề làm hương đen.
Nén hương đen khác lạ được sản xuất 100% từ nguyên liệu thảo mộc tự nhiên với mùi thơm đặc trưng của nhựa cây trám rừng. Đó là một mùi thơm mát dịu tự nhiên, khác hẳn với các mùi hương trầm, hương bài, hương quế...
Để ra được thành phẩm đến tay người tiêu dùng, mỗi nén hương đều đặt trọn tâm huyết của người thợ. Từ khâu vót tăm, nhuộm chân, se hương đến phơi khô, đóng gói đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.
Bắt đầu làm hương từ năm 12 tuổi, đến nay bà Nguyễn Thị Bão (60 tuổi) đã có gần 50 năm kinh nghiệm làm nghề. Gia đình bà cũng là một trong số ít những hộ còn làm hương thủ công tại thôn Xà Cầu.
Hằng ngày, bà Bão cùng người nhà vẫn cần mẫn se từng nén hương bằng tay. Tuy sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập không quá cao nhưng với bà, giữ gìn nét văn hoá truyền thống của cha ông mới là điều quan trọng hơn hết.
“Sản phẩm của chúng tôi là hàng thủ công, thu nhập không được bao nhiêu nhưng đây là cái nghề gia truyền của các cụ từ ngày xưa nên chúng tôi luôn gìn giữ và duy trì. Dù nhiều hay ít, chúng tôi cũng phải cố gắng làm để giữ lấy cái nghề”, bà Bão nói.
Gia đình bà Bão là một trong số ít những hộ còn làm hương thủ công tại thôn Xà Cầu. Ảnh: Đào Hà |
Ngày nay, công nghệ làm hương đã được hiện đại hóa. Việc se tay truyền thống được thay thế bằng máy móc giúp năng suất lao động tăng, thành phẩm vừa đẹp lại đều. Anh Nguyễn Tiến Thi - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu khẳng định chất lượng và mùi thơm của hương vẫn được đảm bảo.
“Hương đen Xà Cầu nổi bật bởi mùi đặc trưng của nhựa trám rừng. Cây trám rừng được bà con đồng bào dân tộc cạo lấy mủ. Mùi thơm của mủ trám là một mùi hương ngát, đặc trưng, sâu. Đặc biệt, trám là cây thảo mộc trong rừng nên không độc hại”.
Để làm ra một nén hương phải trải qua nhiều quy trình. Trước hết là làm ra chân tăm. Những cây vầu, cây nứa được vót dưới bàn tay của người thợ hoặc đưa vào máy chẻ thành từng kích cỡ khác nhau, tuỳ vào yêu cầu của mỗi loại hương.
Qua quá trình sàng lọc, mài dũa, các cây tăm này được đem đi nhuộm chân. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn, tăm hương sẽ được cột thành từng bó để vận chuyển đến nơi sản xuất hương.
Trước khi đến với công đoạn se hương, người thợ phải trộn bột. Nhựa trám sau khi mua về được lọc sạch tạp chất, rồi trộn với than đen được nghiền nhỏ, tạo thành một hỗn hợp có mùi thơm dịu mát, ngào ngạt đặc trưng chỉ có ở Xà Cầu.
Sau khi se, hương sẽ được đem phơi khô trong khoảng một ngày. Ảnh: Đào Hà |
Tất bật 'tăng ca' vụ Tết
Nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu diễn ra quanh năm. Nhưng hối hả và nhộn nhịp nhất vẫn là những tháng cận Tết Nguyên đán.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nên các xưởng sản xuất phải ‘gác máy’ gần 2 tháng. Điều này làm tác động không nhỏ đến sản lượng sản xuất.
Sau khi được hoạt động trở lại, các hộ làm hương phải tăng ca, đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo số lượng hương đưa ra thị trường dịp Tết 2022.
Anh Thi cho biết, thợ làm hương tại xưởng của anh liên tục phải làm thêm giờ trong những tháng gần đây. Có ngày, 12h thợ mới dừng tay nghỉ trưa. 13h chiều quay lại và làm việc đến 18h - 18h30. Với tiến độ trên, mỗi ngày cơ sở sản xuất của anh Thi đưa ra thị trường khoảng 2 tạ thành phẩm.
Anh Thi (áo trắng) cho biết, thợ làm hương tại xưởng của anh liên tục phải làm thêm giờ trong những tháng cận Tết. Ảnh: Đào Hà |
Xưởng sản xuất tăm hương Tho Đạc của chị Nghiêm Thị Tho cũng phải tăng ca, hoạt động hết công suất những ngày cận Tết. Chị Tho cho biết, một ngày xưởng của chị sản xuất khoảng 1,3 - 1,5 tấn thành phẩm. Hàng bán nhanh đến mức đã gia tăng sản xuất mà vẫn ‘cháy’.
“Bình thường, xưởng của tôi làm việc đến 11h rồi nghỉ trưa. Nhưng đợt này toàn đến 12h kém mới dừng. Buổi chiều thường nghỉ lúc 17h, nay cũng phải tăng ca đến 18h, 19h”.
Dù bận rộn và phải về muộn hơn nhưng những người thợ nơi đây không nề hà. Họ luôn tâm niệm, hương là sản phẩm mang giá trị tâm linh, gắn với tín ngưỡng của người Việt nên phải làm thật cẩn thận, sạch sẽ, tỉ mỉ trong từng công đoạn, không được phép làm qua loa, hời hợt.
Hiện nay, hương Quảng Phú Cầu không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn là mặt hàng quen thuộc ở nhiều thị trường khác trong và ngoài nước.
Sau trăm năm, từ một nghề chỉ tận dụng thời gian lúc nông nhàn, làm hương đã trở thành nghề chính của hầu hết các hộ dân nơi đây. Cái nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn nhân khẩu mà còn trở thành nét đẹp rất riêng biệt của vùng đất nơi đây.