Lăng “Bà Chợ Được”
Văn hóa - Thể thao 12/10/2022 09:12
Truyền thuyết
Bà Chợ Được tên tục là Nguyễn Thị Của, sinh năm 1800 thời Lê Cảnh Hưng. Khi ra đời, bà có nhiều điểm khác lạ, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng… Bà mất năm 1817. Năm 1852, bà hiển linh tại làng Phước Ấm, hóa thân thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước, bán trầu, bốc thuốc, chữa bệnh cho dân nghèo, biến phép trừng trị tham quan.
Bà có công lớn tạo dựng nơi đất cát hoang vắng tại làng Phước Ấm thành khu chợ sầm uất. Về sau, người dân nghĩ đến sự tình cờ như một ân huệ ban phát, “được một cái chợ” nên gọi chợ này là chợ Được. Tưởng nhớ công đức Bà, hằng năm vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch (ngày nhận sắc phong đầu tiên), làng Phước Ấm tổ chức lễ cúng Bà. Nhân dân Quảng Nam ở khắp nơi cũng tề tựu về đây để rước Cộ.
Các đời vua nhà Nguyễn ghi nhận công lao của Bà. Năm 1898, vua Khải Định ban cho Bà sắc phong “Tề thục dực bảo trung hưng trung đẳng thần”. Năm 1924, vua Khải Định phong sắc “Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”. Đến năm 1927, vua Bảo Đại gia tặng “Tề thục dực bảo trang huy thượng đẳng thần”.
Lăng Bà Chợ Được |
Lễ hội Bà Chợ Được là lễ hội dân gian ghi dấu đời sống tâm linh, phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng biển Quảng Nam, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước bình dị về cuộc sống an lành, no đủ. Nơi đây còn lưu truyền câu ca: “Hằng năm mười một tháng Giêng/ Chưng cộ, hát bộ, đua thuyền tri ân”.
Lăng Bà
Các bậc cao niên cho hay, năm 1849, người dân lập một căn nhà nhỏ một gian làm bằng tranh, tre để thờ Bà, về sau ngôi nhà được nâng lên thành ba gian rộng rãi, tường xây mái ngói (1857), cuối tháng 10 năm 1968 (Mậu Thân), Nhân dân trong làng kẻ ít, người nhiều đã thành kính góp kinh phí xây lại lăng Bà tường gạch, mái ngói và thêm nhiều lần trùng tu để có nét đẹp ngày hôm nay. Gần đây nhất là công trình trùng tu, tôn tạo lăng Bà Chợ Được được khởi công vào tháng 6/2018 và hoàn thành vào tháng 12/2018 với tổng kinh phí 1,5 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 1,1 tỉ đồng, còn lại Nhân dân đóng góp.
Trước mặt lăng là tấm bình phong đắp nổi hình con cọp và hai trụ biểu cách điệu hình hoa sen đặt hai bên với hai câu: “Phước linh lập thị quy dân hiệp - Ấm địa danh thành vạn đại lưu”, trên nóc lăng Bà là bốn chữ “Thần Nữ Linh Ứng”, lăng có diện tích 144m2, làm theo lối kiến trúc đình làng xưa với góc mái cong. Các đầu đao trang trí hình con phượng, một trong tứ linh, hai đầu bờ nắp đắp vênh lên như mũi thuyền.
Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh, thành phố |
Chính giữa mái lăng là rồng chầu mặt nguyệt, tường hiên đắp nổi hai câu: “Đông Tiếp Trà Giang Ninh Hướng Trung Thiên Vân Lộng Vũ - Tây Liên Ngọc Lãnh Trung Hướng Đại Địa Lôi Huỳnh Ba”. Bên trong lăng bài trí như một ngôi đình thờ thần làng. Tẩm cung là nơi an phụng Thần vị với long ngai và tượng Bà bằng vải, trang phục bằng vải đỏ, thêu kim tuyến nhiều màu rực rỡ, Bà đi hài, đầu cài vương miện, bên phải và bên trái có hai cây quạt to hình trái tim.
Trước nơi an phụng thần vị là bàn thờ Bà. Trên bàn thờ, ngoài hương án, đài rượu bằng đồng, bình hoa bằng sứ còn có hòm đựng sắc phong. Trước bàn thờ là bàn án đặt hương hoa, đèn nến, là nơi Đồng tử theo lệnh Bà cho thuốc chữa bệnh và mọi việc cúng tế cũng diễn ra ở đây. Hai bên bàn thờ và bàn án có hai hàng tự khí gồm tàn, lọng, gươm, đao, hèo, tượng trưng đồ bát bửu và lỗ bộ, trên đỉnh bàn thờ có ba chữ đại tự: “Thần Nữ Miếu”, hai cánh bên có hai câu đối nói lên chức sắc của Bà: “Thần Ân Vĩnh Bảo Dực Trung Hưng - Đế Phong Phương Lộc Gia Thượng Đẳng”.
Đặc biệt ở bàn án có thờ một cây bút bằng gỗ màu đen, tương truyền trước đây Bà dùng bút này giáng cho Đồng tử để kê đơn thuốc chữa bệnh cứu người. Tả ban và Hữu ban thờ các vị tiền bối, đặt hương án, đèn nến, kích thước nhỏ hơn bàn thờ Bà. Phía ngoài nhìn vuông góc với bàn thờ Bà là bàn thờ công đức và có một bản công đức treo bên trái tường ghi danh những người có công đóng góp xây lăng và làm việc thiện.
Theo ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều, Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được không mang tính mê tín, dị đoan, không hề có các hoạt động đồng bóng, bói toán, ăn xin, tụ tập bài bạc. Lễ hội này, ngoài hoạt động chính là Lễ rước Cộ, xã Bình Triều sẽ tổ chức các hoạt động như Hô hội Bài chòi, bóng chuyền nữ, bóng đá nam, và giải đua thuyền truyền thống trên sông Trường Giang. Có thể khẳng định, Lễ hội Cộ Bà Chợ Được là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, là nơi để người dân ngưỡng vọng các bậc tiền nhân và ước vọng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.