Lan tỏa văn hóa dân tộc Pa Kô
Văn hóa - Thể thao 31/05/2024 09:19
Ông là con thứ 9 trong gia đình có 11 anh chị. Nhưng 10 anh chị em của ông lần lượt rời bỏ thế gian vì bom đạn và bệnh tật. Chỉ còn một mình Kray Sức ở với mẹ, trong khi bố đi bộ đội. Trước khi lên đường nhập ngũ, bố để lại cho mẹ một cây đàn ta lư. Hằng ngày, mẹ con ông rau cháo qua bữa, tối đến mẹ gảy đàn ta lư, hát các làn điệu dân ca ru ông ngủ.
Nghệ nhân Kray Súc (người đầu hàng bên trái) và các học trò. |
Tháng năm trôi qua, Kray Sức trở thành chàng thanh niên có giọng ca hay nhất vùng, cùng với tiếng đàn ta lư, hầu như ở các cuộc thi văn nghệ Kray Sức đều đoạt giải cao. Cùng với nhiệm vụ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt, Kray Sức không quản ngại đường sá xa xôi, khó khăn vất vả đã băng rừng, lội suối để sưu tầm, dịch thuật, ghi chép, biên soạn hàng chục kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội cùng các làn điệu dân ca của dân tộc Pa Kô. Ðến nay, qua hơn 20 năm, Kray Sức đã sưu tầm, khôi phục được 24 làn điệu dân ca cổ của dân tộc Pa Kô.
Ngoài ra, Kray Sức còn sưu tầm và dạy người dân các bản, làng viết chữ của đồng bào mình... Theo Kray Sức, khi người Pa Kô đọc, viết thành thạo ngôn ngữ của mình thì đó là cơ sở và nền tảng vững chắc cho việc gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pa Kô được sâu bền, mãi mãi. “Ngoài hát, múa, phải dạy chữ cho thế hệ trẻ, vì nếu chỉ hát thôi thì các cháu sẽ không biết chữ. Cách viết theo tiếng Pa Kô có phông chữ riêng cho nên tôi phải cố gắng thiết lập lại các chữ đó cho thuận lợi trong việc truyền dạy”- Nghệ nhân Kray Sức cho biết.
Ðể làn điệu dân ca Pa Kô lan tỏa trong cộng đồng, Kray Sức đã mở lớp dạy hát, truyền đạt lại các môn nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ. Với nỗ lực lưu truyền và đóng góp của mình, Kray Sức đã tổ chức và xây dựng được 9 đội dân ca, dân vũ ở xã Tà Rụt và các địa phương khác trong huyện Ða Krông. Các làn điệu dân ca của người Pa Kô giờ đã lan tỏa khắp các bản, làng và trong các trường học.
Đồng hành cũng ông là 7 học trò xuất sắc, gồm: Hồ Văn Hữu, Hồ Xuân Nam, Hồ Xuân Niên, Hồ Văn Việt, Hồ Văn Ngư, Hồ Thị Thôi và Hồ Thị Sở đều trú tại xã Tà Rụt.
Đến nay, Kray Sức và 7 học trò đã truyền dạy văn hoá Pa Kô cho hàng trăm người dân, trong đó có nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 18-20. “Tôi cho học trò tham gia truyền đạt văn hoá Pa Kô để các em làm quen, dần dần thành thạo. Sau này, khi tôi không đủ sức nữa thì các em sẽ trở thành trụ cột trong việc lưu truyền văn hoá dân tộc, quyết không để mai một cùng năm tháng" - Kray Sức tâm sự.
Không chỉ lưu truyền văn hoá dân tộc cho đồng bào Pa Kô trong huyện Đakrông, Kray Sức còn nhận lời đi dạy ở các xã của huyện Hướng Hoá và các tỉnh bạn. Nơi nào người Pa Kô cần, Kray Sức sẽ có mặt, đem hết nhiệt huyết của mình truyền dạy văn hoá Pa Kô với mong muốn văn hoá Pa Kô trường tồn với dãy Trường Sơn hùng vĩ.