Làng cổ Yên Phú có 2 ngôi đền thờ tướng quân Đoàn Thượng
Nhịp sống văn hóa 23/11/2023 16:21
Làng Yên Phú nằm ở phía Bắc huyện Yên Mỹ, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 28km về phía Đông Nam. Vùng đất cổ này là nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú của nước nhà như: Hồng hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung tướng Nguyễn Văn Bình...
Bên cạnh đó, nơi đây cũng lập đền thờ tướng quân Đoàn Thượng, một nhân tài kiệt xuất của triều đại phong kiến nhà Lý với 2 ngôi đền cổ nổi tiếng là đền Trà Lôi và đền Ngự Dẫn.
Tương truyền, Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng sinh ngày 12/8 năm Tân Sửu (1181) tại làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông là con của người vú nuôi vua Lý Huệ Tông. Ông được học hành đến nơi đến chốn, đỗ khoa thi năm Giáp Tý (1204), niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ 3 đời vua Lý Cao Tông, rồi làm quan nhà Lý năm 23 tuổi.
Trong những năm làm quan, tướng quân Đoàn Thượng nhiều lần được nhà vua tin tưởng giao cầm quân đánh giặc và giành được thắng lợi vẻ vang, được triều đình ban thưởng và phong thêm chức tước. Là người có tài lại có sức khỏe nên triều đình đã giao cho ngài trọng trách cai quản hưng doanh lộ Hồng Châu. Ngài đã có công vận động nhân dân chung sức trị thủy, chăm lo cấy cày, trồng tỉa, chăn nuôi trên vùng nước phù sa…
Năm 1228, sau khi thao túng nhà Lý, Trần Thủ Độ ngầm giao ước cùng Nguyễn Nộn hẹn gặp 3 bên ở xứ Đồng Đao để làm lễ minh thệ. Tướng Đoàn Thượng sơ suất cả tin, đã đến xứ Đồng Đao và mắc phải mưu của Trần Thủ Độ nên bị sát hại. Trên đường cố gắng phóng ngựa theo đường kinh lí (Quốc lộ 5 ngày nay) để trở về quê đã tình cờ dừng nghỉ tại quán vắng bên đường tại Gò Mả Chín gần làng Yên Phú, sau đó ngài thác tại làng Bần Yên Nhân cách đó khoảng 2km.
Làng Yên Phú xưa gồm hai thôn, là thôn Trà Lôi và thôn Ngữ Dẫn (sau người dân gọi tắt là thôn Trà và thôn Ngự). Cảm ân danh tướng Đoàn Thượng hết mực trung thành nên cả hai thôn đều lập đền thờ vị trung thần này của nhà Lý.
Cụ Nguyễn Viết Dung (93 tuổi, đứng giữa) là thủ từ đền Trà Lôi đang kể về sự tích của hai ngôi đền thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. |
Đền thờ Tướng Đoàn Thượng, Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần nằm ở giữa thôn Trà, là nơi người dân thường tụ họp mỗi khi có việc nên hay gọi là đình. Trước đền có hồ nước quanh năm xanh mát, hè về ngan ngát hương sen. Một ngôi đền theo lối kiến trúc hậu Trần đầu Lê mang nét độc đáo nhờ những hoa văn, họa tiết rồng phượng, truyền rằng đền rất thiêng bởi vị tướng trung thần xưa đã độ trì cho dân làng cho nên làng đã sinh ra nhiều người con kì tài, lỗi lạc.
Đền Ngự Dẫn chỉ cách Đền Trà Lôi chừng 300m và nối thông với nhau nhờ một hồ nước dài. Bên kia hồ nước là Nhà tưởng niệm cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Chia sẻ với phóng viên game bài đổi thưởng tiền that , hương lão Nguyễn Viết Dung (93 tuổi), thủ từ đền Trà Lôi cho biết: “Ngôi đền Trà Lôi này đã được hơn 600 năm tuổi. Nơi đây thờ Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, là một vị dũng tướng trung thần của nhà Lý thời phong kiến nước ta. Đền rất linh thiêng, hằng năm đầu xuân đều có tổ chức lễ giỗ Thánh rất long trọng.”
Nói về sự tích của hai ngôi đền, cụ Dung chậm rãi ngâm bài thơ nổi tiếng:
“Đình làng tả hữu, ngự song trình
Đông Hải Đại Vương, tọa hiển linh
Dẫn Ngữ: Nam ban, trời lộng gió
Trà Lôi: Tây kết, đất trường sinh
Hằng năm giỗ Thánh, lưu danh liệt
Mồng một ngày rằm, rực khí linh
Hương lão nến nhang cầu đức tuệ
Xóm thôn Yên Phú, phúc tâm minh.”
Trải qua hơn 6 thế kỉ, đền Trà Lôi và đền Ngự Dẫn không chỉ trở thành một di tích văn hóa - lịch sử linh thiêng của làng Yên Phú mà còn trở thành một địa điểm tâm linh tối thượng của con cháu dòng họ Đoàn tại Việt Nam. Hằng năm, các thế hệ hậu sinh của Đoàn tộc thường về đây tham quan, chiêm bái đồng thời lắng nghe các bậc hương thân phụ lão trong làng kể về những câu chuyện, sự tích gắn liền với vị danh tướng lẫy lừng là Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng.