Làng dệt thổ cẩm của người Cơ Tu
Văn hóa - Thể thao 18/10/2022 11:13
Anh Nguyễn Văn Phi, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang cho hay, đồng bào Cơ Tu ở xã Tà B’hing đã tham gia Dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ ngân sách và do Tổ chức Cứu trợ phát triển Nhật Bản (FIDR) trực tiếp thực hiện.
Theo đó, Dự án được thực hiện từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2020, đã áp dụng phương pháp phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hướng đến phát triển kinh tế địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một của dân tộc Cơ Tu (dệt vải, các điệu nhảy, món ăn truyền thống...), khai thác và thương mại hóa các sản phẩm du lịch có giá trị của địa phương.
Khách du lịch đến Tà B’hing, sau khi tham quan Làng dệt thổ cẩm tại nhà sinh hoạt cộng đồng làng Zơ Ra, sẽ được mời thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ Tu nhà Gươl. Nhà Gươl được dựng lên giữa làng và là biểu tượng của cộng đồng Cơ Tu. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa và nghỉ ngơi của dân làng. Vẻ đẹp và sự vững chắc của nhà Gươl thể hiện sự gắn kết của cộng đồng vì nó được dựng lên bởi công sức của mọi người con trong buôn làng. Nhà Gươl có kiến trúc truyền thống rất độc đáo với cột chính ở giữa và vòm mái vững chắc. Cột và các bức tường gỗ được trang trí với các hình tượng đẽo khắc như chim, thú, rồng và hổ.
Anh Nguyễn Văn Phi cho hay, người dân ở Tà B’hing vẫn duy trì các công việc làm nương rẫy, săn bắt,... như bình thường, chỉ khi có Tour thì mọi người mới tham gia làm du lịch. Chị Cha Hiết Vân (30 tuổi) đã tham gia Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu được khoảng 3 năm với tư cách là thuyết minh viên. Chị cho biết, rất vui khi có cơ hội tham gia làm du lịch như thế này, bởi vẫn bảo đảm được công việc bình thường của một người phụ nữ Cơ Tu (chăm sóc con cái, làm nương rẫy,...) và lại có thêm thu nhập từ làm du lịch. Chị có cơ hội hiểu hơn về những giá trị đặc sắc truyền thống của chính cộng đồng, địa phương nơi mình sinh sống. Từ đó sẽ truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu và sự tôn trọng đối với dân tộc mình.
Ông Zơ Râm Thực, Chủ tịch UBND xã Tà B’hing phấn khởi nói: “Bây giờ sản phẩm dệt của người dân Zơ Ra đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu sau khi có tổ chức phi chính phủ FIDR của Nhật Bản đến hỗ trợ. Nghệ nhân Zơ Ra đã được nhiều nơi biết đến. Hiện nay, làng Zơ Ra có khoảng 30 phụ nữ cần mẫn dệt vải, trong đó có nữ nghệ nhân Zơ Rum Rem (70 tuổi), tất cả đều làm thủ công, cho ra những sản phẩm tinh xảo và đẹp mắt. Hiện nay, UBND huyện Nam Giang đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Ta B’hing gắn với Dự án Thác Grăng, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra... Điều đó cho thấy, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra ngày càng có cơ hội đến với khách du lịch nhiều hơn, góp phần quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Nam Giang với nhiều đổi thay nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu...”.
Chị Nguyễn Thị Kim Lan (nhóm trưởng của các nghệ nhân Zơ Ra) cho hay, làng Zơ Ra có khoảng 70 hộ nhưng có đến 50 nghệ nhân có tên tuổi về các nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, đàn hát, làm nhạc cụ, rèn... Nếu nói cả làng đều là nghệ nhân thì không ai tin nhưng đó là sự thực, bởi vì con gái làng Zơ Ra khoảng 10 tuổi đã được các bà, các mẹ hướng dẫn cách dệt. Đây cũng là tiêu chí để con gái Cơ Tu có thể bước vào nhà chồng. Hiện tại, nghệ nhân làng Zơ Ra có thể sản xuất với những đơn đặt hàng trong và ngoài nước.
“Lúc trước chúng tôi chỉ dệt các sản phẩm truyền thống như khố, áo, nhưng vài năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và cũng để bán cho du khách có nhu cầu, tạo nguồn thu nhập cho chị em phụ nữ tham gia HTX, chúng tôi đã tạo ra gần 30 sản phẩm dệt thủ công truyền thống, như túi xách, ví, ba lô, khăn trải bàn... Trong đó, sản phẩm túi xách của chúng tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm) 3 sao. Ngoài ra, sản phẩm dệt truyền thống của HTX còn được gửi bán nhiều nơi tại Hà Nội, Đà Nẵng,.., được khách hàng đón nhận. Nhờ đó đã tạo thêm thu nhập mỗi tháng khoảng 500.000 đồng cho mỗi phụ nữ tham gia HTX, góp phần động viên, khích lệ thế hệ trẻ phụ nữ người Cơ Tu hăng say hơn với nghề dệt truyền thống của dân tộc mình...”, chị Lan cho biết thêm.