Kỉ niệm 60 năm, Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam 10/8/1961 - 10/8/2021
Nghiên cứu - Trao đổi 06/08/2021 09:15
Mỹ không chỉ dùng bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng chất độc hóa học triệt hạ nguồn sống của Nhân dân ta; ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Từ năm 1961 đến năm 1971, đã có 80 triệu lít hóa chất độc, trong đó có 61% là chất da cam, chứa 366kg điôxin, Mỹ rải xuống 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3 triệu ha, bằng 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống Việt Nam. |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, với liều lượng một nanô gram (một phần tỉ gram) đã có thể gây ung thư và tai biến sinh sản ở người và di truyền tới đời con, cháu. Vài chục nanô gram sẽ gây chết người lập tức. Chính sự nguy hiểm và liều lượng chất da cam/đioxin của quân Mỹ rải xuống Việt Nam đã làm 4,8 triệu người dân nước ta bị phơi nhiễm, trong đó 3 triệu người trở thành nạn nhân của chất độc này. Họ là cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân du kích, tự vệ, dân công hỏa tuyến và những dân thường, sinh sống trong các vùng bị địch rải chất độc.
Với lượng lớn chất độc hóa học của Mỹ, phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, môi trường miền Nam bị ô nhiễm nặng nề. Các hệ sinh thái ở đây bị đảo lộn. Một số loài động vật, thực vật bị tuyệt chủng. Hệ thống rừng ngập mặn ở rừng Sác, phía Đông Bắc TP Hồ Chí Minh và huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy. Vai trò rừng ngập mặn giữ đất, lấn biển bị giảm sút. Tại các sân bay quân sự Đà Nẵng, Biên Hòa, Phú Cát, trước đây Mỹ dùng lưu giữ, pha trộn chất độc hóa học, nồng độ điôxin càng cao.
Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy chất độc dacam/điôxin gây tổn thương phức tạp trên tất cả các bộ phận sinh lí của cơ thể người: Gây ung thư da, gan, tuyến giáp; đái tháo thường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó, gây nên dị tật bẩm sinh, các tai biến khi sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam/đioxin là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể; mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư dị dạng, dị tật bẩm sinh…
Chất độc da cam/điôxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ở nước ta, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.
Những cảnh đau lòng, những chuyện thương tâm về nạn nhân da cam không thể kể hết. Thường thấy trong một gia đình nạn nhân, người phụ nữ mang nặng đẻ đau, rồi mỗi lần sinh nở lại là lần buồn khổ, đẻ ra đứa trẻ dị dạng, chạy chữa, nuôi nấng mấy chục năm trời mà con vẫn vô tri vô giác… Đau lòng hơn thế, khi chứng kiến gia đình cả 5 cha con đều là nạn nhân; thậm chí có gia đình ba thế hệ đều không thoát khỏi di chứng của chất độc. Tính đến nay, hàng vạn người đã chết, hàng triệu người khác mắc các căn bệnh nan y. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân chất độc dacam/điôxin hiện còn nhiều khó khăn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân; các nạn nhân là dân thường không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu. Đa số thuộc hộ nghèo. Trong khi đó, mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân lại rất tốn kém; vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.
Vì vậy, có thể nói: “Nạn nhân chất độc da cam/đioxin là những người nghèo nhất trong những người nghèo; những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”… (Còn nữa)